Gia Lai: Dân sống bất an bên nhà máy đường gây ô nhiễm
Gia Lai: Dân sống bất an bên nhà máy đường gây ô nhiễm
Hoàng Lộc - Trần Hiền
Thứ ba, ngày 01/03/2022 13:09 PM (GMT+7)
Hàng chục năm nay, người dân xã Thành An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bức xúc về vấn đề khói bụi, nước thải xuất phát từ hoạt động sản xuất của Nhà máy đường An Khê đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của gia đình họ.
Nhiều lá đơn kiến nghị đã được người dân gửi đến các cấp chính quyền nhưng vấn đề này không được giải quyết một cách triệt để.
Sống bất an bên nhà máy
Nhà nằm sát bên Nhà máy đường An Khê, chị Hồ Thị Mỹ Lệ (trú tại thôn 2, xã Thành An) cho biết, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, cuộc sống của gia đình chị đã bị đảo lộn hoàn toàn.
"Ngày nào cũng như ngày nào, cuộc sống của gia đình tôi ảnh hưởng nặng nề bởi khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy. Chưa kể, hiện đang vào vụ thu hoạch mía nên ngày nào xe chở mía cũng chạy ngang qua khiến bụi bám vào nhà tôi.
Bụi bám vào da của mấy đứa con tôi gây lở lét, ngứa ngáy. Gia đình tôi 7 người khi hít phải bụi tro ấy, ai cũng đều mắc bệnh viêm xoang, viêm phế quản cả.
Còn nữa, hai lần trung tuần tháng 1 mới đây, nước rò rỉ từ phía hồ tuần hoàn của nhà máy chảy vào nhà tôi. Nước bốc mùi rất hôi thối, khiến 5 cây ổi và cây bưởi chết, không thể trồng lại được", chị Lệ bức xúc nói với PV Dân Việt.
Tương tự gia đình chị Lệ, gia đình ông Đoàn Bá Khâm (trú tại thôn 6, xã Thành An) cũng bị "tra tấn" bởi khói bụi, mùi hôi thối bay ra từ phía nhà máy.
"Khói bụi bay vào nhà và đóng một lớp dày đặc. Các vật dụng trong nhà tôi, chỗ nào cũng dính bụi cả nên ngày nào cũng phải lau chùi, quét dọn. Chưa kể, vào ban đêm, tầm từ 1-2h sáng, mùi hôi thối từ nhà máy xộc thẳng vào nhà khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu, đau đầu, không thể nào ngủ được.
Cả gia đình phải đưa nhau đi sang nhà người khác trong đêm, chờ cho hết mùi hôi rồi quay trở về. Tôi rất bức xúc và nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền nhưng không giải quyết được gì", ông Khâm kể.
Không những bị ảnh hưởng bởi khói bụi, mùi hôi thối từ phía Nhà máy đường An Khê người dân xã Thành An còn phản ánh, nước thải từ phía nhà máy này còn chảy ra ruộng vườn của họ khiến ruộng vườn bị sình lầy, chết khô, không thể canh tác được.
Dẫn PV Dân Việt xuống ruộng, chị Võ Thị Xuân Kiều (trú tại thôn 2, xã Thành An) chỉ vào ống cống được bao phủ bởi đám cỏ bên cạnh đường bê tông liên xã bức xúc nói: "Nguồn nước thải của nhà máy đường chảy qua cống này rồi đổ ra ruộng vườn của tôi khiến ruộng vườn sình lầy, không thể trồng trọt gì được từ năm 2017 đến nay. Nước này có màu đen và bốc lên mùi hôi thối như anh chị thấy đó.
Tuy nhiên, phía nhà máy bảo rằng đây là nước mưa từ hồ khẩn cấp tràn ra ngoài. Nước mưa kiểu gì mà khiến ruộng vườn nhà tôi như thế này?".
Cũng theo chị Kiều, phía UBND xã Thành An và nhà máy đường An Khê đã có phương án xử lý cho ruộng vườn gia đình chị bằng cách đưa máy múc, máy cày xuống ruộng để đào xới lớp bùn lên và sau đó cải tạo lại đất. Tuy nhiên, do lớp bùn quá dày đặc nên máy múc và máy cày không thử xử lý được.
"Tôi cũng đề nghị nhà máy xem xét đền bù diện tích ruộng vườn đã bị chết của gia đình. Tuy nhiên, họ không đồng ý đền bù mà vẫn tiếp tục tìm phương án để đào xới lớp bùn lên và cải tạo lại đất", chị Kiều cho biết thêm.
CLIP: Người dân bức xúc phản ánh về hoạt động sản xuất của Nhà máy đường An Khê gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Thực hiện: Hoàng Lộc - Trần Hiền
Biện pháp nào xử lý dứt điểm?
Liên quan đến những phản ánh của người dân, làm việc với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, Chủ tịch UBND xã Thành An xác nhận, mùi hôi thối, khói bụi từ hoạt động của Nhà máy đường An Khê là có và ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng xuống đo đạc, các chỉ số của khói bụi nằm trong tiêu chuẩn cho phép nên không có cơ sở để xử phạt nhà máy?!
Cũng theo bà Oanh, từ trước đến nay, địa phương chưa ghi nhận trường hợp này liên quan đến việc Nhà máy đường An Khê xả nước thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Nhà máy Đường An Khê (thuộc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) được thành lập trên diện tích 17 ha (tổng diện tích mặt bằng hiện nay là 35,58ha) tại thôn 2 (xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Nhà máy chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11/2001 với công suất 2.000 tấn mía/ngày, sau này được nâng lên 18.000 tấn mía/ngày. Đây là một trong những nhà máy lớn của cả nước thu mua mía ở các huyện thị ở phía Đông của tỉnh Gia Lai.
Được biết, vào ngày 16/2, đoàn kiểm tra của tỉnh Gia Lai bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng các sở ban ngành liên quan, UBND thị xã An Khê đã đi kiểm tra thực tế và xác minh về việc Nhà máy đường An Khê xả thải khói bụi, mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
CLIP: Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, Chủ tịch UBND xã Thành An, thị xã An Khê (Gia Lai) trao đổi với PV Dân Việt. Thực hiện Hoàng Lộc
Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành An, người trực tiếp tham gia cùng đoàn kiểm tra cho hay, tại thời điểm đi kiểm tra, đoàn nhận thấy, nhà máy đường An Khê không có hiện tượng xả chất thải chưa xử lý ra môi trường.
Tuy nhiên, tại hồ khẩn cấp (hồ này chỉ được sử dụng vào trường hợp khẩn cấp chứ không được chứa nước) của nhà máy còn tồn một lượng nước nên đã đề nghị nhà máy xử lý hết nước trong hồ đó đi và sử dụng đúng chức năng của hồ.
Khi PV Dân Việt nêu ra những phản ánh của người dân về việc nước rò rỉ từ hồ tuần hoàn của nhà máy đường An Khê tràn vào nhà khiến cây cối chết khô, ông Hùng xác nhận, sự việc trên là có và xảy ra vào hai ngày 12/1 và 26/1. Khi đó, nhà máy gặp sự cố cúp điện đột ngột nên đã xảy ra việc này.
"Trong buổi làm việc, tôi cũng đề nghị nhà máy sớm khắc phục, xây đắp lại bờ tường xung quanh hồ tuần hoàn để lỡ nếu có sự cố thì nước không tràn vào nhà đất của người dân. Ngoài ra, đề nghị nhà máy có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi, khói bụi trong quá trình sản xuất", ông Hùng nói.
Trong khi đó, trao với PV Dân Việt, ông Đặng Quốc Hoài Huy, Phó Chủ tịch UBND Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) cho biết, trong quá trình hoạt động, không thể phủ nhận được nhà máy thải khói bụi, nước thải ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Theo ông Huy, qua thống kê sơ bộ, có khoảng 20 hộ dân thuộc thôn 2, xã Thành An chịu ảnh hưởng do hoạt động sản xuất của Nhà máy đường An Khê
"UBND Thị xã An Khê cũng đề nghị nhà máy hỗ trợ di dời 20 hộ dân này. Tuy nhà máy chỉ đồng ý hỗ trợ 10 hộ ở nằm sát bên nhà máy, còn 10 hộ còn lại nhà máy không hỗ trợ.
Lý do bởi các hộ này ở cách xa nhà máy và không ảnh hưởng nhiều đến đời sống. Tuy nhiên, do tình hình hoạt động gặp khá nhiều khó khăn (do dịch bệnh) đến nay nhà máy chưa hỗ trợ di dời 10 hộ sống gần nhà máy.
Đối với 10 hộ mà nhà máy không hỗ trợ di dời, UBND thị xã An Khê cũng đã chỉ đạo UBND xã Thành An khảo sát, tìm một khu vực phù hợp để sớm di dời 10 hộ này", ông Huy cho biết thêm.
Để rộng đường dư luận, ngày 21/2 sau khi làm việc với UBND thị xã An Khê, PV có liên hệ với ông Trần Quang Kiên - Giám đốc nhà máy đường An Khê.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy báo bận do đi công tác. PV đề nghị gặp Phó Giám đốc nhà máy thì ông Kiên nói: "Đi công tác hết rồi, chỉ cần lấy thông tin từ UBND Thị xã An Khê thôi".
Được biết, vào tháng 5/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt nhà máy đường An Khê 468 triệu đồng vìhành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Đến tháng 10/2021, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (Chi nhánh Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi - Nhà máy đường An Khê) với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng vì hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Ngoài ra, Nhà máy đường An Khê còn có tồn tại: chưa có biện pháp thu gom, xử lý triệt để lượng bụi phát sinh tại khu vực chứa bã mía, mùi hôi tại khu vực xử lý nước thải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.