Giá điện: Dư thừa năng lượng tái tạo, có nên giảm giá?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 15/04/2021 15:25 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh nguồn điện dồi dào, thậm chí một số nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) dư thừa, nhiều chuyên gia nhận định, ngành chức năng cần xem xét về việc giảm giá điện.
Bình luận 0

Trước những ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19, nhu cầu tiêu thụ điện thời gian vừa qua giảm đột ngột. Mặt khác, nguồn cung lại tăng mạnh, đặc biệt là từ điện mặt trời (ĐMT) khiến ngành điện rơi vào tình trạng thừa điện.

Theo Quyết định số 3598/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng ĐMT mái nhà là 262,410 tỷ kWh, tăng khoảng 5,8% so với năm 2020.

Dự kiến, điện thương phẩm toàn quốc (tổng sản lượng điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng và cho các đơn vị bán lẻ điện) là 226,27 tỷ kWh, tăng hơn 5% so với năm 2020.

Dư thừa năng lượng tái tạo, có nên giảm giá điện? - Ảnh 1.

Ngành điện đang đứng trước bài toán thừa nguồn cung.

Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt cũng chỉ mới bổ sung một phần nhỏ của năng lượng tái tạo. Trong khi đó, số lượng dự án đã đăng ký tại mỗi tỉnh hiện nay quá lớn, có thể gây ra tình trạng dư thừa điện.

Theo đó, đến năm 2030, Nam bộ và Nam Trung bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Công suất đăng ký tại Nam Trung bộ là 38 GW, lớn hơn gấp 7 lần phụ tải tại chỗ (5 GW).

Trái ngược với nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ điện trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 vẫn ở mức thấp và dự báo còn thấp. Số liệu từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, năm 2020 là năm đầu tiên có mức tăng trưởng tiêu thụ điện thấp nhất trong 10 năm gần đây, khi chỉ tăng 3,8% với mức tiêu thụ đạt gần 75,5 tỉ kWh/năm.

Đặc biệt, năm qua cũng là lần đầu tiên sản lượng tiêu thụ điện ở TP HCM tăng trưởng âm, với lũy kế mức tăng trưởng điện chung cho các ngành của TP HCM chỉ còn -0,98% so với chỉ tiêu đặt ra là khoảng 6%.

Trong bối cảnh cung tăng, cầu giảm nói trên, giới chuyên môn nhận định, việc giảm giá điện là hợp lý. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, khuyến khích sản xuất, bên cạnh đó, phù hợp với quy luật giảm cung, giảm giá của thị trường.

Ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhận định, với chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời với mức giá 9,35 cent khiến cho loại hình này phát triển rất mạnh thời gian qua.

Theo đó, đây chính là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam khắc phục được tình trạng thiếu điện được cảnh báo vào năm 2019.

Dư thừa năng lượng tái tạo, có nên giảm giá điện? - Ảnh 2.

Giá điện cần tuân thủ theo quy luật của thị trường.

"Hiện tại, chúng ta đang chờ quyết định cuối cùng của Bộ Công Thương và Chính phủ khi giá điện đang được trình với mức thấp hơn. Như vậy, về nguyên tắc đây là cơ sở để nghiên cứu có nên điều chỉnh giảm giá điện phù hợp với chi phí đầu vào và xu hướng phát triển hay không

Nghị quyết 55-NQ/TW định hướng tương lai tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tức là giá mua điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm, thì tại sao không điều chỉnh giảm giá bán điện cho người dân?", ông Long phân tích.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng đánh giá, ngành điện cũng phải tuân thủ nguyên lý khi cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm.

"Hiện chúng ta đang xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nếu đúng tiến độ năm 2023 hoàn thành. Khi đó, giá sẽ do thị trường cạnh tranh quyết định và người mua điện sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện có giá hợp lý", ông Thỏa cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem