Ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc sở NNPTNT Đồng Nai cho rằng, ngành chăn nuôi cần phải kiểm soát chặt chẽ lại khâu quản lý vĩ mô vì một trong những nguyên nhân khiến giá gà giảm sâu là do đùi gà nhập khẩu vào Việt Nam rẻ tới mức khó tin.
Nuôi gà nào cũng “chết”
Ông Trần Quốc Trường đang chăm sóc đàn gà lấy trứng. Ảnh: Trần Đáng
Thực tế, giá gà giảm sâu chủ yếu xảy ra tại các trại nuôi bình thường, còn các chuỗi sản xuất như Bình Minh, CP... thì không bị ảnh hưởng lớn vì họ đã làm chủ được quy trình từ con giống đến miếng thịt. Trong khi đó, chăn nuôi gia công như trang trại, hiệp hội hiện vẫn tách rời 3 khâu: Chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ”.
Ông Phan Minh Báu
|
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Minh Thành - chủ một trang trại chăn nuôi gà ta ở xã Bình Sơn (Long Thành, Đồng Nai) cho biết, sau chuỗi ngày giảm liên tục, giá bán gà đang cầm chừng nhưng đầu ra chưa có dấu hiệu tích cực. “Tình hình dịch bệnh tại địa phương đang được kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên, giá gà ta vẫn giảm và tiêu thụ rất chậm. Có người đã hạ giá xuống mức 18.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn thu mua nhỏ giọt” - anh Thành nói.
Tại xã Gia Kiệm (Thống Nhất), anh Nguyễn Văn Sơn-chủ một trại gà nuôi 90.000 con gà tam hoàng cho biết, trong khoảng 5 ngày qua, giá bán gà tam hoàng chỉ còn khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi kg gà bán ra người nuôi lỗ hơn 10.000 đồng. Với người nuôi gà lông trắng, tình cảnh còn bi đát hơn khi giá giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg, nghĩa là người nuôi đang lỗ hơn 10.000 đồng/kg bán ra.
Với người nuôi gà lấy trứng, tình hình cũng không khá hơn. Ông Trần Quốc Trường (Thống Nhất) cho biết, giá trứng gà tại chuồng hiện chỉ còn từ 950 – 1.000 đồng/trứng, trong khi giá thành sản xuất là 1.350 đồng/trứng. Mỗi ngày gia đình ông xuất chuồng khoảng 13.000 trứng gà, nhưng thu không đủ bù chi. “Mặc dù Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhưng thông tin về dịch cúm gia cầm đang lan rộng tại Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng lo ngại. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gà giảm mạnh” - ông Trường cho hay.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng, giá gà nhập khẩu xuống thấp đang làm lũng đoạn ngành chăn nuôi gà trong nước. “Nhiều trang trại nuôi gà thịt lẫn gà đẻ trứng đang lao đao vì giá bán quá thấp, lỗ nặng thì thịt gà ngoại nhập tiếp tục tràn vào Việt Nam với giá cực rẻ. Giá đùi gà Mỹ nhập về tại cảng Việt Nam chỉ còn 0,3 – 0,4 USD/kg, tương đương 7.000 - 9.000 đồng/kg”.
Thịt gà nhập khẩu có vấn đề?
Ông Quyết cho rằng, đây là mức giá vô lý vì vì thực tế thị trường Mỹ vẫn tiêu thụ đùi gà với giá bán ra rất cao, từ 4 - 5 USD/kg. Vậy mà sau khi vận chuyển qua nửa vòng trái đất, đùi gà về đến Việt Nam chỉ chưa tới 10.000 đồng/kg. Sau khi đặt câu hỏi nghi vấn về chất lượng thịt gà nhập khẩu, ông Quyết bày tỏ lo ngại rằng có thể các đại gia chăn nuôi nước ngoài đang tìm cách lũng đoạn thị trường gà trong nước. Bởi khi một lượng thịt lớn với giá siêu rẻ nhập vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường trong nước cũng đang dư thừa, sẽ dẫn tới tình trạng người chăn nuôi thua lỗ kéo dài, phải bỏ cuộc, cuối cùng họ “một mình một chợ”.
“Trong khi người chăn nuôi đang tính đến giải pháp cạnh tranh bằng năng suất cao, giá thành thấp để tồn tại thì giá gà nhập khẩu giảm mạnh, khiến gà trong nước đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn” – ông Quyết nhận định.
Trao đổi với NTNN, TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, tổng lượng thức ăn cho chăn nuôi tại nước ta đã tăng từ 17 triệu tấn (năm 2015) lên 21 triệu tấn năm 2016, tương đương 2 triệu tấn thịt hơi cả gà và lợn. “Nguồn thực phẩm trong nước đang dư thừa rất nhiều, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang tấn công ồ ạt thị trường nước ta. Hội nhập là cần thiết, nhưng Chính phủ, cơ quan chức năng cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là với hàng nông sản. Cũng có khả năng giá đùi gà Mỹ quá rẻ vì doanh nghiệp lách thuế, vì chúng ta chỉ mới kiểm soát gà nguyên con, còn hàng thành phẩm chưa được kiểm soát tốt” - ông Đạt nói.
Ở góc độ quản lý địa phương, ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai nhận định khâu quản lý vĩ mô hiện đang có vấn đề, việc thông tin về thị trường, giá cả cũng còn hạn chế, bởi rõ ràng giá gà nhập không thể dưới giá thành. “Chính phủ cần sớm có động thái hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, để từng bước hiện đại hóa chăn nuôi theo hướng bền vững” - ông Báu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.