Giá gia cầm hôm nay 27/5: Giá gà, vịt có biến động, gà bị bệnh cầu trùng chữa trị như thế nào?
Giá gia cầm hôm nay 27/5: Giá gà, vịt có biến động, gà bị bệnh cầu trùng chữa trị như thế nào?
HĐ
Thứ bảy, ngày 27/05/2023 15:28 PM (GMT+7)
Cập nhật giá gia cầm hôm nay 27/5 tại các vùng, chúng tôi thấy giá gà công nghiệp có xu hướng giảm, giá vịt thịt có nơi tăng nhẹ. Theo các bác sỹ thú y, cầu trùng là căn bệnh mà hầu như đàn gà nào cũng khó tránh khỏi, khi gà mắc bệnh này, bà con cần phải sử dụng đúng thuốc mới chữa trị hiệu quả.
So với giá thị trường ngày 26/5, giá vịt hôm nay bán tại các vùng miền Bắc có nơi tăng nhẹ khoảng trên dưới 500 đồng/kg. Theo đó, giá vịt bơ, bầu lai bán tại các vùng dao động từ 32.000 đồng đến 36.000 đồng/kg, có trại bán vịt bầu cao nhất đạt khoảng 36.500 đồng/kg.
Tại các vùng phía Nam, giá vịt siêu thịt phổ biến ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg, có trại bán vịt size nhỏ trên 3kg/con đạt 27.000 đồng đến 28.000 đồng/kg.
Giá vịt móc (làm sạch lông, lòng) bán tại các vùng Đồng Nai dao động trên dưới 53.000 đồng/kg; giá vịt móc bán ra tại các lò miền Bắc có nơi đạt gần 60.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá các loại vịt khác ít biến động, giá vịt xiêm có trại bán trên 63.000 đồng/kg; giá vịt đẻ thải loại bán tại các vùng cho thương lái cao nhất đạt 75.000 đồng/con; giá vịt trời vẫn duy trì ở mức từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/con, có nơi ở Ninh Bình bán vịt trời già được trên 100.000 đồng/con.
Giá vịt đặc sản tùy vùng bán từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg vịt Sín Chéng, vịt Cổ Lũng có nơi bán trên 80.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp giảm nhẹ
Khảo sát giá gia cầm hôm nay, chúng tôi thấy giá gà công nghiệp lông trắng giảm nhẹ; giá gà trắng bán tại các trại miền Bắc cao nhất mới đạt khoảng 28.000 đồng/kg, tại các trại phía Nam, giá gà lông trắng vẫn ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg.
Giá gà ta Lạc Thủy loại trên 4,5 tháng tuổi có trại ở Hòa Bình bán trên 70.000 đồng/kg; giá gà mía Sơn Tây tại các trại Hà Nội, Bắc Giang bán từ 67.000 đồng đến 77.000 đồng/kg, tùy loại.
Giá gà lông màu bán tại các vùng Đông Nam Bộ cao nhất đạt gần 40.000 đồng/kg; giá gà ta thả vườn bán tại các vùng Bình Phước từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Cách phòng, điều trị bệnh cầu trùng trên gà
Theo bác sỹ thú y Trần Thủy (Hà Nội), cầu trùng là căn bệnh mà hầu như đàn gà nào cũng khó tránh khỏi, đặc biệt là gà nuôi trên nền. Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra, bà con cần phải sử dụng đúng thuốc mới đặc trị được bệnh này hiệu quả.
Bà Thủy cho biết, nguyên nhân gây bệnh cầu trùng là do các loại cầu trùng như Eimeria tenella ký sinh ở manh tràng và Eimeria necatrix ký sinh ở ruột non của gà. Cả hai đều gây ra tiêu chảy có máu ở gà.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa. Khi gà bị bệnh cầu trùng hoặc gà đã khỏi bệnh nhưng còn mang trùng bài thải trứng cầu trùng theo phân ra nền chuồng, là nguồn gốc lây lan bệnh trong trại. Trứng cầu trùng trên nền chuồng sẽ nhiễm vào thức ăn, nước uống, khi gà nhặt thức ăn có trứng cầu trùng, chúng sẽ đi vào ruột gà và gây bệnh.
Khi loại cầu trùng Eimeria tenella và Eimeria necatrix xâm nhập vào các lớp tế bào ruột, phá vỡ mạch máu gây tình trạng xuất huyết nặng, làm gà đi phân sáp hoặc phân có máu.
Về triệu chứng, bệnh cầu trùng gà có hai dạng: Cầu trùng manh tràng và cầu trùng ruột non, đôi khi kết hợp cả hai thể cùng một lúc. Bệnh cầu trùng ở manh tràng: Bệnh thường xảy ra lúc gà từ 3 đến 7 tuần tuổi (khá phổ biến). Gà có biểu hiện kêu nhiều, ăn ít, uống nước nhiều, gà xệ cánh, xù lông, đi phân sệt có màu đỏ nâu, phân gà sáp hoặc có máu tươi.
Bệnh cầu trùng ở ruột non (tá tràng): Phổ biến ở gà giò, gà bị viêm ruột, tiêu chảy thất thường, phân có lẫn máu màu nâu sậm (phân gà sáp), có khi thấy máu tươi.
Để điều trị bệnh cầu trùng trên gà hiệu quả, bà Thủy cho rằng: Người nuôi gà cần dùng một trong các loại thuốc như thuốc phòng bệnh cầu trùng ở trên để điều trị khi có bệnh xảy ra. Các trại nên sử dụng luân phiên các loại thuốc trên sau mỗi 2 tháng để tránh bị lờn thuốc kết hợp thêm chất điện giải và vitamin như BIO-B.COMPLEX+A,D,E,C, BIO VITA-ELECTROLYTES để tăng sức đề kháng, giúp gà mau lành bệnh.
Bên cạnh đó, bà con cần tách riêng gà bệnh để chăm sóc và tiến hành sát trùng chuồng trại 2 – 3 ngày 1 lần trong suốt thời gian có bệnh.
Cũng theo bà Thủy, để phòng bệnh cầu trùng, bà con chăn nuôi cần phòng bệnh bằng thuốc như dùng thuốc trộn vào thức ăn hoặc nước uống để khống chế bệnh cầu trùng bộc phát như đã trình bày ở trên. Sau mỗi đợt nuôi, các trại phải làm vệ sinh và sát trùng chuồng trại với một trong các thuốc như BIO-GUARD, BIODINE, BIOXIDE hoặc BIOSEPT, sau đó thay lớp độn chuồng mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.