3 yếu tố xây dựng mẫu hình đoàn viên ở nông thôn có trình độ, năng lực làm chủ theo hướng toàn diện, văn minh

Bình Minh Thứ năm, ngày 21/03/2024 09:00 AM (GMT+7)
Theo Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Trung ương Hội NDVN Mai Bắc Mỹ, xây dựng mẫu hình người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh ở nông thôn Việt Nam có trình độ, năng lực làm chủ theo hướng toàn diện, văn minh phải hội tụ 3 yếu tố.
Bình luận 0

Chiều 20/3, tại trụ sở cơ quan Trung ương Hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Nông nghiệp sinh thái, nông dân chuyên nghiệp – Khát vọng vươn tầm”.

Tại Hội thảo, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Trung ương Hội NDVN Mai Bắc Mỹ đã trình bày tham luận với nội dung: "Xây dựng mẫu hình người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh ở nông thôn Việt Nam có trình độ, năng lực làm chủ theo hướng toàn diện, văn minh".

Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Trung ương Hội NDVN Mai Bắc Mỹ cho rằng, nội dung trước hết và trên hết là xây dựng lòng yêu nước thương dân với giá trị văn hóa cốt lõi đoàn kết thống nhất và ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển phồn vinh của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về thế giới quan và nhân sinh quan, đưa chủ nghĩa yêu nước thương dân với giá trị văn hóa cốt lõi đoàn kết thống nhất và ý chí tự chủ, tự lực, tự cường lên đỉnh cao mới với tư tưởng dân là gốc, dân là chủ, dân làm chủ mà liên minh công - nông - trí thức là nền tảng chính trị - xã hội của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng “nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân”.

3 yếu tố xây dựng mẫu hình đoàn viên ở nông thôn có trình độ, năng lực làm chủ theo hướng toàn diện, văn minh- Ảnh 1.

Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Trung ương Hội NDVN Mai Bắc Mỹ cho rằng, nội dung trước hết và trên hết là xây dựng lòng yêu nước thương dân với giá trị văn hóa cốt lõi đoàn kết thống nhất và ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển phồn vinh của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ảnh: Viết Niệm

Từ cổ đại đến hiện đại, dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển trong những điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cụ thể, mà trong ba yếu tố này, tự nhiên với đặc tính rất đa dạng về các hệ sinh thái (nông nghiêp, lâm nghiệp, đồng cỏ, thổ nhưỡng, khí hậu, sông, hồ, đồi núi, cao nguyên, đồng bằng duyên hải) và vùng biển rộng lớn cho phép nước ta phát triển cả công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm quanh năm được cả ba nhóm sản phẩm nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới. Ở vào vị trí trên bờ Đông, chiếm trọn phần phía Đông của bán đảo Đông Dương, thường gặp thiên tai và địch họa, Việt Nam như: “đầu cầu” nối liền Đông Nam Á lục địa với các quần đảo vùng cung Tây Nam Thái Bình Dương, Đông Bắc Á và Ấn Độ, hội tụ và giao thoa giữa các nền văn minh từ thời cổ đại ở phương Đông và từ thời trung đại ở phương Tây, tạo dựng nên nền văn hóa đa sắc tộc gia đình - làng xã - quốc gia với sự tiếp biến và hòa quyện ngày càng chặt chẽ trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Các thế hệ người Việt Nam đã chung sức chung lòng đắp đê phòng chống lũ và chắn biển triều cường, đấu tranh chống lại các thế lực xâm lăng và quyết giành lại độc lập dân tộc. Quá trình đó đã hun đúc nên quan hệ kinh tế gắn chặt với tự nhiên và quan hệ xã hội chặt chẽ kết cấu sống động mạnh mẽ gia đình - làng xã - quốc gia theo triết lý nhân sinh và tư tưởng chính trị “tình làng, nghĩa nước”, “Nước mất Nhà tan”, “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” như là truyền thống quý báu nhất, là mạch nguồn vận mệnh dân tộc mà ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, bất khuất, anh dũng, nhân ái, vị tha, cần cù, sáng tạo là những giá trị biểu hiện cụ thể của nó. Chủ nghĩa yêu nước thương dân mà cốt lõi là đoàn kết và đoàn kết dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển thành tư tưởng chiến lược “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”.

Chủ nghĩa yêu nước thương dân là giá trị văn hóa cốt tử, là sức mạnh to lớn nhất và truyền thống quý báu nhất xuyên suốt lịch sử dân tộc ta, được mỗi người và hộ gia đình tôn thờ, khắc ghi vào tình cảm và tâm hồn vì sự trường tồn của dân tộc. Trong môi trường thiên nhiên và địa hình “núi liền núi, sông liền sông” với các nước láng giềng, trải qua quá trình di cư đến nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đến nay đất nước ta có một cộng đồng gồm 54 dân tộc đoàn kết thống nhất theo tư tưởng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” của Bác Hồ kính yêu. Nông dân các dân tộc Việt Nam mà nông dân là lực lượng chủ đạo của dân tộc đã tạo tác nên nền nông nghiệp lúa nước gắn với các công cụ kim khí sắc bén và ruộng nước ở đồng bằng cũng như ruộng nước bậc thang ở vùng trung du miền núi đã trở thành kiệt tác sáng tạo để đúc kết thành tri thức quý giá. Tri thức “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” với các yếu tố “sĩ, nông, công, thương” trở thành động lực sinh tồn hợp thành của nền kinh tế - xã hội Việt Nam được hiểu ở hai giác độ ngành kinh tế và giai tầng mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã chỉ ra vai trò trụ cột của các yếu tố này bằng tư duy “tứ bất” trong vai trò của “tứ dân” là “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hung”, khẳng định văn minh vật chất và tinh thần.

3 yếu tố xây dựng mẫu hình đoàn viên ở nông thôn có trình độ, năng lực làm chủ theo hướng toàn diện, văn minh- Ảnh 2.

Hội thảo do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức. Ảnh: Viết Niệm

Thứ hai, thực hiện nhất quán tư tưởng “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm “chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam toàn diện, văn minh” của Đảng ta, chúng ta cần tiến hành một cuộc vận động chuyển đổi lớn sâu sắc từ Trung ương đến cơ sở về tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần nông quy mô nhỏ sang tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững như là sứ mệnh của tuổi trẻ Việt Nam nói chung, tuổi trẻ nông thôn nói riêng. 

Chúng ta đều biết, xã hội nông thôn Việt Nam mà nông dân và hộ nông dân sinh sống làm chủ luôn là nơi tạo tác nên, lưu truyền và phát huy nền văn minh nông nghiệp lúa nước mang đậm tính dân tộc hay phong tục bao gồm sự cấu thành của hai yếu tố và tinh thần tại thời điểm xét đến, vận hành liên tục và tiến hóa xã hội với những giá trị tốt đẹp có mối quan hệ biện chứng tự nhiên như nhà bác học đã đúc kết và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái niệm. Từ ngày 29/8/1942 đến 13/9/1943, trong những tháng ngày bị tù đày bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã đấu tranh bền bỉ, kiên nhẫn và lạc quan với 134 bài thơ “Nhật ký trong tù” và nêu bật “ý nghĩa của văn hóa: vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. 

Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam: xây dựng tâm lý về tinh thần độc lập tự cường, xây dựng luân lý về biết hy sinh mình và làm lợi cho quần chúng, xây dựng xã hội về mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội, xây dựng chính trị về dân quyền và xây dựng kinh tế. Tháng 02/1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam với kết cấu gồm 05 phần như cương lĩnh về cách mạng văn hóa theo ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Vì vậy, để thoát khỏi nạn mù chữ do “chính sách ngu dân” trong hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” với tinh thần chỉ “cần ba tháng là để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ”. Qua đó, chúng ta thấy từ trước đến nay, nhân dân ta đều coi trọng cả bốn tầng lớp sĩ, nông, công, thương và ba tầng lớp nông, công, thương muốn phát triển thì đều phải có trí thức văn hóa, nhất là rất cần có thế hệ nông dân trẻ phát triển toàn diện và văn minh để chủ động hội nhập quốc tế. Có thể tin chắc chắn rằng, Hồ Chí Minh đã khái niệm rất sâu sắc, đầy đủ về văn minh theo cả nghĩa rộng và hẹp. 

Thực tế ở nước ta, nhân dân ta mà lực lượng chủ yếu là nông dân đã tạo tác nên vật chất (hệ thống đê điều, kênh đào dẫn nước, đập thủy lợi, đập thủy điện, hồ treo trên núi, kiến trúc nhà cổ dân tộc Việt, dụng cụ cầm tay, cối xay ngô, xe ngựa, xe bò, xe máy, máy móc, đồ ăn thức uống, quần áo, đồ trang sức, chính sách, pháp luật v.v…) là cái thể hiện ra bên ngoài và là cái có thể dễ có; đồng thời tạo nên tinh thần là cái tồn tại bên trong và là thứ rất khó có được trong bối cảnh nông thôn Việt Nam đang nảy sinh những vấn đề xã hội bức xúc cần có cách thức xử lý đúng đắn. Trong đó, có những vấn đề nóng và cấp bách là xã hội nông thôn đang đối mặt với thực tế cạnh tranh gay gắt về nhân công, tài nguyên và nước; bị ô nhiễm các tệ nạn xã hội, tệ tham nhũng, hối lộ và bị tha hóa bởi lối sống thực dụng và ích kỷ, thậm chí xé tan tấm màn tình cảm gia đình và biến quan hệ gia đình chỉ còn về tiền bạc; một bộ phận cán bộ cơ sở và phần lớp người nông dân vừa già hóa, vừa hạn chế trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh nông nghiệp do xu hướng người lao động rời bỏ nông thôn đi tìm việc làm tại các đô thị và khu công nghiệp ngày càng tăng. 

Cho nên, tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phụ nữ, hội viên nông dân cùng mỗi người dân yêu nước Việt Nam đều muốn lưu giữ di sản của cha ông (cả vật chất lẫn tinh thần, tri thức) và thúc đẩy đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển phồn vinh, văn minh và hạnh phúc, tự do và độc lập. Các giá trị văn hóa tinh thần (yêu nước thương dân, tự lực tự cường và cần cù sáng tạo, anh dũng và bất khuất, khoan dung độ lượng và hòa hiếu, tư duy “dĩ nông vi bản” và “tứ bất”...) ấy là môi sinh của chuẩn mực xã hội Việt Nam bao gồm các chuẩn mực thành văn (văn bản luật, quy định, quy ước, quy chế) và các chuẩn mực bất thành văn tạo thành thói quen, hành vi, phong tục, tập quán (lịch sự, lễ phép, tình nghĩa, thủy chung, khoan dung độ lượng, nhân ái, vị tha, hiếu thuận, kính già yêu trẻ, khéo léo, nhẫn nại, ghét áp bức bất công) được áp đặt một cách tự nhiên lên các thành viên xã hội và tạo nên ý thức “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”. Vì thế tuổi trẻ chúng ta, có tuổi trẻ nông thôn cần phải làm điều khó trước, còn điều dễ có thì để thực hiện sau và nếu làm sai thứ tự này thì thứ văn minh vật chất dễ có sẽ không chỉ mang lại hiệu quả tốt mà nhiều khi còn gây hại đối với đất nước ta như chúng ta đã và đang thấy.

Trên tinh thần ấy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương “triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới…Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” với ý chí đoàn kết thống nhất “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” (có chung một lãnh thổ, chung một nền kinh tế, chung một nền văn hóa, chung một vận mệnh, chung một tương lai) của xã hội Việt Nam trong dặm dài tiến hóa của nó từ hệ mẫu chuẩn mực xã hội cổ đại đến trung đại và hiện đại hiện nay với mục tiêu và đặc trưng của một xã hội xã hội chủ nghĩa như Cương lĩnh năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định. Tất cả những chuẩn mực ấy thể hiện sâu sắc hệ giá trị văn hóa văn minh của dân tộc Việt Nam mà không thể mua được hay bán được. Trước những thời cơ, thách thức và yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.

Từ đó, những nội dung cơ bản cần xây dựng mẫu hình người nông dân phát triển toàn diện, văn minh, nhất là người đoàn viên thanh niên nông thôn sẽ là giàu lòng yêu nước thương dân với giá trị văn hóa cốt lõi đoàn kết thống nhất và ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; biết bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị chuẩn mực của văn hóa văn minh của dân tộc Việt Nam; có trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh nông - lâm - ngư - diêm nghiệp theo chuỗi giá trị, ý thức bảo vệ môi trường và tôn trọng pháp luật; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn xanh, thực hiện sản xuất và tiêu dùng xanh, đề cao phong cách và hành vi sống thân thiện với môi trường; chủ động hợp tác, liên kết ở trong nước và ngoài nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giao tiếp tự tin và tự chủ; gia nhập các đoàn thể chính trị - xã hội và Hội nông dân, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

3 yếu tố xây dựng mẫu hình đoàn viên ở nông thôn có trình độ, năng lực làm chủ theo hướng toàn diện, văn minh- Ảnh 3.

Bên cạnh phần tham luận cũng sẽ diễn ra Tọa đàm: "Vai trò của thanh niên trong phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng hình mẫu người nông dân Việt Nam thời đại mới". Ảnh" Viết Niệm

Thứ ba, thực hiện di huấn “công nông trí thức hóa” và “trí thức công nông hóa” với nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”, cần nghiên cứu cụ thể hóa chủ trương của Đảng ta về tạo đột phá trong phát triển, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ nông thôn.

Các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí cần chú trọng bám sát tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thấu hiểu để không ngừng đổi mới cách thức và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giới thiệu các mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả và kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Các loại hình tuyên truyền, giáo dục, đào tạo trực tiếp, từ xa và tự học cần được đổi mới nhằm góp phần nâng cao nhận thức và năng lực, trình độ học vấn và kiến thức cho lao động trẻ nông thôn đã và đang khởi nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách thu hút lao động hoặc giữ lại lao động có trình độ cao làm việc lâu dài ở nông thôn đi đôi với cổ động đẩy mạnh phong trào nông dân trẻ khởi nghiệp thi đua làm giàu trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp bằng sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố sĩ, nông, công, thương. Vận động các tập đoàn, công ty, hợp tác xã, tổ chức tư nhân tham gia đào tạo nghề cho lao động trẻ nông thôn và hỗ trợ phát triển thị trường lao động ở nông thôn.

Các học viện, trường dạy nghề căn cứ vào thực tế nhu cầu chuyển dịch lao động nông thôn từ nông nghiệp sang làm việc ở khu công nghiệp, dịch vụ để tổ chức đào tạo thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nông thôn và tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ nông thôn. Chỉ có vậy, nông dân và cư dân nông thôn mới có cơ hội nâng cao trình độ học vấn và đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn. Cần phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

Cần tiếp tục đổi mới công tác khuyến nông, khuyến công theo hướng kết hợp giữa Nhà nước và Nhà doanh nghiệp, đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động trẻ nông thôn theo hướng nâng cao trình độ và kỹ năng nghề, mở rộng quy mô và các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu lao động có đức - trí - thể - mỹ. Trong thời gian tới, với bằng cả ba yếu tố tầm nhìn, năng lực và động lực, chúng ta cần đẩy mạnh tuyền truyền nâng cao nhận thức và tăng cường hành động để mong muốn đưa chủ trương của Đảng về “thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” thành kết quả hữu hình trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Có thể tin tưởng rằng, hướng về nông thôn và vì nông dân trẻ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương. Chúng tôi xây dựng mẫu hình người đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở nông thôn hiện nay là nhiệm vụ then chốt, đột phá và có tính quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem