Bổ nhiệm vợ, con
Việc nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình bổ nhiệm con trai, em trai vào những vị trí chủ chốt, đã gây bất ngờ với nhiều người trong Tập đoàn lúc đó.
Con trai ông Bình là Phạm Bình Minh (SN 1980), tốt nghiệp Đại học New South Wales chuyên ngành kỹ sư vỏ tàu thủy. Tháng 2.2003, về nước “chân ướt, chân ráo”, Minh được giao ngay cương vị Trợ lý trưởng bộ phận Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin.
|
Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình. |
Tháng 12.2004, Minh được điều về Viện Khoa học công nghệ tàu thủy và ngay sau đó được bổ nhiệm Trưởng phòng Dự án công nghệ. Tháng 12.2007, Minh được bổ nhiệm Phó Viện trưởng viện này.
Khoảng 1 tháng sau đó, Minh tiếp tục được bổ nhiệm kiêm thêm nhiều chức vụ, trong đó có chức Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Em ruột ông Bình là Phạm Thanh Phong, tốt nghiệp tại chức Đại học Xây dựng năm 2000 và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ và dịch vụ tài chính thuộc Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy.
Tháng 3.2006, ông Phong được cử giữ chức Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Vinashin. Hơn 5 tháng sau, vị cử nhân tại chức này tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Vinashin. Rồi sau đó, ông Phong được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Vinashin.
Bà Phạm Thu Hằng - em vợ ông Bình cũng là người thăng tiến nhanh. Sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng Văn phòng đại diện của Vinashin tại Nga, từ năm 2004 đến nay, bà Hằng làm phó rồi Trưởng ban Kinh doanh đối ngoại của Tập đoàn.
Dùng người nhà làm “sân sau”
Dự án Khu Công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu, có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban quản lý dự án, kiêm Tổng giám đốc Công ty Lai Vu, ông Nguyễn Hữu Ngọc - Trưởng ban Kế hoạch Đầu tư Tập đoàn đã đưa một loạt con trai, con gái, con rể, họ hàng vào nắm giữ các chức vụ quan trọng. Ông Ngọc đã bổ nhiệm con rể Lê Thanh Định làm Phó Tổng giám đốc, một người con rể khác làm Trưởng phòng Tài chính- kế toán.
Theo Kết luận thanh tra của TTCP, Tập đoàn Vinashin đã làm thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn của Nhà nước, nguy cơ lỗ thêm khoảng 8.500 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới hơn 86.000 tỷ đồng. TTCP đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 7 vụ việc để tiếp tục điều tra làm rõ. Những sai phạm ở Vinashin, ngoài trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn, TTCP cũng xác định có trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Năm 2007, quá trình triển khai các hạng mục trong Khu Công nghiệp, Công ty Lai Vu được phép góp vốn (trên 51%), thành lập công ty cổ phần, nhưng đều không có vốn thực.
Sau đó, Công ty Lai Vu ban hành các quyết định góp vốn và cử người đại diện phần vốn góp là con cháu trong gia đình ông Ngọc như Nguyễn Hải Sơn (con trai), Nguyễn Thị Lê Minh (con gái), Đoàn Thế Quyền (anh em con chú bác ruột)…
Từ việc phân công bổ nhiệm trái nguyên tắc này, đã dẫn đến nhiều sai phạm trong thực hiện đầu tư dự án, có dấu hiệu chia thầu cho các doanh nghiệp của người nhà ông Ngọc…
Tháng 2.2009, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Dương giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Cái Lân. Sau đó, ông Dương được cử làm Chủ tịch HĐQT, đại diện phần vốn góp của Công ty mẹ tại Công ty CP Đầu tư Cửu Long.
Ngay sau đó, ông Dương đã cùng vợ (bà Đàm Hải An) cùng 2 người khác đăng ký cổ đông sáng lập ra công ty này. Điều này vi phạm Điều 47 Nghị định số 09/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Khiết Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.