Gia Lai: Nhà vườn bận rộn chăm sóc mai sau Tết nguyên đán
Gia Lai: Nhà vườn nhận lại những cây mai vàng đã bán cho khách rồi cắt hết cành, ngắt hết lá để làm gì?
Hoàng Lộc
Thứ hai, ngày 14/02/2022 14:35 PM (GMT+7)
Sau Tết, các nhà vườn trồng mai vàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai lại tấp nập nhận mai từ khách hàng chuyển đến để chăm sóc, dưỡng cây để mai phục hồi, lấy lại sức và nở rộ cho mùa Tết năm sau.
Những ngày này, vườn mai Minh Hào của anh Trương Hoài Phong (trú tại phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tấp nập xe chở mai vàng đến vườn.
Phía bên trong vườn, có nhiều người đang tập trung ngắt nụ, tuốt lá, tỉa những cành mai mà khách đem đến gửi.
Anh Phong cho biết, bắt đầu từ mồng 8 âm lịch, khách hàng đã bắt đầu gửi chậu mai đến vườn của anh để chăm sóc cho Tết năm sau.
Theo anh Phong, tùy vào giá trị của cây mai để có thể định giá cho 1 năm chăm sóc. Vườn mai Minh Hào đang nhận chăm sóc mai với mức giá từ 1,5 - 20 triệu đồng/cây.
"Mọi năm, vườn mai chúng tôi nhận chăm sóc khoảng 500 chậu mai các loại cho thu nhập gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay do thiếu nhân công nên chúng tôi chỉ nhận chăm sóc khoảng 200 chậu mai thôi", anh Phong cho biết.
Cũng từ mùng 8 âm lịch đến nay, vườn mai của ông Nguyễn Văn Liên (trú tại phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng nhận 50 chậu mai của các khách hàng quen thuộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Giá mỗi cây nhận chăm sóc thấp nhất là 800.000 đồng. Còn đối với những cây mai có thế dáng đẹp, tiền công chăm sóc mỗi năm từ 3 - 5 triệu đồng/cây.
"Công việc chăm sóc mai rất khó vì nó phụ thuộc vào thời tiết nên dễ rủi ro nếu cây mai nhận không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, tôi không dám nhận chăm sóc nhiều mà chỉ nhận của những khách hàng thân thiết hoặc là bà con họ hàng", ông Liên chia sẻ.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm nhận chăm sóc mai, anh Trương Hoài Phong cho biết, công việc này đòi hỏi nhà vườn phải có đôi tay khéo léo, công phu.
Sau khi nhận mai từ khách hàng, nhà vườn sẽ bắt đầu cắt tỉa cành, ngắt hết các hoa, lá, nụ còn sót lại trên cây để cây có thể phục hồi sau thời gian "căng sức" nuôi hoa cho khách chơi Tết.
Tiếp đến là công đoạn thay đất. Đất khi thay sẽ được trộn theo các thành phần gồm trấu tro, mùn cưa,…theo một tỷ lệ nhất định để tăng độ phì nhiêu cho đất. Ngoài ra, còn phải kết hợp đồng bộ các khâu như tưới nước, bón phân, tỉa rễ để có thể đảm bảo sự ổn định cho cây phát triển.
"Một công đoạn nữa cũng không kém phần quan trọng, ảnh hưởng đến việc nở hoa của cây mai đó là lặt lá. Nếu mà lặt lá không đúng thời điểm thì cây mai có thể bung nở sớm hoặc nở muộn. Vì vậy, công việc này được nhà vườn chúng tôi thực hiện vào đầu tháng 12 âm lịch để hoa có thể nở đúng và đẹp vào ngày Tết", anh Phong bật mí.
Cũng theo chia sẻ của anh Phong: "Cái khó nhất của người chăm mai là liệu vào thời tiết. Nếu thời tiết có nắng thì mai sẽ nở sớm hoặc gặp thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp thì mai sẽ không thể nở được. Chính vì vậy, khi thời tiết nắng nhiều thì nhà vườn sẽ phủ bạt ra che tránh, còn khi thời tiết lạnh, chúng tôi sẽ chong đèn điện để cho mai nở".
Nói thêm về công đoạn chăm sóc mai, ông Nguyễn Văn Liên cho hay, cây mai vàng là loại ưa nắng nhưng không có khả năng chịu hạn.
Sau khi cắt tỉa cành và thay đất xong thì nhà vườn sẽ phải tưới nước hàng ngày để bảo vệ cho bộ rễ phát triển. Nếu thời tiết có sương mù nhiều thì phải càng tưới nước nhiều hơn cho cây mai.
"Ngoài chăm sóc mai tỉ mỉ thì nhà vườn cũng tốn khá nhiều chi phí bón phân vi sinh, phân hữu cơ hàng tháng và tùy theo đợt bón thêm phân vô cơ cho cây để hoa cho ra đẹp, cây đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, cây mai cũng bị hay mắc nhiều các bệnh như bệnh nấm, bệnh cháy trên lá, thân, cành. Do đó, khoảng 15 ngày, nhà vườn của tôi sẽ phun thuốc trừ sâu để trị diệt các loại bệnh này, qua đó giúp cây mai phát triển tốt hơn", ông Liên nói thêm.
CLIP: Nhà vườn tại Gia Lai tất bật chăm sóc mai vàng sau Tết. Video: Hoàng Lộc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.