Giá lợn 16.000 đồng/kg: Những tiếng cầu cứu tuyệt vọng từ nông dân

Lê Hân Thứ tư, ngày 03/05/2017 06:05 AM (GMT+7)
Vào đúng dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt chính thức phát động Chương trình truyền thông “Kết nối giải cứu người chăn nuôi”. Suốt 3 ngày qua, những người “làm nhiệm vụ” kết nối ở Báo NTNN/Dân Việt đã nhận được cả gần nghìn cuộc điện thoại đổ về. Tất cả đều có một mong muốn: Tìm được người mua lợn để chấm dứt cơn “ác mộng” về chăn nuôi mà họ đang phải trải qua.
Bình luận 0

“A-lô, số điện thoại đường dây nóng của Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phải không ạ?. Các anh, chị ơi xem có cách nào cứu gia đình tôi với, nhà tôi còn hơn 300 con lợn nặng cả hơn tạ đến giờ không có ai đến hỏi mua”, đó là một trong những tiếng cầu cứu của người chăn nuôi “dội” về Báo NTNN/Dân Việt. Liên tục, trong 3 ngày qua, số điện thoại đường dây nóng “Kết nối giải cứu người chăn nuôi”  0985.523.229 luôn trong tình trạng “cháy máy” vì những cuộc gọi với những câu hỏi như vậy. 

Hộ ít, hộ nhiều đều có số lượng đàn lợn từ 100, 200, 300 con thậm chí cả nghìn con đang cần bán. Những tiếng nói thất thanh như: Nhà báo ơi, cứu tôi với, tôi cần bán lợn gấp hay đôi khi chúng tôi gặp cả những tiếng nấc nghẹn qua điện thoại, đến độ những người cầm máy phải động viên các bác nông dân bình tĩnh đọc thông tin để Báo tiếp nhận và gửi đến các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chung tay, góp sức giải cứu đàn lợn cho bà con nông dân hiện nay.

img

Một nông dân ở Văn Giang, Hưng Yên thẫn thờ bên đàn lợn không có người mua của mình. Ảnh: Trần Quang

“Hiện gia trại chúng tôi nói riêng và khu vựa lân cận nói chung đang gặp khó về đầu ra cho đàn lợn. Chúng tôi gửi thông tin tới Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt để mong Báo đăng tải và kết nối tới các doanh nghiệp, siêu thị, điểm bán lẻ, cá nhân... đang có nhu cầu mua thịt lợn trên toàn quốc mong có thể giải cứu giúp những người nông dân chúng tôi. Chân thành cảm ơn quý Báo và các doanh nghiệp Mạnh Thường Quân”.

Trên đây là lời “cầu khẩn” của ông, bà Phạm Quốc Hùng và Hà Thị Vân Anh ở xã Trị Quân, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (số ĐT: 0988 941 945) khi gửi thông tin tới Báo NTNN/Dân Việt để mong bán được lợn. Ông, bà Hùng- Vân Anh hiện đang có 150 con lợn áp siêu nuôi đã được 5,5 tháng nặng 110-130kg đến kỳ xuất chuồng cả tháng nay nhưng không thấy có thương lái mua. Vì thế, ông , bà chỉ dè dặt dám “ra giá” với mức 25.000 đồng/kg (bán buôn) và 28.000 đồng/kg (bán lẻ). Mức giá mà theo ông, bà mỗi con xác định lỗ 1,5-1,6 triệu đồng nhưng cũng không còn cách nào khác vì nếu càng nuôi càng lỗ do phải chi phí nhiều vào tiền thức ăn, thuốc thú y. 

Còn đây là một lời ai oán của độc giả và cũng là một hộ nông dân có tên Hoàng Minh Thành ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang:;

Xã tôi là một xã nghèo, thuộc diện xã 135. Cách đây mấy năm về trước, giá lợn cao tới 50.000 - 57.000 đồng/kg lợn hơi, gười người, nhà nhà đua nhau nuôi lợn, đua nhau cầm cắm sổ đổ vay tiền ngân hàng để nuôi lợn. Kết quả hôm nay: nhiều nhà phá sản, không trả nợ được ngân hàng, vợ chồng sứt mẻ nhau cũng vì lợn, con cái bỏ học đi làm thuê công ty lo phụ giúp bố mẹ trả nợ... Nặng hơn nữa, có nhà vợ chồng còn cùng quẫn đến mức muốn tự tử vì lợn.

Ông Thành kể tiếp: Bây giờ không biết diễn tả sao về thực trạng lợn hiện tại nữa. Có gia đình nhiều lợn nái quá, khi chúng vừa đẻ ra đàn lợn con, họ đành đèm đi chon, vì không có khả năng nuôi, bán thì không ai mua. Cuối thư, ông Thành thỉnh cầu: “Kính mong các bác hãy có hành động đưa bà con hoặc hỗ trợ nhưng hộ gia đình thiệt hại nặng nề về lợn Tôi là người dân lớn lên từ bé tại đây nhưng không thấy bao giờ có giá lợn hơn 15.000 đồng/kg như bây giờ”.

Nông dân Lê Thị Sâm, ở Xóm 2, Xuân Tường, Thanh Chương, Nghệ An dù không rành về internet, cũng nhờ người cháu viết hộ đoạn “tâm thư” gửi đến Báo NTNN/Dân Việt: “Tôi xin gửi tới quý báo lời thỉnh cầu giúp đỡ tiêu thụ lợn đã đến ngày xuất chuồng nhưng giá quá thấp và không có người mua. Trang trại mới xây dựng xong và Đây là lứa thứ 2 xuất chuồng chúng tôi, lứa đầu may mắn đủ vốn nhưng lứa này quả thật đang cực kỳ bế tắc. Nếu tiếp tục tình trạng này thì chúng tôi đang có nguy cơ vỡ nợ. Kính mong quý báo giúp đỡ cho gia đình chúng tôi vượt qua khó khăn hiện tại”. 

Bà Sâm cho biết, nhiều người cứ đổ cho nông dân nuôi lợn sử dụng thức ăn tăng trọng và kháng sinh nên mới không bán được, nhưng thời điểm này, quả thực lợn nào cũng lâm vào tình trạng bế tắc. Bà Sâm cho biết: “Lợn của chúng tôi ăn cám Green Feed, uống nước sạch và không sử dụng bất kỳ 1 loại kháng sinh hay chất tạo nạc gì khác. Đàn lợn hoàn toàn khỏe mạnh”.

Cuối thư bà gửi danh sách 70 đầu lợn cần tiêu thụ với giá chỉ 30.000-35.000 đồng/kg. Số điện thoại của bà Sâm: 0984.825.223.

img

Ánh mắt vô vọng của những người nông dân nuôi lợn ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội khi đến dự buổi tọa đàm trực tuyến "Giải cứu ngành chăn nuôi" do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 28.4. Ảnh: Đàm Duy

Anh Trần Ngọc Hùng, ở thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh đại diện cho cả hợp tác xã đăng ký bán tới 500 con lợn. Đàn lợn của HTX hiện đã nuôi được trên 4 tháng với trọng lượng 80-100kg loại siêu nạc nhưng không có người hỏi mua. Anh Hùng cho biết, thực trạng của các hộ nuôi lợn đang cực kỳ bế tắc, “ôm” đàn lợn trong chuồng không khác gì quả bom nổ chậm. Anh Thành chỉ dám chào bán đang lợn với giá 28.000-30.000 đồng/kg và để lại số điện thoại: 0963084825. 

Còn nhiều, nhiều lắm danh sách những hộ cần bán lợn, cần được giải cứu thực sự mà chúng tôi đã đăng tải trên báo điện tử Dân Việt. Suốt mấy ngày qua, các cuộc điện thoại gọi đến Báo NTNN/Dân Việt chỉ có chung một nội dung: Bán lợn; những bức thư điện tử gửi qua hòm thư e-mail hay tin nhắn đều có nội dung: Cần bán lợn giúp, đăng ký bán lợn, cứu người nuôi lợn. Có thể thấy, đây là một thực trạng chưa từng xảy ra đối với ngành chăn nuôi nước ta khi cung đã vượt quá cầu, dẫn đến tình trạng dư thừa thịt lợn, giảm giá không phanh. Và hơn lúc nào hết, người nông dân đang rất cần được giúp đỡ, giải tỏa.

Kính thưa quý vị độc giả gần xa!.

Kính thưa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân!.

Chúng tôi, những người làm Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt- cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của bà con nông dân cả nước trong những ngày qua đã rất cố gắng, nỗ lực trong việc truyền tải thông tin chính xác, chân thực về tình trạng giảm giá lợn hiện nay; đồng thời cũng có những bài viết phân tích, mổ xẻ nhằm cùng các cơ quan chức năng tìm ra những giải pháp để giải cứu cho đàn lợn hiện nay.

Đặc biệt, chúng tôi đã triển khai chương trình truyền thông “Kết nối giải cứu người chăn nuôi” như một sáng kiến, một giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bế tắc cho bà con nông dân trong hoàn cảnh này. Chức năng của chúng tôi chỉ có thể giải quyết ở mặt “kết nối”, bởi thế chúng tôi cần hơn lắm ở những tấm lòng, những hành động thiện chí của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể… chung tay giúp sức cùng Báo NTNN/Dân Việt thực hiện một “chiến dịch” giải cứu đàn lợn thực sự cho bà con nông dân.

Hưởng ứng chương trình "Kết nối giải cứu người chăn nuôi", trong những ngày qua Báo NTNN/Dân Việt đã nhận được nhiều lời cam kết từ các doanh nghiệp, đó là Công ty Lebio cam kết mua 40.000 con lợn với giá 35.000 đồng/kg; Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cam kết đồng hành với chương trình, sẵn sàng hỗ trợ giết mổ và bày bán sản phẩm; Công ty Đắc Lộc, Công ty TNHH Thiên Phát... cam kết sẽ tăng cường sử dụng món thịt lợn hàng ngày cho hàng trăm, hàng nghìn công nhân của mình như một cách để giải cứu đàn lợn.

Đặc biệt, ngày 2.5, nữ BTV Kim Oanh của VTV đã cam kết mua nửa tấn lợn để tặng bà con vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp trên của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân!

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng được đi học, lớn lên, trưởng thành và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay là nhờ bố mẹ, gia đình mình đã nuôi và bán từng con lợn đi để trang trải cuộc sống. Bởi với người nông dân, con lợn chính là kế sinh nhai, là hiện tại và là cả tương lai. Nếu họ gục ngã trước “cơn bão” này, rồi không biết tương lai mai này sẽ ra sao.

Chúng tôi xin mượn lời của ông Cao Đức Phát- nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT khi nói về vai trò của con lợn: “Chúng ta phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp, nhưng cũng không được bỏ qua nông hộ. Nếu triệt tiêu chăn nuôi lợn nông hộ, 5 triệu hộ dân sẽ sống ra sao. Tôi còn nhớ, hồi bé tiền mua xe đạp, đóng học phí của tôi đều do bố mẹ tôi nuôi lợn và bán lợn, vì thế bằng mọi giá vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ”.

Hiện danh sách cầu cứu được bán lợn gửi về Báo NTNN/Dân Việt ngày một dài, vì thế ngay từ lúc này, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ, chung tay góp sức của cộng đồng để “giải cứu người chăn nuôi”.

Mọi thông tin gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ:

Email: tiengdanntnn@gmail.com

Điện thoại Đường dây nóng Báo NTNN: 0985.523.229 (trực 24/24h)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem