Hỗ trợ dựng kinh tế tập thể
Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.510km2, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp có trên 801.532ha được phân chia ở 2 vùng Đông – Tây với khí hậu khá đặc trưng. Nhằm phát huy thế mạnh địa phương, từ nhiều năm nay Hội ND tỉnh Gia Lai đã không ngừng hỗ trợ, định hướng cho nông dân phát triển kinh tế, nhất là xây dựng các vùng chuyên canh lớn về cây nông nghiệp, nổi bật nhất là các loại cây có thương hiệu lớn như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, mía. Đặc biệt, Gia Lai có những cánh đồng mía, lúa lớn bậc nhất Tây Nguyên ở cánh đồng Ayun Hạ, Ia Pa… đóng góp rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.
Nông dân được hỗ trợ trồng cây mắc ca tại huyện Kbang. Ảnh: Lê Kiến
Thực hiện chủ trương “4 ngày làm việc tại cơ quan, 1 ngày làm việc tại cơ sở”, Hội ND các cấp đã bám sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà, trực tiếp tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương nhiều giải pháp hiệu quả phát triển tam nông, giải quyết việc làm. Nhờ đó, thu nhập của dân cư nông thôn đã tăng lên lên gấp 2,7 lần. |
Nhờ phát huy được các thế mạnh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Gia Lai đạt 105,23%, lâm nghiệp đạt 100,55%, thủy sản đạt 102,4% và không ngừng có bước chuyển dịch tích cực, tăng số lượng, chất lượng nông sản.
Dự kiến trong năm 2018-2019, Gia Lai sẽ có 33 cánh đồng lớn với diện gần 3.000ha áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất trên cùng một đơn vị diện tích. Đến nay, Gia Lai đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn thâm canh các cây trồng như: Lúa, mía (Ayun Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Kbang), hồ tiêu, cà phê, cao su (Chư Sê, Đăk Đoa, Chư Pứh, Mang Yang, Đức Cơ...). Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng nhiều thương hiệu chuyên về các mặt hàng nông sản đặc thù ở Gia Lai như hồ tiêu Chư Sê, cà phê Thu Hà, mật ong Gia Lai, gạo Phú Thiện... góp phần tăng chuỗi giá trị nông sản. Để nâng cao hiệu quả, tính đến tháng 6.2018, các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động thành lập được 156 hợp tác xã, 719 tổ hợp tác, 779 nhóm sở thích phát triển nông nghiệp.
Trước tình hình thị trường nông sản có nhiều biến động về giá, các cấp Hội đã nhanh chóng vào cuộc giúp nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia xây dựng cánh đồng lớn... giúp dân vượt khó, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Đưa vốn vay tới tận tay nông dân
Theo Hội ND Gia Lai, nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh có 222 cơ sở hội, 2.142 chi hội và kết nạp được 29.611 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 174.605. Cùng với công tác định hướng giúp nông dân sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… giúp hội viên phát triển kinh tế, nguồn vốn cũng được Hội xác định là bước đột phá chính giúp dân nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hội đã làm “cầu nối” phối hợp với chính quyền địa phương, ngân hàng đưa vốn tới tận tay nông dân, giúp dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Cụ thể, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã vận động được hơn 9,2 tỷ đồng, nâng tổng số tiền quỹ lên hơn 13 tỷ triệu đồng và hỗ trợ hơn 4.097 lượt hộ vay để xây dựng 60 mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả. Đồng thời, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho dân vay vốn với kinh phí khổng lồ, tổng dư nợ trên 1.345 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng NNPTNT chi nhánh Gia Lai và Đông Gia Lai cho vay, dư nợ đạt hơn 446 tỷ đồng.
Sát cánh cùng nông dân, Hội đã thực hiện ký kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư, phân bón theo phương thức trả chậm với số lượng 8.602 tấn; Phối hợp tổ chức dạy nghề cho 30.433 hội viên; Mở 9.556 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 860.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân... và thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cho dân theo dõi, học tập.
Nhờ vậy, những năm qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo nên nhiều đột phá. Hàng năm, có trên 85.000 hộ đăng ký kinh doanh sản xuất giỏi và đã có trên 62.000 (trong tổng số 174.605) hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đây là những nhân tố đi đầu, nêu gương trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.