Giá nông sản 2/4: Tại sao cà phê Việt Nam “thất sủng” trên đất Mỹ?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 02/04/2019 07:09 AM (GMT+7)
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Mỹ đang có xu hướng giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, tìm nguồn khác từ Brazil, Columbia. Liệu điều này có đáng lo ngại?
Bình luận 0

Giá xuất khẩu giảm

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu bình quân cà phê 15 ngày đầu tháng 3 giảm so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 3 đạt 83.100 tấn, trị giá 144,5 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 3.2018.

img

Xuất khẩu cà phê sang Mỹ đang có xu hướng giảm. Ảnh: I.T

Theo Cục Xuất nhập khẩu, ngành cà phê Việt Nam cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu cà phê sang Mỹ, đồng thời tìm ra điểm mạnh cần phát huy và hạn chế để khắc phục.

Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 3, xuất khẩu cà phê đạt 400.160 tấn, trị giá 696,11 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, giá xuất khẩu bình quân cà phê nửa đầu tháng 3 đạt 1.739 USD/tấn, giảm 9,7% so với 15 ngày đầu tháng 3.2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết nửa đầu tháng 3, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.740 USD/tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đà giảm của thị trường thế giới, thị trường cà phê trong nước 10 ngày giữa tháng 3 cũng giảm. So với ngày 9.3, giá cà phê Robusta nhân xô giảm từ 1,8 – 2,4% so với ngày 19.2 giảm từ 0,9 – 2,7%. Ngày 19.3, cà phê Robusta nhân xô có mức thấp nhất là 31.900 đồng/kg tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất là 32.800 đồng/kg tại các huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk và huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Tại các kho quanh khu vực TP.HCM, cà phê Robusta loại R1 giảm còn 33.900 đồng/kg.

Về dài hạn, theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cà phê toàn cầu sẽ phục hồi trở lại. Hiện mực nước thấp và nguy cơ hạn hán cao tại những vùng trồng cà phê chính của Tây Nguyên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê vụ này và vụ tới của Việt Nam.

Lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu cà phê của nước này năm 2018 đạt 1,582 triệu tấn, trị giá 5,591 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với năm 2017. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Mỹ năm 2018 đạt mức 3.533 USD/tấn, giảm 7,2% so với năm 2017.

Một điều đáng lo ngại là Mỹ đang tìm những nguồn cung mới. Mỹ đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường như Brazil, Goatemala, Mexico và Canada, trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Đáng chú ý, trong 10 nguồn cung cà phê lớn nhất cho Mỹ năm 2018, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam đạt mức thấp nhất 1.881 USD/tấn, mức giá cao nhất từ Canada là 8.398 USD/tấn. Từ thực tế này, theo Cục Xuất nhập khẩu, ngành cà phê Việt Nam cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu cà phê sang Mỹ, đồng thời tìm ra điểm mạnh cần phát huy và hạn chế để khắc phục thì mới có khả năng giữ thị phần tại thị trường tiềm năng lớn này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mỹ là quốc gia nhập khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau EU, dự báo năm 2019 nước này sẽ nhập khẩu khoảng 26,5 triệu bao, tăng 2,1 triệu bao so với năm 2018.

Cà phê là đồ uống được yêu thích nhất tại Mỹ, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Theo Hiệp hội Cà phê đặc sản Mỹ (SCAA), số lượng các nhà bán lẻ cà phê đặc sản đã tăng 10 lần trong 20 năm trong giai đoạn 1993-2013, từ 2.850 lên 29.200, trong đó, 45% là các chuỗi bán lẻ và 55% là các cửa hàng độc lập (kinh doanh tại ít hơn 3 địa điểm). Sự phát triển của các cửa hàng cà phê nhỏ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nhu cầu về cà phê đặc sản.

Vì vậy, điều cần làm ngay lúc này là nâng cao chất lượng cà phê Việt, chú trọng chế biến sâu để từng bước lấy lại thị trường giàu tiềm năng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem