Già làng nêu gương bỏ hủ tục, thôn xã làm theo

Tân Tiến Chủ nhật, ngày 20/03/2016 06:00 AM (GMT+7)
Thay vì đòi lễ vật từ nhà trai, mổ trâu bò ăn uống linh đình trong nhiều ngày khi tổ chức lễ cưới, nhiều già làng nhận thấy những hủ tục đó quá lãng phí nên đã đứng ra làm gương từ bỏ hủ tục để vận động đồng bào noi theo.
Bình luận 0

Nêu gương bỏ hủ tục

Ông Nguyễn Quang Toản - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước cho biết: Toàn tỉnh có 111 xã, phường, thị trấn với 866 khu dân cư, trong đó có 233 khu dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: S’Tiêng, Khmer, Tày, Nùng, M’Nông...  Trong năm 2015, có 127 khu dân cư DTTS được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó nhiều khu được công nhận nhiều năm liền. “Để đạt được những kết quả này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các vị già làng, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS” - ông Toản cho biết.

img

Bà Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước tặng quà cho già làng và người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Ảnh Tân Tiến

"Với vai trò của các già làng và người có uy tín, các cấp chính quyền phải kịp thời cung cấp thông tin thời sự, cấp phát đủ báo, tạp chí để họ có thông tin truyền tải và vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND 3 cấp vào tháng 5 tới đây”.

Bà Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước

Già làng Điểu Chánh ở xã Phước Minh (Bù Gia Mập) chia sẻ: “Là già làng, tôi thấy đồng bào mình còn nhiều tập tục cổ hủ trong ma chay, cưới hỏi như thách nhiều lễ vật từ nhà trai, mổ nhiều trâu bò ăn uống trong nhiều ngày sẽ gây lãng phí, bà con không đi làm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.

Vì vậy để tuyên truyền bà con bỏ những tập tục lạc hậu, khi đám cưới con gái, gia đình tôi đã không thách lễ với nhà trai. Đến ngày gả con, tôi cũng tổ chức tiệc khá đơn giản, không mổ trâu bò để ăn nhiều ngày.

Những con trâu thay vì bị giết lấy thịt phục vụ đám cưới, tôi cho con gái nuôi để phát triển kinh tế”. Từ việc làm của ông Điểu Chánh, đồng bào M’Nông ở xã Phước Minh đã bỏ hẳn những tục lệ trên.

Vận động thực hiện nhiều “không”

Thôn Sơn Thành 1, xã Phú Sơn (Bù Đăng) có 48 hộ người M’Nông, trước kia tình trạng thách nhiều lễ vật khi cưới, tục mổ trâu ăn nhậu nhiều ngày thường xuyên diễn ra. Nhận thấy như thế sẽ gây khó khăn cho con gái lẫn con rể trong cuộc sống sau này nên già Điểu K’Răng đã đến từng hộ để vận động bỏ bớt tục lệ lạc hậu.

“Lúc đầu đi vận động tôi còn bị nhiều người chửi bới, nhưng khi đã nghe ra họ bỏ luôn tục thách cưới. Trong thôn có một số cặp vợ chồng thường cãi nhau và gần như sắp ly hôn, tôi cùng một vài người lớn tuổi đến khuyên giải, nhờ vậy đến nay thôn chưa có trường hợp nào ly hôn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cùng Hội đồng già làng thường xuyên tuyên truyền thanh niên, đàn ông trong thôn từ bỏ thuốc lá, thực hiện lối sống lành mạnh, chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống khá giả” - già làng Điểu K’Răng hồ hởi nói.

Theo ông Cao Ngọc Quang - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, trong các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam phát động, đồng bào DTTS trong xã tham gia rất nhiệt tình và có hiệu quả. Nhờ sự vận động của già làng, không những họ bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, mà còn biết sinh đẻ có kế hoạch, biết cách làm ăn nên có thu nhập khá. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem