Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm: Một gia đình trí thức yêu nước

Thứ ba, ngày 22/05/2018 07:15 AM (GMT+7)
Không chỉ tảo tần, lo toan mọi công việc trong gia đình để chồng chuyên tâm với sự nghiệp dạy học và nghiên cứu văn học, cụ bà Trần Thị Vân - phu nhân giáo sư Dương Quảng Hàm còn là người phụ nữ kiên cường, luôn ủng hộ và chở che cho con cháu đi theo con đường hoạt động cách mạng.
Bình luận 0

Noi gương người cha - một bậc trí thức uyên thâm đã dấn thân với vận nước, chấp nhận thiệt thòi, hiểm nguy, 8 người con của vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm đều là những trí thức đi theo cách mạng, nối tiếp truyền thống gia đình, đều cố gắng học tập, nghiên cứu và đóng góp xứng đáng cho xã hội.

img

Cụ bà Trần Thị Vân

Người phụ nữ kiên cường

Đối với xã hội, giáo sư Dương Quảng Hàm là một người thầy giáo, một nhà nghiên cứu văn học sử nghiêm nghị, đáng kính;  trong gia đình, ông luôn là người chồng, người cha gương mẫu. Còn cụ bà Trần Thị Vân là người phụ nữ Việt Nam tảo tần, hết lòng yêu thương chồng con. Có lẽ vì thế mà cuộc hôn nhân giữa hai người tuy theo lễ giáo phong kiến nhưng vẫn mang lại hạnh phúc.

Trong ký ức những người con của giáo sư Dương Quảng Hàm, cụ bà Trần Thị Vân vừa lo buôn bán kiếm tiền, vừa “chỉ huy” mọi việc lớn nhỏ trong gia đình nên đôi khi khá nóng tính nhưng đối với chồng, bà luôn nể trọng, nghe theo ý kiến của chồng, nhất là trong việc dạy dỗ con cái.

Đến bữa cơm, bà cho người làm lên mời ông và các con trên phòng học gác ba xuống để cả nhà cùng ăn. Buổi sáng, bà chuẩn bị sẵn một ấm trà ngon, sau khi ăn sáng xong thì ông bà cùng thưởng thức. Ông giở tờ báo mới ra thông báo cho bà các tin tức và giảng giải cho bà những vấn đề phức tạp như thế nào là phát xít, phe trục, phe đồng minh... Đó cũng là thời gian trong ngày ông dành cho bà. Sau đó, ông đi dạy học, khi về lại lên gác làm việc tới tận tối khuya. Ông bà chưa bao giờ to tiếng với nhau.

Có lần, con gái cả là Dương Thị Ngân hồi 8 tuổi cùng em gái Dương Thị Thoa 6 tuổi do mải chơi bị “mẹ mìn” dụ dỗ tháo mất đôi hoa tai, rồi bị lạc mãi mới về được nhà. Cụ bà Trần Thị Vân giận lắm cầm roi định cho mỗi đứa một trận nhưng giáo sư Dương Quảng Hàm can ngăn nên hai con chỉ bị phạt úp mặt vào tường.

“Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy thôi cũng thấy rằng cụ bà phải nể trọng cụ ông lắm nên mới dẹp được cơn nóng giận của mình’’ - người con út Dương Tự Minh nhớ lại.

Trong các bức ảnh mà gia đình lưu giữ, cụ bà Trần Thị Vân lúc nào cũng vấn khăn gọn gàng, mặc áo dài và nhuộm răng đen, đúng mẫu phụ nữ truyền thống thời phong kiến. Còn giáo sư Dương Quảng Hàm trong trang phục comple, đi giày da, rất lịch lãm và hiện đại. Tuy có vẻ ngoài khác nhau như vậy nhưng cả hai người đều chung tư tưởng tiến bộ trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Với cả 8 người con, ông bà không hề có sự phân biệt đối xử, đứa yêu đứa ghét hoặc trọng nam khinh nữ. Vì vậy, cả 4 người con gái đều được vợ chồng giáo sư cho ăn học, vui chơi như 4 người con trai.

Đặc biệt, cụ bà Trần Thị Vân còn ủng hộ các con gái cắt tóc ngắn và cho phép các con gái tuổi đôi mươi chưa chồng đi hoạt động cách mạng xa nhà. Vào thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 thì đó thực sự là những hành vi hết sức tiến bộ.

Là mẫu phụ nữ của gia đình, hết lòng vì chồng, vì con như vậy nhưng ngoài xã hội, cụ bà Trần Thị Vân là một phụ nữ khá kiên cường, không sợ trước “người Tây”. Theo bác Dương Tự Minh kể lại, có lần một “thằng Tây” vào mua áo len tại cửa hàng của gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm. “Thằng Tây” mặc áo vào người rồi thản nhiên đi ra không trả tiền.

Không hề sợ hãi, cụ bà Trần Thị Vân cùng cô cháu họ giúp việc bán hàng lao ra giữ lại. Hai bên giằng co với nhau. “Thằng Tây” đánh bà Vân, bà vẫn không buông, đánh lại và la hét. Người đi đường đứng xem đông nghịt nhưng không ai dám can thiệp vì đánh một “thằng Tây” trong thời gian nước ta còn dưới ách thống trị của chúng là một việc táo bạo. Đang giằng co thì người con cả là Dương Bá Bành đi học về thấy thế cũng lao vào đánh Tây.

“Thằng Tây” bị đánh đau phải xin thua và cởi áo trả lại. Một lúc sau, tên “cẩm Tây” đến hỏi han, dậm dọa nhưng cũng chẳng làm gì được gia đình. Một người phụ nữ sống dưới thời phong kiến nhưng lại có chính kiến rõ ràng, cứng cỏi và mạnh mẽ như cụ bà Trần Thị Vân là tấm gương cho các con sau này, nhất là 4 người con gái, đều hăng hái tham gia cách mạng và trở thành những nhân tố điển hình, tiêu biểu của phụ nữ ái quốc.

Cống hiến cho cách mạng

Theo bác Dương Tự Minh thì trong số 8 người con của giáo sư Dương Quảng Hàm, người con thứ 4 là Dương Thị Thoa tham gia hoạt động cách mạng hăng hái nhất. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Dương Thị Thoa được cử vào nội thành hoạt động công tác phụ nữ, lấy bí danh là Lê Thi.

Trong nhóm của Thoa, có một người bị Pháp bắt, đã khai ra địa chỉ của “Lê Thi” ở 98A Hàng Bông, tuy nhiên người này không hề biết tên thật của “Lê Thi”. Bọn mật thám Pháp lập tức đến nhà 98A Hàng Bông lùng sục. Cũng may, lúc đó Dương Thị Thoa không có nhà. Biết con gái đã bị lộ, cụ bà Trần Thị Vân hết sức lo lắng nhưng bề ngoài, cụ vẫn giữ được thái độ bình tĩnh, cứng cỏi. Cụ cương quyết nói “ở đây không có ai là Lê Thi”.

Bọn mật thám Pháp tức tối kiểm tra hộ tịch, thấy đúng không có người nào tên là Lê Thi thật, chúng đành hậm hực ra về. Khi Dương Thị Thoa về, cụ bà Trần Thị Vân lập tức dẫn con gái đi trốn ở nhà thờ Hàng Bột. Do đã bị lộ, không thể ở lại nội thành hoạt động được nữa nên sau đó Dương Thị Thoa đã được đưa ra vùng tự do và tiếp tục tham gia cách mạng.

Bác Dương Tự Minh nhớ lại, sau một thời gian gia đình tản cư lên chiến khu Việt Bắc đã được bố trí quay trở lại nội thành làm cơ sở. Năm 1948, cụ bà Trần Thị Vân đã đưa 2 con là Dương Thị Cương, Dương Tự Minh và người cháu đích tôn bên ngoại là Trần Khắc Cần (tức nhà báo Lê Văn Ba) trở về nội thành Hà Nội.

Chính “cơ sở” của cụ bà Trần Thị Vân đã chở che cho 2 con Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) và người con thứ 5 - Dương Hồng hoạt động bí mật. Khi Lê Thi bị lộ, Dương Hồng cũng phải rút ra ngoài dạy học tại khu học xá và theo nghiệp giáo viên đến cuối đời. Còn lại 2 người con Dương Thị Cương, Dương Tự Minh và cháu Trần Khắc Cần đều tham gia hoạt động Học sinh kháng chiến nội thành.

Năm 1950, Cương và Minh bị Pháp bắt giam. Năm 1952, bác Dương Tự Minh bị Pháp bắt lần 2 cùng với Trần Khắc Cần. Hiện trong bảo tàng nhà tù Hỏa Lò vẫn còn lưu giữ số tù VN2017 - chính là số tù của bác Dương Tự Minh, một học sinh kháng chiến Hà Nội. Một mình cụ bà Trần Thị Vân thăm nuôi các con, cháu cả năm trời.

“Thời gian cha tôi còn sống, mẹ tôi bận rộn buôn bán và chăm lo gia đình, sau khi cha tôi không còn, bà tìm thấy niềm an ủi bằng cách đi lễ chùa và còn lập ban thờ Phật tại nhà, ngày nào cũng lên tụng kinh, gõ mõ. Bà còn năng nổ hoạt động xã hội, tham gia đoàn nhân sỹ Hà Nội đem quà đến tặng cho các tù nhân ở Nhà Tiền, Hỏa Lò vào dịp tết 1950. Sau khi Thủ đô được giải phóng, bà là Ủy viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội”.

“Với tính cách cứng cỏi, tôi ít thấy bà tỏ vẻ yếu đuối. Nhưng rõ ràng là tôi không thực sự hiểu hết những tình cảm ủy mị trong tâm hồn bà. Tôi nhớ lại một hôm sau ngày Cách mạng Tháng Tám, tôi thấy bà nằm khóc. Hóa ra đó là khi bà nghe tin mặt trận Nam Trung bộ bị vỡ mà anh cả tôi đi Nam tiến đang ở đó. Và bà luôn rơm rớm nước mắt mỗi lần nhắc lại cuộc chia tay lần cuối với cha tôi tại đình Hàng Bạc theo lệnh của Tự vệ thành “đàn bà đi trước, đàn ông đi sau” khi đưa dân bị mắc kẹt trong vùng chiến sự nội thành ra vùng tự do. Ai ngờ đó là cuộc chia tay vĩnh viễn” - người con út Dương Tự Minh rưng rưng khi hồi tưởng kỷ niệm cũ.

Đó là tháng Chạp năm 1946, thực dân Pháp ngày càng hung hăng gây hấn, chiến tranh sắp nổ ra, các trường học đóng cửa. Các con lớn người là cán bộ, người tham gia tự vệ ở lại bảo vệ Thủ đô. Cụ bà Trần Thị Vân đưa 3 con nhỏ nhất là Dương Thị Duyên, Dương Thị Cương và Dương Tự Minh về quê Mễ (Hưng Yên).

img

Cụ bà Trần Thị Vân cùng các con cháu trong gia đình

Bà muốn giáo sư Dương Quảng Hàm đi cùng nhưng ông bảo mới có lệnh sơ tán học sinh, chưa có lệnh cho hiệu trưởng sơ tán. “Chính phủ chưa có lệnh, nếu mình đi nhỡ Bộ Giáo dục có chỉ thị thì biết tìm mình ở đâu?”. Vậy là ông tiếp tục ở lại trông coi nhà trường. Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc nổ ra, mọi người theo Tự vệ thành dẫn đến đình Hàng Bạc để mỗi đêm từng đoàn người bí mật luồn đi dưới gầm cầu Long Biên trên có lính Pháp gác, ra vùng tự do.

Bà Dương Thị Thoa, đội viên Trung đoàn Thủ đô có được may mắn gặp cha lần cuối trong một buổi tiếp tế cho đồng bào nội thành lúc đó. Tại đình Hàng Bạc, vì có chủ trương “đàn bà đi trước, đàn ông đi sau” nên vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm chia tay nhau.

Giáo sư Dương Quảng Hàm sau được cán bộ Mặt trận Quân sự dẫn đi bằng đường khác nhưng bị Pháp bắn chết trong một cuộc phục kích. Thi hài của giáo sư đã bị thất lạc trong bãi chiến địa đổ nát, bốc cháy. Năm 2000, lễ truy điệu liệt sĩ, giáo sư Dương Quảng Hàm đã được tổ chức trang trọng ở Hà Nội.

Là con út, được ở cùng mẹ nhiều nhất nên bác Dương Tự Minh nhớ rất rõ những kỷ niệm về mẹ. Những ngày cuối của cuộc đời, cụ bà Trần Thị Vân phải nằm liệt vì bệnh tật, có lẽ lúc đó bà nhớ tới giáo sư Dương Quảng Hàm rất nhiều. Đó là vào cuối năm 1967, khi máy bay Mỹ đang đánh phá nhưng gia đình vẫn phải đưa bà từ nơi sơ tán về Hà Nội để chữa bệnh.

“Trước khi mất, có lần bà bảo tôi: “Mợ (mẹ) nằm mơ thấy cậu (tức cha tôi) hiện về bảo: Sắp tới ngày sinh nhật của tôi rồi, bà có nhớ không? Vậy con vực mợ ra bàn thờ thắp hương”. Lúc đó chẳng phải ngày sinh nhật cũng không phải ngày mất của cha tôi, lại thêm tư duy cứng nhắc của thời đó, tôi cho là bà “mê tín” nên chỉ vâng dạ mà không làm. Một tuần sau thì bà mất. Nhớ lại chuyện cũ, tôi vô cùng ân hận vì đã không giúp bà thực hiện ý nguyện cuối cùng là thắp hương để tưởng nhớ người chồng yêu quý của mình”.

Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm có nhiều cái “thứ nhất”: Khởi đầu là giáo sư Dương Quảng Hàm, người viết tác phẩm “Việt Nam văn học sử yếu” được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Con trai cả - Dương Bá Bành (SN 1920) là lớp bác sĩ y khoa đầu tiên tốt nghiệp Y khoa Đại học trong thời kỳ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được đích thân Hồ Chủ tịch trao bằng tốt nghiệp.

Con gái thứ - Dương Thị Ngân (SN 1923) là phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, người đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Người con thứ 3 - giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, là người biên soạn bộ sách giáo khoa Vật lý đầu tiên cho cấp PTTH. Người con thứ 4 - giáo sư, tiến sĩ triết học, nguyên Viện trưởng Viện Triết học Dương Thị Thoa (tức Lê Thi, SN 1926), là người phụ nữ cứu quốc tiêu biểu được lên kéo cờ đỏ sao vàng trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945.

Người con thứ 6 - Dương Thị Duyên (SN 1929), nguyên Ủy viên Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là phóng viên nữ Việt Nam Thông tấn xã đầu tiên đi cùng phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris. Người con thứ 7 - giáo sư, bác sĩ Dương Thị Cương (SN 1932), nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, Chủ nhiệm bộ môn Phụ sản - Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, là người đầu tiên được giải thưởng Kovalevskaia năm 1999.

_______

* Ghi theo lời kể của ông Dương Tự Minh, Phó Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò, con út của giáo sư Dương Quảng Hàm.

Hương Vũ (CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem