Gia cố “tấm áo” giữ rừng Tây Nguyên: Chuyện không dễ

Ngọc Tấn Thứ năm, ngày 13/10/2016 06:00 AM (GMT+7)
Chỉ đạo “đóng cửa rừng Tây Nguyên” của Thủ tướng Chính phủ khiến người dân khu vực này bớt nỗi lo về những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu do mất rừng. Tuy nhiên, thực tế thì rừng Tây Nguyên vẫn từng ngày âm thầm mất và sẽ còn tiếp tục mất nếu cơ chế chính sách cho lực lượng giữ rừng vẫn còn bất cập như hiện nay…
Bình luận 0

Rừng mất từng ngày…

Theo số liệu của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), 8 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 3.858 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh này, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm lâm luật là 264 vụ với hơn 1.300m3 gỗ các loại – tăng 36% so cùng kỳ năm trước.

img

Chặt phá rừng làm rẫy – tác nhân làm mất rừng nguy hại nhất hiện nay ở Tây Nguyên. Ảnh: N.T

Công tác bảo vệ rừng, cần nhất là chính quyền cơ sở phải thực sự vào cuộc. Nếu chính quyền còn đứng ngoài thì lực lượng giữ rừng cố gắng mấy cũng không thể chấm dứt được tình trạng chặt phá rừng làm rẫy, mua bán đất đai trái phép dẫn đến mất rừng vĩnh viễn… 

Ông Nguyễn Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai 

Tỉnh Gia Lai, riêng huyện Ia Grai, 7 tháng đầu năm đã phát hiện và bắt giữ 43 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; tịch thu 208m3 gỗ… Cũng tại huyện này, mới đây nhất, ngày 6.10, một lượng gỗ lậu lên đến  100m3 đã bị lực lượng biên phòng bắt giữ… Đáng lo ngại là tình hình lâm tặc và người thân chống đối người thi hành công vụ với tính chất manh động và liều lĩnh gia tăng mà điển hình là vụ việc gây chấn động dư luận xảy ra ngày 8.8 tại Lâm Đồng: Ông Trương Ái Tĩnh - cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, huyện Lâm Hà bị chém chết; 3 cán bộ khác bị thương, 7 xe máy bị phá hủy…

Trong vụ việc  bắt giữ  gần 100m3 gỗ lậu nói trên, khoảng 5 giờ sáng 6.10, 3 chiếc xe bán tải đã chở hơn 20 đối tượng kéo đến hiện trường để cướp lại 3 xe tải gỗ bị bắt giữ. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã phải chỉ đạo cho các đồn Biên phòng Ia Chia, Ia O, Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phối hợp ngăn chặn. Kết quả các xe chở gỗ lậu đều bị bắt giữ nhưng tất cả lâm tặc đều chạy thoát !

Những con số thống kê cho thấy dù thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng và Thông báo số 191 của Văn phòng Chính phủ với rất nhiều hội nghị bàn về giải pháp và nhiều cuộc truy quét “lâm tặc” được tổ chức, tình trạng phá rừng tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm như mong muốn. Thực chất đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính chất ra quân kiểu chiến dịch xưa nay vẫn làm và chỉ có tác dụng thời điểm. Cơ chế chính sách cho “tấm cửa rừng” còn chưa kín thì việc mất rừng vẫn cứ diễn  ra…

“Cửa rừng” chưa kín

Lực lượng giữ rừng hiện nay thoạt nhìn không thể nói là không lớp lang và hệ thống: Vòng lõi là các chủ rừng (công ty TNMTV lâm nghiệp), vòng kế là lực lượng kiểm lâm gồm kiểm lâm cơ sở, hạt kiểm lâm, kiểm lâm cơ động. Bên cạnh đó là chính quyền các cấp, lực lượng công an, bộ đội biên phòng… Lớp lang và hệ thống chặt chẽ như vậy nhưng nhiều nơi “rào giậu lắm nhưng không kín”.

Khi để xảy ra phá rừng, người gánh trách nhiệm đầu tiên bao giờ cũng là các chủ rừng. Thế nhưng đây lại chính là khâu trắng nhất về thẩm quyền. Không được bắt giữ người, công cụ hỗ trợ thô sơ, không được quyền điều tra, truy tố, các chủ rừng chỉ có biện pháp duy nhất là thông báo cho chính quyền, kiểm lâm hay công an. Về mặt pháp lý, các cơ quan chức năng này phải nhanh chóng phối hợp bắt giữ, xử lý đối tượng theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên trong thực tế, sự “phối hợp” này chẳng phải lúc nào cũng được thực hiện – hoặc “tổ chức thực hiện” được thì các đối tượng phá rừng đã cao chạy xa bay…

Ông Trần Trọng Tấn – Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông Chro (Gia Lai) cho biết: Khi xảy ra các vụ việc người dân trên địa bàn lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép, công ty đều báo cáo chính quyền và lực lượng chức năng. Thế nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý tích cực, thậm chí có vụ việc còn bị lờ đi… Ông Nguyễn Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai nhìn nhận:  Các vụ phá rừng, chủ rừng không bắt được bao nhiêu. Họ tay không và tiếng nói rất ít trọng lượng… Trách nhiệm lớn nhưng bất cập về quyền hạn, bất cập khác của các chủ rừng là chính sách tiền lương. Ông Trần Trọng Tấn cho hay: Nhân viên giữ rừng theo chế độ hợp đồng, thu nhập hiện nay chỉ vỏn vẹn 2,5 triệu đồng/ tháng. Công nhân viên công ty, lương bình quân cũng chỉ đến 4,7 triệu đồng. Là người thường xuyên phải nằm rừng nhưng ngoài 0,5% phụ cấp khu vực, họ không còn  một chế độ nào khác. Giữ rừng bằng tay không và chế độ đãi ngộ bất cập, người giữ rừng sao có thể hết mình vì rừng - nếu không nói là rất dễ “tiêu cực” do đời sống khó khăn…

Việc lơ là trách nhiệm bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã hiện nay nguyên nhân là thiểu một cơ chế trách nhiệm rõ ràng. Dù đã có quy đinh: Nơi nào để xảy ra phá rừng, cán bộ đứng đầu địa phương nơi đó phải chiụ trách nhiệm; thế nhưng thực tế với bao nhiêu vụ chặt phá rừng từng xảy ra, chẳng có cán bộ nào bị xử lý trách nhiệm mà vụ phá rừng để trồng cao su ở huyện Chư Prông (Gia Lai) là một thí dụ. Mặc dù buông lỏng quản lý để Công ty Bình Dương san ủi tới 590ha rừng nhưng lãnh đạo các xã Ia Me, Ia Puch, Ia Mơr và huyện Chư Prông cho đến nay vẫn như vô can… Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm  tỉnh Kon Tum kiến nghị: Để giữ được rừng hiệu quả, hệ thống chính quyền – đặc biệt là xã, thôn phải thực sự vào cuộc; phải có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem