Giá gia cầm tăng cao, nông dân vào đàn khiến giá gà giống tăng đột biến
Giá gia cầm tăng liên tục, nuôi 1.000 con gà, nông dân Ninh Bình lãi 30 triệu đồng
Chủ nhật, ngày 07/08/2022 11:07 AM (GMT+7)
Sau gần 3 năm sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, giá gia cầm liên tục tăng, thấp nhất là trên 70.000 đồng/kg. Mức giá này hoàn toàn bù đắp được việc giá thức ăn chăn nuôi đang cao chót vót. Có lãi, bà con ở nhiều địa phương phấn khởi tăng đàn.
Giá gia cầm tăng liên tục, nuôi 1.000 con gà, nông dân Ninh Bình lãi 30 triệu đồng
Sau gần 3 năm sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, giá gia cầm liên tục tăng, thấp nhất là trên 70.000 đồng/kg. Có lãi, bà con ở nhiều địa phương tại Ninh Bình phấn khởi tăng đàn.
Anh Trần Văn Lợi, một hộ nuôi gà ở tổ 16, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp chia sẻ: Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội phải tạm dừng, đầu ra sản phẩm khó khăn, giá gà thịt giảm chỉ còn 40-50 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ buộc phải "treo chuồng".
"Gia đình tôi khi đó phải tạm thời chuyển sang nuôi ngan. May mắn là từ đầu năm 2022 đến nay, giá gà tăng trở lại. Hiện tại, giá gà ta, gà lai chọi đang được thương lái bắt tại chuồng với giá 75.000 - 80.000 đồng/ kg, cũng giống gà này nhưng nuôi dài ngày (trên 4 tháng) thì giá lên tới 120-130 nghìn đồng/kg. Như vậy, nuôi 1.000 con gà có lãi trung bình khoảng 30 triệu đồng. Do đó, gia đình đã tăng đàn lên 5.000 con thay vì 2.000 con như trước đây" - anh Lợi nói.
Anh Lợi cho biết thêm: Là hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, dù giá gà đắt hay rẻ anh vẫn vào gối đàn liên tục, như vậy mới tránh được rủi ro và xét tổng thể cả năm vẫn có lãi.
Trong khi đó, anh Bùi Thanh Quang - chủ một đại lý cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan làm phép tính tỉ mỉ để đánh giá lãi lỗ của người chăn nuôi gà hiện nay.
Theo đó, chi phí để nuôi 1.000 con gà bao gồm: thức ăn 110-120 triệu đồng, vắc xin, thuốc 12 triệu đồng, giống 12-17 triệu đồng, khấu hao chuồng 3 triệu đồng, nhân công 5 triệu đồng, chi phí khác 5 triệu đồng, tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng.
Trong khi đó, với 1.000 con gà, dù trừ đi hao hụt lên tới 10% vẫn đạt trên 2,2 tấn thịt hơi nên nhân lên với giá trung bình 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu về tối thiểu là 176 triệu đồng, lãi hơn 20 triệu đồng. Riêng giống gà Mía lợi nhuận lên tới 40 triệu đồng/1.000 con gà do gà Mía đang có giá bán 85.000 - 95.000 đồng/kg. Tâm lý chung của nông dân Việt Nam là hễ thấy giá bán tăng là đua nhau sản xuất.
Như hiện tại, giá gà giống trên thị trường đang tăng đột biến (trung bình tăng 4.000 - 8.000 đồng/con). Cụ thể: Gà lai chọi ngắn ngày từ 12.000 - 14.000 đồng/ con tùy từng lò ấp; gà lai cảo chân to từ 12.000 - 16.000 đồng/con, gà trống từ 20.000 - 22.000 đồng/con; gà Mía Sơn Tây, Mía Lạc Thủy 13.000 - 15.000 đồng/con, gà lai xô các loại tại Phú Xuyên giá bán xô từ 8.000 -10.000 đồng/con...
Điều này chứng tỏ nông dân đang tăng đàn mạnh nên con giống khan hiếm, đẩy giá bán tăng. Chu kỳ sinh trưởng của con gà khoảng 4-5 tháng, do vậy từ nay đến cuối năm nguồn cung gà sẽ tăng.
Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chăn nuôi nhận định: Giá gà thịt khó giảm và nếu giảm thì cũng không giảm đến mức làm người nuôi thua lỗ bởi các nguyên nhân sau: Thứ nhất, hiện nay các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang bùng nổ, phục hồi mạnh mẽ trở lại sẽ làm tăng nhu cầu về thực phẩm.
Đặc biệt, càng gần đến cuối năm nhu cầu này càng tăng mạnh, phục vụ cho các hoạt động cưới xin, lễ hội. Ngoài ra, sức ép thực phẩm nhập khẩu sẽ giảm mạnh do giá lương thực, thực phẩm thế giới đang tăng cao sẽ khiến giá lương thực, thực phẩm Việt Nam tăng và giữ giá cao trong năm nay và những tháng đầu năm 2023.
Còn theo kết quả nghiên cứu về thị trường của Công ty Ipsos công bố mới đây: Mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam đã giảm so với 5-6 năm trước. Năm 2018, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 31,4 kg thịt lợn thì đến năm 2022 giảm còn 23,5 kg. Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng trưởng nổi bật nhất (8,5%/năm).
Năm 2020, mỗi người Việt Nam tiêu thụ bình quân gần 17 kg thịt gia cầm. Dự báo năm 2022, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 20 kg. Bên cạnh đó, tiêu thụ hải sản, thịt bò tăng trưởng nhẹ. Theo đại diện Ipsos, dù thịt lợn là thực phẩm truyền thống, gắn bó lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt nhưng gia cầm, hải sản, thịt bò cũng dần được người Việt ưa chuộng. Có thể thấy, những yếu tố trên đang là cơ hội đặc biệt cho những người chăn nuôi gia cầm nắm bắt thời cơ.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong tháng 7, giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng, giá một số sản phẩm gia cầm tiếp tục duy trì ở mức thuận lợi cho người chăn nuôi; giá gà lông màu nuôi dài ngày khoảng 70.000 đồng/kg; giá gà Mía, Lạc Thủy, Đông Tảo trên 100.000 đồng/kg; giá vịt thịt khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi đã cắt được lỗ và có mức lãi khá, góp phần giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất.
Hiện, đàn gia cầm của Ninh Bình đã đạt con số 6,2 triệu con, tăng 1,8%. Trong đó, đàn gà là 4,2 triệu con, tăng 1,8% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, ngành chuyên môn lưu ý: Mặc dù giá gia cầm đang ở mức tốt nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức rất cao, trong khi đó dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Do vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bà con chỉ tái đàn, tăng đàn khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất. Trong quá trình nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt nguồn giống; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại.
Trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen, cần có biện pháp đảm bảo chắc chắn chuồng trại, chống mưa bão, bố trí quạt mát thông thoáng khí. Chú ý xử lý nền chuồng bằng men vi sinh, thay mới chất độn chuồng, cho gà uống kháng sinh và kháng sinh thảo dược như tỏi ngâm rượu, lá mơ tam thể để phòng các bệnh về đường ruột và hô hấp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.