Gia đình ba đời giữ nghề làm đàn guitar truyền thống ở Sài Gòn

Châu Mỹ Thứ hai, ngày 21/03/2022 10:25 AM (GMT+7)
Nhìn những chiếc guitar từng đi vào thơ và nhạc, làm nên bao tác phẩm nghệ thuật bất hủ, ít ai biết, quy trình sản xuất một chiếc đàn vô cùng phức tạp, vất vả, đòi hỏi sự tỉ mẩn cao.
Bình luận 0

Xưởng guitar Ba Đờn giữa lòng thành phố

Cũng ít người biết, phần lớn những chiếc đàn guitar được sử dụng trên khắp đất nước, đều được cung cấp bởi một cơ sở làm đàn truyền thống có tới ba thế hệ kế thừa tại TP.HCM. Đó chính là xưởng guitar Ba Đờn.

Gia đình ba đời giữ nghề làm đàn guitar truyền thống ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Xưởng làm đàn giữa lòng thành phố. Ảnh: Châu Mỹ

Phố Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) là địa điểm bán đàn guitar sầm uất nhất thành phố. Phần lớn đàn bán tại đây đều có nguồn gốc từ cơ sở Ba Đờn, xưởng sản xuất nổi tiếng ở TP.HCM từ trước năm 1975.

Ông Ba Đờn tên thật là Nguyễn Văn Trân, sinh năm 1953 tại Bến Tre. Ông lên Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Năm 13 tuổi, ông theo học nghề làm đàn của một nghệ nhân người Bắc, năm 16 tuổi thành nghề. 

Sau hơn 10 năm làm thuê cho các cơ sở sản xuất đàn, năm 1975, ông tách ra làm riêng. Ngoài các thành viên trong gia đình, xưởng đàn Ba Đờn còn tạo việc làm cho nhiều người.

Hiện nay, xưởng đàn Ba Đờn là một trong hai cơ sở cuối cùng của làng nghề làm đàn thủ công truyền thống đã tồn tại hơn nửa thế kỷ trên con phố Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM.

Gia đình ba đời giữ nghề làm đàn guitar truyền thống ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Các công đoạn làm đàn đòi hỏi tính tỉ mỉ.

Một thời, con phố này nhộn nhịp bởi tiếng khoan, đục, bào và những âm thanh dìu dặt khi nghệ nhân lên dây đàn và thử âm. Khách phương xa khi đến đây đều ngỡ ngàng trước cảnh nhà nhà, người người làm đàn. 

Nghề làm đàn ở đây nhộn nhịp từ trước những năm 1975, đến những năm cuối 1980, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình bỏ nghề quay sang làm công việc khác. Chỉ riêng gia đình ông Ba Đờn quyết tâm bám trụ với nghề, trở thành cơ sở duy nhất của làng làm đàn Đoàn Văn Bơ, quận 4 hiện nay.

Khi mật độ dân cư ngày càng tăng, diện tích nhà xưởng bị thu hẹp, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến hàng xóm, gia đình phải chuyển cơ sở sản xuất xuống huyện Bình Chánh và lấy tên mới là Trạng Kiều.

Với gần 100 thợ thủ công chủ yếu đến từ Vũng Tàu, mỗi tháng, xưởng xuất đi gần 7.000 chiếc đàn guitar.

Ngón nghề tỉ mẩn, công phu

Một cây đàn ra đời phải trải qua nhiều công đoạn vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận, đòi hỏi không chỉ tay nghề cao mà còn tính kiên nhẫn, đặc biệt là cái tâm yêu nghề của người thợ. Gỗ nhập về phải xử lý kỹ để đạt được độ ẩm nhất định rồi làm khuôn và cầu vành bên trong. Mặt đàn bào nhẵn với độ dày vừa đủ để cho âm thanh đúng như yêu cầu mới ráp vào khung.

Gia đình ba đời giữ nghề làm đàn guitar truyền thống ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Dán keo, đẽo cần và lá cần để gắn vào thân...

Sau khi dán keo phần thân đàn, nghệ nhân tranh thủ làm các chỉ viền xung quanh. Tiếp theo là đẽo cần và lá cần để gắn vào thân rồi đánh bóng, khảm xà cừ và sơn.

Khác với những xưởng làm đàn khác, mỗi người thợ phụ trách một sản phẩm, ở xưởng Ba Đờn, mỗi nhóm thợ phụ trách từng công đoạn: uốn khung, làm khung, vào mặt trước, mặt sau, dán cần, dán ngựa, dán chỉ trong, ráp trục, đóng phím, chỉnh âm..

Một chiếc đàn hoàn thiện cần rất nhiều chi tiết nhỏ và vặt vãnh như nan tre, nấc đàn, vỏ đàn. Nguyên liệu chủ yếu là gỗ, tùy loại gỗ khác nhau mà chất lượng âm thanh cũng khác. Đàn thủ công được làm từ gỗ thật, đa số nhập từ nước ngoài, trong khi các loại đàn giá rẻ làm từ gỗ ép (còn gọi là laminte). Hai loại gỗ này cho ra âm thanh khác xa nhau, tiếng của đàn gỗ thật nghe ấm và có chiều sâu hơn. 

Gỗ làm đàn thường được sử dụng là gỗ cẩm lai. Ở công đoạn này, việc uốn vỏ đàn quan trọng nhất. Vỏ đàn là hai viền hai bên của thùng đàn, là miếng gỗ mỏng, vuông, chiều rộng chừng 15cm. Vỏ này phải dùng sức nóng của than củi uốn theo hình bầu dục thóp vào ở giữa của khung đàn.

Gia đình ba đời giữ nghề làm đàn guitar truyền thống ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Gỗ làm đàn thường được sử dụng là gỗ cẩm lai.

Với một khung có sẵn, nghệ nhân phải dồn thanh gỗ, vỏ đàn sao vào khung để thành bầu đàn, tức là phần thùng đàn tạo ra sự khuếch tán âm thanh. Sau đó, dùng một loại keo đặc biệt, cố định các bộ phận lại với nhau, để khô trong vòng 30 phút rồi dùng búa và lực tay tháo hộp đàn ra khỏi khuôn đàn.

Sau khi vỏ đàn rỗng được tháo ra, nghệ nhân dùng tấm gỗ đã được chuẩn bị sẵn, dùng keo làm kín mặt trước và mặt sau thùng đàn. Miếng gỗ này trước đó đã được bào, đục và tạo hoa văn.  Sau khi cố định thùng đàn, nghệ nhân dùng dây quấn quanh để giữ các mối dán không bị bong keo. Công đoạn tiếp theo là dùng máy và thao tác thủ công để bào nhẵn và làm bằng phẳng những chỗ lồi, lõm trên thùng đàn.

Cần đàn đã được làm trước từ công đoạn chuẩn bị. Đến công đoạn này, nghệ nhân chỉ việc dùng thước, búa và đinh để gắn cần đàn vào với bầu đàn. Quan trọng nhất trong quá trình gắn là phải giữ cho cần đàn chạy trên một mặt phẳng tuyệt đối nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khâu lên dây đàn.

Sau khi gắn cần, người thợ cần làm thẳng, làm đẹp cần đàn một lần nữa bằng cách cưa, bào, đục rồi mới chuyển sang giai đoạn gắn phím đàn.

Gia đình ba đời giữ nghề làm đàn guitar truyền thống ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Thợ miệt mài làm đàn guitar.

Trên cần đàn có sẵn những khe rỗng để gắn phím. Phím là một đoạn dây bằng kim loại, thợ dán vào khe rỗng, đo sao cho vừa chiều dài sau đó cố định lại toàn bộ cây đàn bằng dây dù.

Trước khi chuyển qua công đoạn kiểm tra cuối cùng trước khi xuất sản phẩm thô, đàn phải được làm nhẵn, làm đẹp, nẹp viền một lần cuối cùng bằng các thao tác thủ công.

Đây là bước cuối cùng trước khi đàn được đưa vào sử dụng. Công đoạn này không khó do đàn đã được đo kỹ lưỡng và đạt tiêu chuẩn từ trước.

Trân trọng giá trị truyền thống

Trong khi các xưởng khác không tìm được đầu ra cũng như không có người nối nghiệp thì cơ sở Ba Đờn vẫn trụ vững và truyền nghề đến ba đời. Bí quyết để gia đình duy trì nghề truyền thống không chỉ là tình yêu mà còn ở sự cần mẫn, tỉ mỉ, nghiêm khắc của người đi trước với người đi sau. 

Anh Nguyên, con trai lớn ông Ba Đờn kể, những năm 1980, thời điểm kinh tế cả nước gặp khó khăn, gia đình anh định bỏ nghề vì đàn làm ra không có người mua. Nhưng bằng tình yêu, ông Ba Đờn quyết định bám trụ với nghề bằng cách tăng cường chất lượng âm thanh cũng như vẻ đẹp bên ngoài của cây đàn, dù lúc đó, vợ chồng ông nuôi bảy người con. 

Theo anh Nguyên, giá mỗi chiếc đàn dao động từ 500 nghìn đến vài chục triệu đồng. Bên cạnh niềm vui vì giữ được nghề truyền thống và gây dựng kinh tế cho gia đình cùng công việc cho hàng trăm lao động khác, xưởng đàn Ba Đờn còn là nơi để những người trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tìm đến để thấu hiểu và chia sẻ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem