Giá hàng hóa cao hơn dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo “nóng”
Giá hàng hóa cao hơn dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo “nóng”
Thanh Phong
Thứ tư, ngày 02/03/2022 17:07 PM (GMT+7)
Trước tình trạng giá xăng liên tục tăng mạnh, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm cũng ngay lập tức tăng giá. Thậm chí, hiện tại, mặt bằng giá cả thị trường đang cao hơn cả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua.
Tại các chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Cầu Giấy, Mỹ Đình, Nghĩa Tân,… giá cả các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn, gà, hoa tươi… đang tăng mạnh so với cách đây gần 1 tháng vào dịp Tết Nguyên đán.
Điển hình nhất là giá rau xanh, nhiều loại đã tăng lên gấp 2-3 lần so với dịp Tết. Cụ thể, cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 14.000 đồng, cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, xà lách 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau ngót 6.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ,….
Đáng chú ý, các loại rau gia vị như rau mùi, rau húng, rau tía tô, rau ngổ, hành, răm... đã tăng giá lên tới hơn 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các loại rau tía tô, sả, gừng còn không có vì nhiều người mua dùng để xông, đun uống nên "cháy hàng".
Các mặt hàng thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản cũng đều tăng lên như cá chép giòn từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá lăng 130.000-150.000 đồng/kg, cá song 280.000-300.000 đồng/kg, thịt lợn 150.000-170.000 đồng/kg, thịt bò 250.000-370.000 đồng/kg, thịt gà 130.000 đồng-150.000 đồng/kg…..
Nhận định về tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, việc các mặt hàng tăng theo giá xăng là tất yếu. Tuy nhiên, đối với mặt hàng rau củ quả, việc tăng giá còn do điều kiện thời tiết không thuận lợi thời gian qua khiến sản lượng giảm.
"Cách nói giá hàng hóa "té nước theo mưa" với giá xăng chỉ đúng một phần. Thời tiết đã dần ấm lên, sản lượng rau tăng, giá sẽ "dịu" bớt. Ví dụ khác là về thịt lợn, giá lợn hơi ở mức thấp, thậm chí liên tục giảm, trong khi giá bán lẻ vẫn cứ "bảo thủ". Như vậy, không thể đổ tại tất cả cho việc giá xăng được.
Giải pháp hiện tại cần làm ngay nằm ở việc tổ chức hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian. Hạ giá xăng bằng cách giảm các loại thuế phí đang chiếm tới hơn 40%, ngoài ra, việc tổ chức quản lý thị trường là rất quan trọng. Cần yêu cầu kê khai giá với các đơn vị bán giá quá cao, tăng giá bất hợp lý và có chế tài xử phạt", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Liên quan đến những diễn biến nói trên của thị trường trong nước, mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn, phối hợp kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường để thu lời bất chính.
Biến động thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine.
Theo đó, vị tư lệnh ngành Công Thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường báo cáo, cập nhật tình hình về bộ hai lần một tuần. Các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ông Diên đề nghị lực lượng quản lý thị trường xử lý kịp thời với tinh thần "không bao che, dung túng".
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai vừa qua tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. CPI bình quân 2 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.
Nói về những yếu tố làm tăng CPI 2 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê chỉ ra giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt, làm giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít. Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.