Già hóa dân số - gánh nặng đổ xuống nền kinh tế

Thứ năm, ngày 26/09/2013 09:44 AM (GMT+7)
Ngày 25.9, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ khẳng định Việt Nam đang già hóa dân số... Điều này có nghĩa gánh nặng sẽ đổ xuống nền kinh tế - xã hội nước ta trong vòng ít năm nữa.
Bình luận 0
Trong khi các nước trên thế giới mất gần 100 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa sang dân số già thì Việt Nam chỉ mất 15 - 20 năm. Theo điều tra dân số, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ NCT trên 65 tuổi chiếm 7% dân số. Dự tính đến năm 2039, tỷ lệ người trên 65 tuổi là 14,75% (mốc dân số già), năm 2049 là gần 18%.

Chỉ 13% NCT nông thôn ốm đau được điều trị

Theo GS Phạm Thắng –Viện trưởng Viện Lão khoa quốc gia, mỗi người già mắc ít nhất 3 bệnh mãn tính. Theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, tuy người già chỉ chiếm khoảng 10% dân số nhưng sử dụng 70% chi phí y tế quốc gia, dùng hết 50% tổng lượng thuốc của cả nước. “Do đó, NCT gia tăng, đồng nghĩa với các gánh nặng y tế rất lớn” – ông Thắng cho biết.

Chăm sóc y tế dành cho NCT hiện vẫn yếu.
Chăm sóc y tế dành cho NCT hiện vẫn yếu.

Điều tra quốc gia về NCT năm 2011 cho thấy, NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp chiếm hơn 70%. Do đó, họ phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Chỉ có hơn 25,5% có lương hưu hay trợ cấp xã hội. Tuổi thọ của người Việt tăng cao nhưng tuổi sống khỏe rất thấp. Trong tổng số gần 9 triệu NCT, chỉ có 4,8% số họ có sức khỏe tốt và rất tốt, 67,2% là yếu và rất yếu. 95% NCT có bệnh. Nhưng lại có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị.

Đặc biệt, tỷ lệ NCT ở nông thôn bị đau ốm trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế rất thấp, chỉ chiếm 13% (23,5% ở thành thị).

Trong khi đó, theo ông Thắng, hệ thống chăm sóc y tế NCT hiện nay rất yếu. Bộ Y tế đã có chỉ thị yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh trở xuống phải thành lập khoa Lão, nhưng cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bệnh viện tỉnh không có khoa Lão, người già nhập viện phải nằm rải rác trong các khoa.

Số cụ bà góa chồng cao

Theo điều tra dân số, hiện số lượng cụ bà góa chồng cao gấp 5,5 lần cụ ông góa vợ. Về tình trạng ly hôn, ly thân, cụ bà cũng cao hơn cụ ông gấp 2,2 lần. Đặc biệt, cứ 2 cụ bà trên 80 tuổi mới có 1 cụ ông. Trong khi đó, NCT nữ lại đối mặt với nhiều tình trạng bệnh tật, khuyết tật hơn nam giới, đồng thời họ cũng có thu nhập kém hơn, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, BHYT thấp hơn nam.

Theo Bộ LĐTBXH, hiện có khoảng 1,5 triệu NCT được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Cả nước có hơn 400 trung tâm dưỡng lão tư nhân và hơn 180 trung tâm bảo trợ xã hội.


Bà Phạm Thị Liên (88 tuổi, ở Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) đã góa chồng hơn 10 năm nay. Bà có 8 người con. Tuy nhiên, sau khi chồng mất, bà vẫn ở một mình vì không quen sống chung với con nào.

Đó là thực tế của nhiều người già ở VN. Dù họ có con cái, nhưng theo điều tra, số NCT tăng lên nhưng số người sống độc thân, gia đình hạt nhân cũng tăng lên. Hiện có tới gần 28% người già sống độc thân và con số đang tăng dần.

Hiện, Tổng cục Dân số-KHHGĐ đang triển khai thí điểm Đề án chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng tại 23 tỉnh thành, Tổng cục cũng đang chờ Chính phủ phê duyệt Đề án phát huy vai trò NCT nhằm tận dụng nguồn lực của NCT trong khi hệ thống an sinh xã hội chưa kịp phát triển.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem