Gia đình nào ở Hải Dương có 3 ông Trạng nổi danh sử Việt?
Gia đình nào ở Hải Dương có 3 ông Trạng nổi danh sử Việt?
Trần Hưng
Thứ năm, ngày 22/06/2023 22:30 PM (GMT+7)
Gia đình này có liên tiếp ba ông “Trạng”, nhưng chính thức đậu trạng nguyên chỉ có ông sau cùng, mà lại là rể. Hai ông đời trước tuy đỗ hoàng giáp, tiến sĩ, nhưng nhờ tài năng và công lao to lớn mà được người dân yêu mến và phong làm “Trạng”.
Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, có những dòng họ nổi tiếng bởi nhiều người đậu tiến sĩ, trong đó phải kể đến dòng họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương với nhiều người trong họ cùng đỗ đạt và làm quan trong Triều. Cuốn "Đăng khoa lục sưu giảng" mô tả rằng:
Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều. Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: Các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?
Gia đình ba ông Trạng trong câu chuyện này cũng có hai người thuộc dòng họ Vũ.
Trạng Toán Vũ Hữu
Vào thời vua Lê Nhân Tông có gia đình ông Vũ Bá Khiêm thuộc họ Vũ làng Mộ Trạch sinh hạ được một cậu bé kháu khỉnh đặt tên là Vũ Hữu. Ngay từ thuở nhỏ Vũ Hữu đã nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm về tính toán, trong làng ai có tranh chấp phân chia ruộng đất đều nhờ cậu bé tính toán giúp. Tiếng đồn lan khắp cả vùng Đường An, Trấn Hải Dương.
Năm 1460, vua Lê Thánh Tông lên ngôi, nhà Vua khuyến học và chiêu hiền đãi sĩ. Khoa thi năm 1462, sĩ tử các nơi nô nức đăng ký dự thi. Lúc đó cả nước nổi lên hai thiên tài nức tiếng nhất là Quách Đình Bảo và Lương Thế Vinh. Vũ Hữu cũng được biết đến là thần đồng vào lúc đó, nhưng chỉ ở tài năng tính toán.
Đến kỳ thì Đình năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên, Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa, còn Vũ Hữu đỗ Hoàng Giáp và được giao giữ chức Lang trung ở Khâm hình viện.
Sách "Công dư tiệp ký" ghi lại câu chuyện Vũ Hữu sửa chữa thành Thăng Long. Năm ấy 3 cửa thành là Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa được xây từ thời nhà Lý lâu ngày nên bị đổ. Vua Lê Thánh Tông sai sửa lại, nhưng các quan bộ Công lúng túng không tính ra được khối lượng vật liệu và dự toán kinh phí.
Nghe tin Khâm hình viên lang trung Vũ Hữu có biệt tài đo đạc, tính toán, là thiên tài từ nhỏ, Vua liền triệu ông đến giao nhiệm vụ. Vũ Hữu quan sát các cửa thành, tính toán rồi tâu với Vua rằng: "Thần đã xem kỹ cửa Đông Hoa, thấy hỏng nhiều hơn cả. Cửa đó lại lớn nhất, xây dựng khó hơn, xin bệ hạ cho sửa cửa này trước".
Vua đồng ý và nhấn mạnh rằng không được kéo dài như những đại thần trước. Tối hôm đó Vũ Hữu thắp đèn suốt đêm đo đạc.
Sáng hôm sau ông vào Triều tâu với Vua cùng bá quan số vật liệu cần thiết để sửa lại các cửa thành. Các quan trước đó tính không ra số vật liệu cần xây dựng bẽ mặt liền tâu với Vua rằng: "Xin bệ hạ chớ vội tin lời của quan Lang trung kẻo hỏng việc hệ trọng".
Một số quan khác tâu rằng cứ để quan Lang Trung làm, nhưng nếu số vật liệu xây dựng bị sai lệch dù một viên gạch cũng phải chịu tội. Vua Lê Thánh Tông nhìn Vũ Hữu hỏi: "Nhà ngươi thấy ý kiến đình thần đề xuất thế nào?"
Đúng ngày khởi công, các quan kéo đến cổng thành Đông Hoa, lo sợ Vũ Hữu giành mất công trạng, các quan liền tìm cách giấu đi một viên gạch, để nhân đó vin vào bộ luật Hồng Đức khép Vũ Hữu vào tội lừa dối Vua. Nhưng Vũ Hữu biết chuyện tâu lại với Vua, cuối cùng vụ việc được sáng tỏ.
Cổng thành được xây xong vừa khớp số vật liệu tính toán khiến nhà Vua rất hài lòng, tuy nhiên các viên quan đại thần hôm trước tức tối la lên: "Quan Lang trung, ngài tính toán rất tài, thế mà vẫn còn thừa một viên".
"Xin các ngài hãy thư thả, viên gạch đó tôi đã tính toán trước, dùng để thay thế viên gạch bị vỡ ở tường thành phía Tây cửa Đông Hoa", Vũ Hữu nói.
Rồi Vũ Hữu cùng Vua và các quan đại thần sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít.
Nhà Vua rất đẹp lòng, khen Vũ Hữu đúng là bậc thần toán, rồi sai tặng ông 100 mẫu ruộng tốt.
Lương thế Vinh được gọi là "Trạng Lường" bởi giỏi đo lường, người dân gọi Vũ Hữu là "Trạng Toán" bởi ông rất giỏi tính toán, viết sách và giúp đỡ được rất nhiều cho dân chúng. Nếu như Trạng Lường Lương Thế Vinh để lại đời sau cuốn "Đại thành toán pháp", thì Trạng Toán Vũ Hữu để lại đời sau cuốn "Lập thành toán pháp". Cả hai cuốn sách này trở thành sách giáo khoa về toán học trong suốt nhiều thế kỷ.
Vũ Hữu làm quan lập kỷ lục khi làm Thượng thư đến 6 bộ khác nhau, ông làm quan trải qua 7 đời vua, đến năm 70 tuổi mới nghỉ hưu.
Trạng Chằm
Năm 1453, Trạng toán Vũ Hữu sinh hạ được cậu con trai, đặt tên là Vũ Quỳnh. Nối tiếp truyền thống họ Vũ làng Mộ Trạch, Vũ Quỳnh học giỏi từ thuở nhỏ.
Năm 1478, Vũ Quỳnh thi đỗ tiến sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong cuộc đời của mình ông làm quan giữ chức Thượng thư (đứng đầu một bộ) nhiều bộ như Công, Binh, Lễ lại kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám và Tổng tài Sử quán.
Thời vua Lê Thánh Tông rất chú trọng đến giáo dục, tìm ra người hiền tài. Vì thế, được trao trọng trách Tư nghiệp Quốc tử giám không phải dễ. Vũ Quỳnh đóng góp lớn cho lĩnh vực giáo dục, tìm người hiền tài cho Giang Sơn Xã Tắc.
Vũ Quỳnh là một trong bốn nhà viết sử lớn nhất cùng với Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên. Công trình sử học lớn nhất mà ông cống hiến trong vai trò Tổng tài Sử quán là bộ "Đại Việt thông giám thông khảo" được biên soạn năm 1511 dưới thời vua Lê Tương Dực. Nội dung chép từ thời Hồng Bàng đến năm đầu Lê Thái Tổ, gồm 26 quyển.
Dựa trên bộ "Đại Việt thông giám thông khảo" này, năm 1514 vua Lê Tương Dực sai Lê Tung soạn bộ sử "Đại Việt thông giám tổng luận".
Vũ Quỳnh cũng tham gia biên soạn bộ sử lớn và nổi tiếng nhất là "Đại Việt Sử ký Toàn thư", đóng góp rất nhiều cho nền sử học nước nhà.
Dù làm quan lớn trong Triều, Vũ Quỳnh sống rất giản dị, ông thích nhàn du, tiêu khiển với thiên nhiên cảnh vật; có cơ hội là làm làm thơ, viết văn. Ông tập hợp các bài của mình thành "Tố cầm tập văn", tiếc rằng cuốn sách này đến nay đã thất lạc.
Cảm phục trước tài năng và đức độ của Vũ Quỳnh, người dân quê ông ở làng Mộ Trạch đã gọi ông là "Trạng Chằm", "Chằm" là tên gọi tiếng Nôm của làng Mộ Trạch.
Trạng Ăn
Trong thời gian làm Tư nghiệp Quốc tử giám, Vũ Quỳnh phát hiện có một học trò cùng làng với mình tên là Lê Nại, dù thông minh nhưng lại rất nghèo, nên khó có thể theo đuổi việc học. Lê Nại là người làng Mộ Trạch, thuở nhỏ đã nức tiếng khắp vùng Hải Dương và được xem là thần đồng bởi học đâu nhớ đấy.
Thấy tài học của Lê Nại, quan Tư nghiệp Vũ Quỳnh tìm cách giúp đỡ cho học trò nghèo. Sau đó nhận thấy Lê Nại không chỉ thông minh mà tính tình hiền lành chất phác, Vũ Quỳnh liền gả luôn cô con gái yêu, với mong muốn sau này con rể ông sẽ thành người hữu dụng.
Lê Nại sau khi lấy vợ thì ở rể, nhưng quan Thượng thư Vũ Quỳnh thấy con rể mình tối ngày không để ý đến việc đèn sách thì lấy làm lạ lắm, bèn đến gặp ông thông gia để hỏi. Thân phụ Lê Nại hỏi rằng: "Thưa ngài vậy từ khi cháu sang ở bên quý phủ thì sự ẩm thực thể nào?"
Vũ Quỳnh đáp rằng: "Theo lối thanh đạm của nhà nho thì mỗi bữa ăn cũng chẳng mấy! Nên hàng ngày nấu theo lệ thường."
Ông thông gia giải thích rằng: "Sức ăn của cháu khác với người thường, cho ăn ít ỏi như vậy hoặc giả cháu không vừa lòng đó chăng? "
Thượng thư Vũ Quỳnh về nhà bảo người nhà tăng bữa ăn gấp đôi thì thấy Lê Nại cầm sách đọc vài lượt, tăng bữa ăn gấp ba thì thấy Lê Nại học đến trống tư.
Vũ Quỳnh thấy con rể mình ăn khỏe quá, liền quyết định nấu nồi năm cho cho con rể thì thấy Lê Nại học suốt đêm.
Với sức học như vậy, 3 năm sau Lê Nại thi Hội đỗ đầu tức Hội nguyên, đến thi Đình cũng đỗ đầu tức Trạng nguyên. Đặc biệt trong các kỳ thi, Lê Nại phải qua năm trường và đều đỗ thủ khoa.
Từ đó trong dân gian vùng Hải Dương có lưu truyền mấy câu thơ:
Mộ Trạch tiên sinh
Ăn khoẻ nổi danh!
Mười tám bát cơm
Mười hai bát canh!
Khôi nguyên chiếm bảng
Trên cả quần anh!
Bởi nhiều súc tích
Nên phát tung hoành.
Trong dân gian thường gọi ông "Trạng Ăn" vì tài ăn khỏe của mình.
Đến đây là hết câu chuyện thú vị về gia đình có ba ông Trạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.