Giá nông sản hôm nay 30.6, dự báo giá cà phê trong nước tăng nhẹ theo giá thế giới. Ảnh minh họa
Giá cà phê sắp có đợt điều chỉnh lớn?
Phiên giao dịch 29.6, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 1,95 cent/lb, tương đương 1,57% chốt ở 126,35 cent/lb. Trong khi kỳ hạn giao ngay tháng 7 cũng tăng 2 cent/lb, giao dịch ở mức 124,75 cent/lb. Khối lượng giao dịch khá thấp, khoảng 25 lô kỳ hạn tháng 7 và hơn 16.000 lô kỳ hạn tháng 9.
Trong khi sàn New York giảm thì giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 7 trên sàn London lại tăng 43 USD/tấn, lên 2.122 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng tới 40 USD/tấn, lên 2.132 USD/tấn, các mức tăng khá tốt. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm qua tăng nhẹ 100 đồng/kg, lên dao động ở mức 44.300 – 44.900 đồng/kg. Thậm chí ở Buôn Hồ (Gia Lai), giá đã tăng lên mức 45.100 đồng/kg. Giá cà phê robusta xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh giao dịch ở mức 2.092 USD/tấn, giá FOB, với mức chênh lệch trừ lùi tăng lên 90 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Bất chấp sự hồi phục giá hiện nay, các nhà phân tích cho biết thị trường cà phê vẫn còn tồn tại các yếu tố bất lợi, trong đó có một lưu ý là nguồn cung cà phê arabica sẽ bắt đầu thắt chặt. Cụ thể, tồn kho tại Brazil đang rất thấp và họ dự trù tình hình này sẽ kéo dài ít nhất trong 9 tháng đầu của niên vụ 2017-2018. Các thương nhân cho rằng thị trường lúc này đang nằm trong tay các quỹ lớn và các tổ chức tài chính, nên việc thị trường liên tục đi ngang trong phạm vi hẹp có khả năng đang chờ đón một đợt tăng giảm lớn.
Theo tin từ trang giacaphe.com, từ ngày giá sụt giảm thảm hại nhất cho đến nay (20.4), chưa bao giờ thị trường New York giao dịch vượt hẳn và giữ được trên mức giao dịch bình quân trong 20 ngày qua của chính nó. Chính vì thế mà viễn cảnh của thị trường này vẫn chưa có cơ sở nào để khởi sắc trong thời gian tới – may chăng là chỉ nhờ những đợt tăng do các biến động thời tiết mùa đông của Brazil.
Ngược lại, kể từ cú tăng ngược từ ngày 25.5 đến nay, thị trường London luôn giữ vững trên mức giao dịch bình quân 20 ngày qua. Thị trường như chờ đợi một điều gì đó để sẵn sàng đẩy những cú tăng và hạ khủng, nhưng vẫn giữ mức khá xa trên đường giao dịch bình quân, ít nhất có cơ sở cho người ta tin rằng thị trường này có khả năng trở lại với mốc 2.150 USD/tấn.
Về thời tiết mùa đông Brazil, trong tuần này không có gì đáng cảnh báo, tuy nhiên vào khoảng thứ Hai và thứ Ba tuần tới người ta đang theo dõi cột không khí lạnh đi vào những vùng trồng - trang giacaphe.com cho biết.
Giá hồ tiêu không có triển vọng tăng
Giá hồ tiêu trong nước tại các vùng nguyên liệu lớn ngày 29.6 lại quay đầu giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với ngày 28.6. Theo đó, giá hạt tiêu tại Gia Lai, Đăk Nông, Đồng Nai cùng ở mức 76.000 đồng/kg; giá tiêu tại Đăk Lăk là 77.000 đồng/kg (giữ nguyên) và Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn giữ ở mức 78.000 đồng/kg. So với cùng kỳ tháng 5, giá hạt tiêu trên thị trường nội địa đã giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tuỳ địa bàn.
Giá nông sản hôm nay (30.6), dự báo giá tiêu vẫn khó hồi phục lên trên mức 80.000 đồng/kg. Ảnh minh họa
Bộ NNPTNT ước tính sản lượng hồ tiêu vụ 2017 đạt khoảng 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Mặc dù có sản lượng tăng cao nhất thế giới, song ngành hồ tiêu Việt Nam không thể chi phối giá tiêu thế giới, ngược lại còn đang bị mất kiểm soát, khiến tình hình sản xuất hồ tiêu trong nước rơi vào tình trạng bất ổn. Tâm lý hoang mang, lo lắng đang bao trùm lên nhiều vùng trồng tiêu, nhất là với những hộ mới trồng tiêu được 2-3 năm nay và những hộ phải vay vốn ngân hàng để đầu tư.
Theo phân tích của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hầu hết các hộ sản xuất hồ tiêu đang dự trữ số lượng lớn để chờ giá lên. Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, tình hình xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang có dấu hiệu bị chững lại, trong khi nguồn cung tăng cao nên các nhà buôn tiêu đã ép giá, đẩy giá tiêu xuất khẩu của nước ta giảm tới 27% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ vẫn ở mức thấp, hoặc chỉ biến động trong khung hẹp do vào tháng 7-8, các nước Indonesia, Trung Quốc sẽ thu hoạch hồ tiêu.
Mặc dù theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) trong tháng 4.2017 cho thấy, sinh trưởng của hồ tiêu các vùng trồng tiêu lớn ở Indonesia như Lampung, Bangka và Đông Kalimantan đều cho thấy khả năng Indonesia sẽ mất mùa, trái đóng khá thưa, năng suất thấp hơn năm trước do thời tiết các tháng cuối 2016 bất thuận, khô hạn nặng kéo dài. Tuy nhiên dù ít dù nhiều, sản lượng tiêu thu hoạch được của nước này cũng sẽ góp phần tăng thêm sản lượng hồ tiêu toàn cầu vốn đang dồi dào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.