Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Danh Thị Mỹ (45 tuổi) ngụ ở ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho biết, chị có đôi bàn chân 2 ngón kỳ lạ, 2 ngón chân này rất to và có hình dáng như càng cua.
Không chỉ có mình chị, 1 trong 2 bàn chân của đứa con gái duy nhất của chị tên là Danh Thị Thuỳ (11 tuổi) chỉ có 3 ngón. Ngoài ra, chị và con chị đều có bàn tay di dạng, không giống bàn tay của người dân địa phương.
Chị Mỹ cho biết, chị được sinh ra trong gia đình có 9 anh em, trong đó 7 người có tay chân dị dạng. 7 người anh em này lại có 6 người con có hoàn cảnh tương tự. "Nếu tính cả gia đình 3 thế hệ thì có đến 13 người có chân tay dị dạng, chỉ từ 2 đến 3 ngón" - chị Mỹ nói.
Theo chị Mỹ, những người trong gia đình có tay chân dị dạng đều đã lớn tuổi, riêng chỉ có con chị và một đứa cháu còn nhỏ tuổi (cháu Danh Phúc, 8 tuổi).
"Gia đình tôi khó khăn lắm, để có tiền sinh hoạt hằng ngày, tôi đi làm cỏ thuê cho người dân địa phương hoặc ai thuê gì làm nấy. Chân dị dạng hình càng cua rất khó mang dép, đi lại dễ bị té nên làm không bằng người khác" - chị Mỹ chia sẻ.
Về nguyên nhân tại sao có tay chân dị dạng, chị Mỹ cho biết đã đi hỏi một số bác sĩ và được biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam (di truyền từ người cha). Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền làm phẩu thuật.
Hiện nay, vợ chồng chị Mỹ đang cố gắng làm thuê để dành tiền cho cháu Thuỳ (đang học lớp 4) tiếp tục ăn học tới nơi tới chốn, đồng thời mong dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi để đưa cháu Thuỳ đi phẩu thuật lại đôi bàn chân, bàn tay.
Theo bà Huỳnh Thị Liễu (71 tuổi) - mẹ của chị Mỹ, chồng bà có tay chân dị dạng nên sinh ra những đứa con có tay chân kỳ lạ như hiện nay. Tay chân dị dạng khiến các đứa con gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, có người không thể đi giày dép, công việc tay chân đơn giản vẫn khó làm, năng suất thấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.