Hà Nội: Hàng bình ổn "phi mã"
Ghi nhận của phóng viên NTNN về giá cả hàng hóa trong ngày đầu tiên của đợt nghỉ Tết dưong lịch đó là sự tăng giá của hầu hết các loại mặt hàng. Thực phẩm tại các chợ có mức tăng từ 20-25%.
|
Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh trong những ngày nghỉ Tết dương lịch. |
Tại các chợ đầu mối Kim Ngưu, chợ Thành Công (Hà Nội), các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống chen chúc người mua.
Tôm sú loại to giá từ 300-320 nghìn đồng/kg, trong khi ngày thường chỉ có giá 260.000-280.000 đồng/kg, ngao hoa giá 50.000 đồng, cao hơn bình thường tới 20.000 đồng/kg, thịt bò thăn tăng từ 150.000 lên 190.000 đồng/kg.
Nhìn chung các loại có mức tăng từ 15 - 20% so với ngày thường. Riêng với mặt hàng rau xanh, hầu hết tại các chợ đều có mức tăng tới 30%. Một kg cải thảo có giá 15.000 đồng/kg (ngay trước dịp nghỉ lễ chỉ có 10.000 đồng/kg).
Đáng chú ý, một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá tại Hà Nội cũng không cưỡng lại được xu thế tăng giá, bởi doanh nghiệp khó có thể chịu lỗ nếu bán hàng ở mức giá thấp. Biểu hiện là việc Sở Công Thương Hà Nội đã phải cho phép các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá đăng ký giá bán mới (theo hướng tăng lên) theo tuần đối với mặt hàng thủy hải sản, hàng tươi sống và theo tháng đối với các mặt hàng thực phẩm còn lại, thay vì giữ mức giá thấp ổn định như trước đây.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Tình trạng tiểu thương tăng giá là do khâu phân phối chưa tốt. Không làm tốt hệ thống phân phối thì thậm chí còn xảy ra tình trạng hàng bình ổn giá trong siêu thị bị tuồn ra ngoài để hưởng chênh lệch giá dẫn đến chuyện nhà nước thì bỏ tiền bình ổn giá còn một số tiểu thương được hưởng lợi.
Đà Nẵng: Hàng hóa dồi dào, giá cả tăng vọt
Theo Công ty Quản lý chợ Đà Nẵng, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán hiện nay đang rất dồi dào, nhưng mấy ngày qua giá tăng từ 20- 40% so với ngày thường. Dầu ăn, mắm, bánh kẹo, nước ngọt, bia các loại… tăng từ 5-10% và khả năng tăng cao dịp cận Tết. Gà sống, chuối xanh, hải sản tăng 20%, riêng đường cát tăng 50%.
Bia Sài Gòn (loại bia lon 333) đang sốt giá tăng từ 142.000 đồng lên 190.000 đồng/thùng. Các siêu thị lớn ở Đà Nẵng như Big C, Metro, Co.op Mart đều nhận được đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp.
Để bình ổn giá cả dịp cận Tết, TP.Đà Nẵng vừa ứng 250 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thương mại mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Thành phố cũng phối hợp với doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn phục vụ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Tươi - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, thời gian qua giá USD trong nước tăng đã khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bị đẩy lên. Ngoài ra công tác quản lý, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh cũng đã là nguyên nhân khiến cho tình trạng đầu cơ, tự ý tăng giá diễn ra.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá thực phẩm tăng mạnh
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong mấy ngày nghỉ lễ Tết dương lịch vừa qua do trúng vào thời điểm cuối tuần nên lượng khách du lịch đến tỉnh này khá đông, các khách sạn, nhà nghỉ hầu hết đã “cháy” phòng từ giữa tháng 12-2010.
Tuy nhiên các khách sạn lớn như: Imperial, Cap Saint Jacques, Places, DIC Star, Mỹ Lệ… hầu như không tăng giá, còn các khách sạn mini, nhà nghỉ tăng giá từ 40-60%. Các dịch vụ như: Ăn uống, vui chơi, giải trí cũng tăng giá từ 30-50% do giá cả thị trường thực phẩm tăng.
Tại một số chợ, giá một số loại thực phẩm như thịt bò, cá, các loại hải sản, rau xanh… cũng tăng giá nhẹ từ 5-7%, tăng mạnh nhất là các loại hải sản, tăng từ 20-30%.
TPHCM: Sức mua giảm
Sáng 2-1, một ngày sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thức ăn nhẹ, trái cây… vẫn không có sự thay đổi lớn về giá. Phiên chợ ngày lễ có phần đông hơn ngày thường nhưng giá không tăng đột biến do phần lớn người dân đổ về các tỉnh lân cận, các vùng ngoại ô để du lịch, nghỉ lễ.
“Gần Tết nhưng giá cả hàng thường xuyên được kiểm tra, quản lý chặt chẽ nên không có nhiều biến động. Lượng thịt nhiều, giá không tăng, sức mua năm nay cũng không bằng năm ngoái” - chị Hoa - chủ sạp thịt heo tại chợ Bà Chiểu nói.
Nhóm PV và CTV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.