Đánh liều với cây lạ
Chạy dọc con đường đất vào xã Ia Blang (Chư Sê), thay vì thấy những bãi đất trống trơn, hàng nghìn trụ tiêu chết trắng xóa... như trước đây, thì điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là những trụ tiêu phủ một màu xanh biếc của một loài cây dây leo có tên sachi.
Cán bộ dự án cây sacchi đang hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc cây sachi. Ảnh: Trần Hiền
Ngoài cây sachi, hiện nay trên địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung, bà con nông dân đang rục rịch chuyển dần một số diện tích trồng cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, tiêu để sang trồng cây ăn trái, phổ biến nhất là cây bơ, ổi, cam, sầu riêng, đinh lăng…
|
Trò chuyện cùng phóng viên Báo NTNN, ông Trần Văn Thành (50 tuổi, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) tâm sự: “Nhà tôi trồng hơn 3.000 trụ tiêu, tuy nhiên những năm vừa rồi do sâu bệnh gây hại nên giờ chỉ còn chưa đến 1.000 trụ. Thấy tiêu chết la liệt, giá cả bấp bênh, trồng cà phê cũng không ăn thua, phân bón, công cán chăm sóc thì nhiều mà giá cả bấp bênh... nên ở đây cũng chẳng mấy ai mặn mà. Thấy cây sacchi phát triển khá nhanh, lại tận dụng được những trụ tiêu chết, ít tốn phân bón và công sức chăm bón nên nông dân chúng tôi cũng liều trồng. Không trồng sachi thì biết trồng cây gì bây giờ...”.
Cũng theo ông Thành, loại cây sachi này khá dễ trồng, phát triển nhanh, dù trồng trên những gốc tiêu chết song cây vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Qua theo dõi, ông Thành thấy cây mới chỉ xuất hiện nấm ở những cây con, đặc biệt sức chịu hạn của sachi khá cao.
“Hiện tại tôi mới trồng 400 cây sachi, đợi hái xong lứa tiêu này tôi sẽ phá những trụ tiêu còn lại để trồng thêm sachi. Giờ tôi cũng chỉ biết mạo hiểm đặt cược vào nó rồi chăm sóc thôi chứ chưa biết chắc tương lai ra sao. Trước mắt, gia đình tôi cũng đã kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty rồi và được phía công ty cung cấp cây giống” - ông Thành bộc bạch.
Thận trọng không mở rộng diện tích
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết đây là dự án trồng cây sachi do Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên (trụ sở tại Kon Tum) thực hiện, theo đó công ty này đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với từng hộ dân.
Quả sachi đang được người dân phơi khô, tách vỏ, lấy hạt. Ảnh: Trần Hiền
“Vua của các loại hạt”
Sachi hay còn có các tên Sacha Inchi, Sacha đậu phộng, Inca Inchi, Penut inca… là thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu). Nó gồm 19 loài, có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon phân bố từ Bolivia tới Mexico nhưng phổ biến nhất là ở Peru, Ecuador và Colombia.
“Ông vua của các loại hạt”, “Siêu thực phẩm mới”… là những cụm từ thường được dùng để nói về hạt của Sachi bởi tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và các axit béo không bão hòa đối với con người rất cao, đạt đến 96%. Omega 3 có trong Sachi là 48-54% giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng các tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên...
B.T
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hậu – Giám đốc dự án Sachi Vina cho hay: Từ tháng 11.2017, chúng tôi đã khảo sát và có triển khai trồng thí điểm cây sachi trên diện tích 3ha. Dù được trồng trên những trụ tiêu chết, đất cũ tuy nhiên loại cây này sinh trưởng và phát triển khá mạnh, ít sâu bệnh. Thời gian thu hoạch của loại cây này sẽ rơi vào từ 6-8 tháng. Hiện tại, chúng tôi đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
“Chúng tôi sẽ thu mua sản phẩm của bà con theo giá thị trường hiện nay là 65.000 đồng/kg, còn giá bảo hiểm mức tối thiểu sẽ là 30.000 đồng/kg. Cây sachi là cây trồng chịu hạn nên đặc biệt phải chú trọng đến hệ thống thoát nước”- ông Hậu nói.
Cũng theo ông Hậu, bên cạnh việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cung cấp giống, kỹ thuật cho bà con, công ty sẽ tiến hành liên kết với trạm khuyến nông để kiểm tra, giám sát từ 1-2 lần/tháng với các diện tích trồng sachi nhằm theo dõi sâu bệnh cũng như sự phát triển của cây. Đến thời điểm này, dự án trồng cây sachi đã có 12 hộ tham gia, do thiếu nguyên liệu nên thời gian tới phía công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lên 50ha...
Hiện tại, nhiều hộ dân ở huyện Chư Sê cũng đang loay hoay trong việc chuyển đổi cây trồng do tiêu chết la liệt. Dù không kí kết hợp đồng thu mua cây sachi, song một số hộ dân ở xã Albá vẫn liều mình mua giống về trồng với hi vọng có thu nhập tốt từ giống cây mới.
Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho biết: “Việc bà con chuyển đổi cây trồng, luân canh các cây trồng làm mới đất trên diện tích tiêu chết là rất tốt. Tuy nhiên, Phòng NNPTNT cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích cây sachi vì loại cây này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa biết có hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây không, hiệu quả kinh tế ra sao...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.