Giá hàng hóa “giằng co”: Tăng thì cũng dở...

Thứ bảy, ngày 04/08/2012 06:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xăng, điện, gas và nước sạch đồng loạt tăng giá, người tiêu dùng kiệt quệ nên giá nhiều mặt hàng tiêu dùng khác đang “giằng co”, chưa thể tăng theo.
Bình luận 0

Không chỉ xăng dầu mà cả điện, nước và gas đều tăng giá với mức tăng mạnh trong tháng 8 (cụ thể giá điện tăng 5%, xăng tăng 4%, gas lên đến hơn 20% và nước sạch được tăng giá tối đa đến 50%...) đã khiến các chủ cửa hàng, doanh nghiệp đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi trong bối cảnh sức mua kiệt quệ, người tiêu dùng gần như thắt chặt chi tiêu một cách triệt để thì việc tăng giá hàng hóa thời điểm này là điều mà hầu hết các doanh nghiệp không muốn tính đến.

img
Giá hàng hóa chưa có nhiều biến động sau mấy ngày giá xăng dầu tăng.

Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm, rau củ quả ở các chợ bán lẻ cho biết, chợ ế ẩm nên giá cơ bản cũng chưa thể tăng. Bà Kim Liên - chủ cửa hàng rau củ quả lớn ở chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Các cơ sở bán buôn đưa hàng cũng muốn tăng giá nhưng chúng tôi là những người bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng không muốn tăng vào thời điểm này nên đang “đấu tranh” để họ không ép tăng giá. “Giờ mà tăng giá thì bán cho ai. Sắp tới, tùy tình hình chúng tôi sẽ tính sau” - bà Liên nói.

Khuyến cáo chưa tăng giá cước vận tải

Chiều 3.8, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Qua 2 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp vừa qua, giá xăng tăng 6% so với trước, dầu tăng 4%. Tuy nhiên, Hiệp hội đã gửi công văn khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tăng giá cước vào thời điểm này. “Hiện cung của vận tải ô tô đã vượt 20-30%, thiếu hàng, thiếu người để vận chuyển; nếu tăng giá cước thời điểm này sẽ gây áp lực cho hành khách và chủ hàng. Các doanh nghiệp hãy chờ thêm khi nào xăng tăng, giảm dưới 10% hãy điều chỉnh giá cước” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, ngoài một số doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải khác đều chưa có ý định tăng giá cước.

Chị Thu - chủ cửa hàng bán đồ khô có tiếng ở chợ Cống Vị (phố Linh Lang, Hà Nội) cho biết: Giá các mặt hàng đầu vào tăng mạnh như vậy, chắc chắn sẽ không tránh khỏi đợt tăng giá mới của các loại hàng hóa tiêu dùng khác, đặc biệt là hàng lương thực, thực phẩm.

“Nhưng không chỉ cán bộ công nhân viên khổ, chúng tôi dù là người buôn bán có khi còn khổ gấp đôi vì nếu buộc phải tăng giá thì khách hàng hạn chế mua hoặc không mua nữa, mà không tăng giá cũng không được vì mình đâu có trực tiếp sản xuất ra hàng hóa” - chị Thu than thở.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu, việc các doanh nghiệp có đề nghị tăng giá là bình thường, tuy nhiên cũng phải tùy từng bối cảnh và đặc điểm thị trường để siêu thị có quyết định tăng giá ngay hay chậm lại.

“Thời điểm này đang vào mùa khuyến mại của các siêu thị nên việc tăng giá sẽ không diễn ra đồng loạt với các mặt hàng” - ông Phú cho biết. Với đợt tăng giá mạnh các mặt hàng đầu vào thiết yếu này, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng CPI tháng 8 sẽ “ngừng rơi” và tăng trở lại vì ngoài yếu tố đầu vào tăng giá chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ, còn do yếu tố thời vụ như mùa tựu trường, mưa bão ở các tỉnh miền Trung… sẽ ảnh hưởng đáng kể đến CPI những tháng tới .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem