Gia đình đang hứng chịu nhiều “cơn bão”

Thứ năm, ngày 28/06/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Gia đình Việt Nam đang oằn mình gánh chịu nhiều biến động. Trong khi đó mỗi người mới chỉ biết tự “bơi” một cách vụng về hoặc buông xuôi”.
Bình luận 0

 GS - TS Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và Phát triển nhận định.

Những vụ việc bạo lực gia đình tàn khốc gần đây khiến dư luận hoang mang và cả lo âu. Theo bà, khủng hoảng gia đình hiện nay là gì?

- Theo tôi, bức tranh gia đình Việt Nam vẫn khá ổn, tuy nhiên ngày càng xuất hiện nhiều các vết ố rất đáng báo động. Bạo lực gia đình nổi cộm với tính chất vụ việc nghiêm trọng, khó tin như con giết cha mẹ, bố hạ sát con, vợ đốt chồng...

img
Mỗi thành viên cần biết chung tay xây dựng, bảo vệ gia đình mình (ảnh minh họa).

Không chỉ vùng sâu, vùng xa, mà giữa thủ đô văn hiến cũng vẫn có sự xuống cấp đạo đức này. Đây là sự đổ vỡ trầm trọng của tình thân khi kết nối gia đình lỏng lẻo, tôn ti trật tự về kính trên nhường dưới bị đảo lộn. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ly hôn, ngoại tình, tội phạm trẻ gia tăng. Nếu không có các nghiên cứu để tìm hiểu mấu chốt vấn đề, tìm giải pháp can thiệp cho các khủng hoảng này thì gia đình sẽ lâm nguy.

Mấu chốt vấn đề của tình trạng khủng hoảng này là gì, thưa bà?

- Không thể đổ lỗi hết cho cơ chế thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của xã hội cũng giúp cho năng lực cá nhân được khẳng định, phát triển. Đồng thời, nhiều người nhận thức sai lệch về tự do, đề cao cá nhân mà sai lệch chuẩn mực.

Gia đình đáng nhẽ là một giá trị cao nhất, là nơi nâng đỡ quan trọng thì nhiều người lại đặt dưới lợi ích cá nhân nên khi lợi ích bị xâm hại, họ từ chối tình thân, loại bỏ cả anh em, vợ chồng, bố mẹ mình. Do coi thường giá trị gia đình, nhiều người sống buông tuồng, không giữ gìn hành vi, lời nói gây ra tổn thương nghiêm trọng cho người thân như bạo lực, ngoại tình… Điều này khiến thành lũy gia đình bị đổ vỡ…

Theo nhìn nhận của bà, xu hướng gia đình Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?

- Gia đình Việt Nam đang biến động mạnh mẽ và trở nên muôn hình, muôn vẻ. Ngày xưa, đại đa số là các gia đình tam – tứ đại đồng đường thì ngày nay phần lớn là các gia đình 2 thế hệ. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình gia đình mới xuất hiện như gia đình đơn thân, gia đình ly hôn, ly thân, gia đình tái hôn, gia đình tảo hôn, cận huyết… Cha mẹ già ngày xưa dựa vào con thì ngày nay dựa vào chính mình hoặc nhà dưỡng lão…

“Nếu biết đặt văn hóa, biết đặt giá trị gia đình lên trên hết thì mỗi người sẽ tự chấn chỉnh hành vi của mình để bảo vệ gia đình”.

Có vẻ như cuộc sống của nhiều gia đình đang “hỗn độn”, vậy cần có một giải pháp nào để bao quát và ứng phó những biến đổi “lộn ngược” truyền thống như vậy?

- Chúng ta chưa thích ứng được mà vẫn đang thả nổi vấn đề gia đình cho mỗi cá nhân. Vì thế, nhiều người “đánh bạc với giời” về hạnh phúc của mình. Cha không dạy được con thì bất lực, vợ không khuyên được chồng thì buông xuôi.

Quản lý nhà nước về gia đình vẫn chỉ nắm phần ngọn, chưa có các nghiên cứu về gia đình một cách hệ thống, căn bản, thấu đáo để dự báo xu hướng phát triển, đề ra các biện pháp “đón đầu”, xây dựng các chương trình, mục tiêu có thể hỗ trợ được các gia đình, cụ thể là mỗi người, để họ có thể xây dựng và bảo vệ gia đình mình.

Cũng khó kêu gọi mọi người đề cao gia đình, xây dựng, bảo vệ gia đình nếu như chưa xây dựng được những chuẩn mực mới, phù hợp với thời đại. Vì thế, mọi người vẫn phải tự bơi với những vấn đề gia đình của chính mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem