Giá nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội đang diễn biến trái chiều
Giá nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội đang diễn biến trái chiều
Gia Linh
Thứ ba, ngày 25/06/2024 10:15 AM (GMT+7)
Các tháng đầu năm 2024, chỉ số giá nhà ở TP.HCM có xu hướng giảm nhẹ 2% do những biến độ của thị trường. Trong khi đó, giá nhà ở tại Hà Nội lại tăng mạnh 8%.
Diễn biến trái ngược về giá nhà ở TP.HCM và Hà Nội
Báo cáo đầu tư quý I/2024 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Savills cho thấy giá nhà ở tại 2 địa phương TP.HCM và Hà Nội đang có biến động.
Theo đó, chỉ số nhà ở tại TP.HCM giảm 2% so với quý trước xuống 123 điểm sau khi nhiều dự án bị tạm dừng. Giá bán sơ cấp cũng ghi nhận giảm 3% so với quý trước, còn 67 triệu đồng/m2 thông thủy.
Trong bối cảnh giao dịch giảm sút và niềm tin của người mua nhà yếu, các nhà phát triển đang cho thấy sự thận trọng thông qua việc duy trì giá bán ổn định và tăng chiết khấu. Một số chủ đầu tư đã tạm dừng các dự án để điều chỉnh chính sách bán hàng.
Điều này dẫn đến tỷ lệ hấp thụ giảm 18%, so với quý trước xuống 23%. Tuy nhiên, nguồn cung mới đạt tỷ lệ hấp thụ 70%, trong khi tồn kho chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ 16%.
Ghi nhận của Dân Việt, trong các tháng đầu năm 2024, thị trường nhà ở TP.HCM rất hiếm có dự án được mở bán. Chủ yếu là phát triển các sản phẩm từ giỏ hàng cũ. Trong đó, phân khúc trung cấp và cao cấp chiếm tỷ trọng lớn. Các sản phẩm bình dân, nhà ở vừa túi tiền tiếp tục "biến mất" trên thị trường.
Trong khi đó, thị trường nhà ở Hà Nội đang có biễn biến ngược lại. Theo đó, chỉ số nhà ở tại Hà Nội đã tăng 8% so với quý trước lên 142,5. Chỉ số này đã tăng 37% kể từ khi chạm đáy ở mức 104,1 vào quý III/2019. Giá nhà trung bình là 44 triệu đồng/m2, tăng 8% theo quý.
Hà Nội đang ưu tiên phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu bất động sản ngay lập tức và nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững. Các dự án trọng điểm sẽ là động lực tạo cơ hội cho các dự án nhà ở có giá cả phải chăng.
Về tỷ lệ hấp thụ, thị trường nhà ở Hà Nội đang có diễn biến tích cực khi đạt 41%, tăng 15% theo quý và 27% so với cùng kỳ năm trước. Loại B chiếm 88% tổng số giao dịch. Nguồn cung mới đạt 45% tỷ lệ hấp thụ. Các dự án lớn chiếm 71% tổng số giao dịch, phản ánh nhu cầu tiếp tục tăng cho các khu vực ngoại vi.
Chi phí xây dựng tại TP.HCM và Hà Nội khó giảm
Dù thị trường có dấu hiệu trầm lắng nhưng chi phí xây dựng tại TP.HCM vẫn gia tăng. Dựa trên báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ số chi phí xây dựng đã tăng đều đặn kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội vào quý III/2022. Đến quý IV/2023, chỉ số chi phí xây dựng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, lên 119,03 do chi phí lao động và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng.
Chỉ số chi phí lao động tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 111,6 do thiếu hụt nhân công và nhu cầu tăng cao. Chỉ số giá nguyên vật liệu xây dựng tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, lên 124,06 do thiếu hụt nguồn cung và áp lực lạm phát, với sự gia tăng đáng kể ở bê tông nhựa nóng, sơn và vật liệu địa kỹ thuật.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ số giá xây dựng quý I/2024 là 105, ổn định so với so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá xây dựng đã duy trì quanh mức 105 từ quý II/2022.
Giá nguyên vật liệu xây dựng bắt đầu tăng vào quý 1/2024 sau khi giảm liên tiếp trong năm 2023. Chỉ số giá nguyên vật liệu xây dựng quý 1/2024 là 106, tăng 0,7% so với quý trước nhưng vẫn giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá lao động quý I/2024 là 101, ổn định so với quý trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này duy trì ở mức 100 từ quý I/2021 đến quý III/2023 trước khi tăng nhẹ lên 101 từ quý IV/2023.
Các chuyên gia cho rằng chi phí xây dựng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ khó có thể giảm sút vì nhiều yếu tố như giá vật liệu xây dựng, giá thuê người lao động, chi phí máy móc thiết bị... đều tăng. Ngoài ra, vấn đề tiền đất, thuế đất tăng hàng năm... đều tăng lên, tác động không nhỏ đến giá nhà ở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.