Vì sao vua Gia Long lại cho lập đền thờ Lê Chiêu Thống và 33 bề tôi?

N.V Thứ hai, ngày 19/06/2023 20:30 PM (GMT+7)
Vua Gia Long đã cho an táng hài cốt của Lê Chiêu Thống và gia quyến như “những người yêu nước”. Chưa hết, vua Gia Long còn phong cho 33 bề tôi đã cùng Lê Chiêu Thống trốn sang nhà Thanh là “Cố Lê tiết nghĩa thần” và cho lập đền thờ có tên gọi “Cố Lê tiết nghĩa từ”.
Bình luận 0

Theo sách "Hoàng Lê nhất thống chí", vào tháng 5/1789, Phúc Khang An khi ấy đang làm Tổng đốc Lưỡng Quảng đã cho trát đòi bọn Lê Quýnh sang "bàn việc nước". Phúc Khang An cho lính giải Lê Quýnh loanh quanh mãi đến tháng 9 mới cho gặp, nhưng rồi "việc nước" chỉ là ép Quýnh gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc như người Thanh mà thôi. Lúc đó, Lê Quýnh cùng hiệp trấn Nguyễn Mậu Nễ, tri phủ Nguyễn Đồng, Trịnh Hiến, chỉ huy Lê Doãn Trị, hàn lâm viện cung phụng Lý Bỉnh Đạo... tất cả cùng thà chết chứ không chịu gọt đầu gióc tóc.

Cuối cùng, Phúc Khang An cũng nói trắng với bọn Lê Quýnh là thiên triều đã phong vương cho Quang Trung rồi, nay chẳng những nhà Thanh không kéo quân sang giúp nhà Lê mà bọn Quýnh cũng không thể nào về nước được nữa. Tốt nhất là ở lại Trung Quốc, An sẽ xin vua nhà Thanh bổ dụng.

Vì sao vua Gia Long lại cho lập đền thờ Lê Chiêu Thống và 33 bề tôi? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ Lê Chiêu Thống.

Nghe Phúc Khang An nói vậy, Lê Quýnh liền chối từ: Lưu lại nội địa, không phải sở nguyện của chúng tôi. Vì lưu lại đây thì bỏ việc nước không hỏi đến, ấy là bất trung. Bỏ cha mẹ không đoái hoài đến, ấy là bất hiếu. Phụ những kẻ đồng tâm chết với nước, ấy là bất nghĩa. Lỡ lòng mong cứu khỏi đầm, chữa khỏi cháy, ấy là bất nhân. Vì nước mà đổi thành bán nước, ấy là bất trị. Liều mình mà trái lại giấu mình, ấy là bất dũng, mang đủ sáu điều đó, sao xứng làm người? Trung Hoa tuy rộng, cũng không đất dung những đồ chó lợn ấy.

Vì vậy, Lê Quýnh bị đày đi Quảng Đông. Tháng 3/1790, nhân xa giá vua Thanh đi Đông tuần, Lê Quýnh được gặp Càn Long. Càn Long nói: Chúng bay không vì sự thịnh suy mà tiến thoái, khá khen lòng thành giữ trung nghĩa. Trẫm không nỡ khép tội.

Nói vậy, nhưng Càn Long vẫn ép: Chủ các ngươi đã xin yên ổn ở lại Trung Quốc, lũ các ngươi dốc lòng cùng theo, thì nên lập tức gọt đầu gióc tóc, đổi đồ mặc để chờ mệnh lệnh.

Sau đó, nhà Thanh đưa Lê Quýnh lên Yên Kinh. Tại đây chúng vẫn tiếp tục ép Lê Quýnh gọt đầu gióc tóc. Lê Quýnh vẫn tiếp tục chống lại. Lê Quýnh thuyết phục bọn quan lại nhà Thanh rằng chữ trung mình đã không giữ được thì xin cho về phụng dưỡng mẹ già để vẹn chữ hiếu. Nghe vậy, bọn chúng bảo: Chúa các anh ở đây, mà các anh không theo, thế thì trung được sao. Về sau, nhà Thanh đã bố trí cho vua tôi gặp nhau. Tại cuộc gặp, các quan nhà Thanh cố lấy lời khéo dỗ vua Lê Chiêu Thống bảo Lê Quýnh cắt tóc. Nhưng Lê Quýnh đã khóc, lạy mà nói rằng: Thần sống làm tôi nhà Lê, chết làm ma nhà Lê. Ngoài ra thì không phải sở nguyện.

Các quan nhà Thanh nghe vậy liền mắng: Mệnh chúa anh, anh cũng không theo. Ấy há là đạo của kẻ làm tôi sao?

Quýnh liền trả lời: Bổn phận kẻ làm tôi thờ vua vốn phải theo mệnh, nhưng cũng phải theo lẽ buộc đừng theo. Nếu có thể nhờ vậy mà không phục mệnh vua, thì ấy cũng là theo mệnh vua đó. Nay, cái mệnh bảo cắt tóc, ở miệng thì là mệnh, nhưng trong tâm thì không phải là mệnh. Bọn Quýnh nguyện theo cái mệnh trong tâm của chúa mình, kẻo chúa cũng bất đắc dĩ mới phải làm cái sự các ngài yêu cầu đó mà thôi.

Không thuyết phục được Lê Quýnh, nhà Thanh tiếp tục giam lỏng ông. Cuối năm đó, nhà Thanh lại dụ Lê Quýnh: Nếu chịu cạo đầu thì vua tôi cha con sẽ đoàn tụ vui vẻ cùng nhau. Sao mà cứ một mực ngây ngốc, không chịu theo gần nhân tình đến thế.

Còn viên quan đề thẩm Hồ Quý Đường thì bảo rằng: Các anh nếu không cạo tóc thì sẽ chết già trong ngục, chôn thây theo sở nhà tù, hối hận sao kịp.

Sau đó, Lê Quýnh và ba người nữa tiếp tục bị giam. Đầu năm 1799, Lê Quýnh lại làm tờ tâu: Chúa cũ là tôi con thiên triều. Quýnh là dân của chúa cũ, thì không những nghĩa và lý đáng phải tránh làm dân Nguyễn Huệ, mà tấc lòng tôi cũng không thẹn. Cúi xin trời che, đất chở, khí xuân nuôi, lòng bể chứa, bằng lòng cho bọn Quýnh về làm tên dân ở biên giới Lưỡng Quảng, được qua lại (đường ranh) buôn bán gần chỗ an trí. May chi được thăm viếng mẹ già và nuôi nấng, thì không còn điều gì oán tiếc. Nếu sức có thể đem gia quyến tới ở nội địa, thì cũng xin được tùy tiện mà làm.

Đọc xong tờ tâu, viên quan tả thị lang họ Hùng bảo: Phải xin cắt tóc và xin cho ở cạnh doanh An Nam. Nếu không như thế, thì sẽ bị đưa ra an trí ở Nhiệt Hà. Các anh xin điều nào.

Lê Quýnh lại trả lời như trước rằng: Xin thả ra để đem thân xác về. Được thế thì nguyện cắt tóc để tạ ơn trời. Nếu không được thế, thì xin giữ tóc để hợp lẽ trời.

Lời bàn:

Theo sách "Hoàng Lê nhất thống chí", vào năm 1804, vua Gia Long đã cho an táng hài cốt của Lê Chiêu Thống và gia quyến như "những người yêu nước". Chưa hết, vua Gia Long còn phong cho 33 bề tôi đã cùng Lê Chiêu Thống trốn sang nhà Thanh là "Cố Lê tiết nghĩa thần" (các bầy tôi tiết nghĩa đời Lê) và cho lập đền thờ có tên gọi "Cố Lê tiết nghĩa từ" (đền thờ các bậc tiết nghĩa đời Lê). Đây quả là một sự vinh danh ngược, vì thế cho nên đền thờ này là trường hợp ngược đời hiếm hoi trong lịch sử.

Bởi thế không chỉ với người đương thời mà cả với hậu thế ngày nay, các vị "cố Lê" kia chẳng phải "thần", cũng chẳng "tiết nghĩa" gì mà chỉ là những kẻ bán nước mà thôi. Và một khi đền không thiêng trong lòng dân chúng thì sự tồn tại của nó phỏng có ý nghĩa gì? Thế mới biết việc làm của vua Gia Long ngày xưa quả là không hề sai với câu nói của dân gian rằng: Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Rất mong hậu thế đừng ai học theo Gia Long.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem