Mặc dù giá tiêu thế giới liên tục giảm, nhưng hồ tiêu trong nước vẫn giữ giá suốt tuần qua. Ảnh minh hoạ
Nông dân găm hàng, giữ giá hồ tiêu ổn định
Khoảng 1 tuần qua, giá hồ tiêu nguyên liệu tại thị trường trong nước luôn ổn định trong khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg. Nguyên nhân hồ tiêu giữ giá lâu, không chạy theo đà giảm của giá tiêu thế giới là do hầu hết nông dân đã giữ hồ tiêu lại trong kho, không chào bán ra thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp, thương nhân cũng mua vào rất ít do tâm lý e ngại khi giá hồ tiêu thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm.
Anh Huỳnh Văn Sỹ (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cho biết, nhà anh đang tồn kho 3 tạ tiêu. Đây là số tiêu gia đình thu hoạch vào tháng 3 vừa qua. Anh Sỹ cho biết: “Thu hoạch xong thì giá thu mua 100.000 đồng/kg nhưng tôi chê thấp, không bán, để chờ giá cao bán lấy tiền trả nợ. Bây giờ tiêu xuống thấp không bán được, đành ôm khư khư trong nhà”.
Ghi nhận tại cơ sở thu mua tiêu của Công ty TNHH MTV Kiều Sương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho thấy, thời điểm này nhà kho vắng hoe không có người đến mua bán.
Bà Nguyễn Thị Kiều Sương, chủ cơ sở cho biết, năm ngoái người ra vào mua bán tiêu đông nghịt nhưng năm nay lèo tèo vài người. Những người đến bán tiêu đều là những người khó khăn, đang kẹt tiền. 4 ngày qua, cơ sở chỉ mua được 1 tạ tiêu. Việc kinh doanh vì thế cũng đình trệ. Số tiêu mua vào trước đó giờ rớt giá, lỗ đến 300 triệu đồng.
Cũng theo bà Sương, thời điểm hiện tại, các cơ sở chỉ thu mua được 30% hàng, còn khoảng 70% vẫn đang ở trong dân.
Hồ tiêu Việt Nam hiện có năng suất cao nhất thế giới. Ảnh: vov.vn
Trên sàn giao dịch Kochi (Ấn Độ), giá tiêu tiếp tục giảm sâu mặc dù không có áp lực bán tháo trên thị trường nội địa. Theo đó, giá tiêu giao ngay giảm thêm 200 rupee/tạ xuống 49.200 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.200 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).
Trên thị trường kỳ hạn, có 26 tấn tiêu được giao dịch, trong đó có 10 tấn tiêu vùng cao được trả với giá 500 rupee/kg.
Lượng giao dịch cà phê tăng mạnh, chặn đứng đà giảm
Trên thị trường cà phê thế giới ngày 26.5, giá bất ngờ tăng cuối phiên khi thị trường xuất hiện lực mua mạnh. Thông tin trên trang giacaphe.com cho biết, sau cuộc họp Opec, chỉ số hàng hóa tăng ngược đã hỗ trợ giá tăng. Đặc biệt trên sàn London, chỉ cần 20 phút cuối phiên đã lấy lại gần như mất mát của 2 phiên trước đó. Theo ghi nhận của các môi giới, chỉ trong 20 phút cuối phiên đã có gần 2.000 lô được mua để kích giá tăng.
Tương tự, sàn Arabica ghi nhận một phiên giao dịch cũng rất thú vị khi đã lâu lắm người ta mới thấy giá được đặt trên chặn 127,55 cả ngàn lô mua nhằm ngăn giá rớt. Lượng giao dịch tăng vọt so với vài phiên gần đây.
Biểu đồ giá kỳ hạn tháng 7 sàn London cuối phiên 25/05/2017. Nguồn: giacaphe.com
Trong ngày 26.5, tổng lượng giao dịch sàn Robusta đạt 22.194 lô trong đó chuyển tháng 8.370 lô, lượng tổng hợp đồng mở tăng 1.212 lô. Tổng lượng giao dịch sàn Arabica đạt 44.963 lô, trong đó có 17.691 lô chuyển tháng, lượng hợp đồng mở tăng 2.695 lô.
Theo đó, giá cà phê đã tăng trên cả 2 sàn. Cụ thể, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 29 USD, lên 1.934 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 26 USD, lên 1.950 USD/tấn, các mức tăng khá đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,75 cent, lên 129,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,7 cent, lên 131,65 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch được ghi nhận ở mức “khủng”.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động quanh mức 41.900 – 42.500 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, lên ở mức 1.884 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi ở 40 – 50 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam được dự báo thu hoạch 28,6 triệu bao (1,72 triệu tấn) cà phê trong niên vụ 2017/18, tăng 10% so với niên vụ hiện nay, do thời tiết thuận lợi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.