|
Giá phân bón trong nước đã và đang thiết lập ở mức mới. |
Mặt bằng giá mới đang hình thành
Do thông tin trên, tại Lào Cai, lượng phân bón nhập về gần đây tăng khá mạnh nhưng giá vẫn tăng, chủ yếu là phân bón trong nước. Giá phân bón tại các tỉnh phía Bắc hiện đều nhích tăng lên.Thời gian tới, giá các loại phân bón trong nước sẽ còn lên xuống thất thường do ảnh hưởng của mùa vụ, thời tiết, tỷ giá ngoại tệ và chính sách của nước có lượng phân bón nhiều là Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Phân bón VN, năm 2010, tổng nhu cầu phân bón cả nước ước tính khoảng 9,1 triệu tấn, sản xuất trong nước đã đạt trên 6 triệu tấn, đáp ứng được trên 67% tổng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn lại là nhập khẩu. Hiện sản xuất urê trong nước đã đáp ứng được khoảng 60%, phân DAP khoảng 15-20%; còn NPK, phân chứa lân đã đáp ứng đủ.
Khoảng vài ba ngày nay, do kết thúc vụ 3, chưa tới vụ đông xuân nên giá các loại phân bón ở thị trường phía Nam có chững lại. Song đây chỉ là hiện tượng tạm thời.Tại miền Trung, do ảnh hưởng của lũ lụt, khu vực này có thể sẽ xuống giống chậm hơn một tháng so với mọi năm. Nhưng do nhu cầu tăng cao cộng với giá phân thế giới tăng nên giá phân tại khu vực này cũng đang tiếp tục nhích tăng.
Thị trường phân bón trong nước đã và đang hình thành một mặt bằng giá mới. Mức giá urê hiện đã dao động trong khoảng 8.000 – 8.500 đồng/kg, có địa phương lên tới 9.000 đồng/kg, tăng khoảng 500-1.000 đồng/kg.
Đến cuối tháng 11 này, giá urê trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng từ 10-20 USD/tấn. Cụ thể: Tại châu Âu, giá urê hạt trong FSU được giao dịch ở mức 360 USD/tấn (FOB). Urê hạt đục Ai Cập cũng tăng 20 USD/tấn, đạt trên 400 USD/tấn (FOB). Giá urê hạt trong của Trung Quốc bán sang Ấn Độ cũng lên mức trên 380 USD/tấn (FOB), tăng 20 USD/tấn.
Cần ưu tiên ngoại tệ nhập khẩu phân bón
Bất kỳ động thái hạn chế xuất khẩu nào từ Trung Quốc cũng sẽ dẫn tới giảm cung trên toàn cầu và đẩy giá tăng lên. Theo Hiệp hội Phân bón VN, sớm muộn gì việc nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn do Trung Quốc đang giảm lượng sản xuất và tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này.
Ước tính trong hai tháng 10 và 11 này, lượng phân bón các loại nhập khẩu của VN -mà 80% là từ Trung Quốc-đều giảm mạnh, ước chỉ đạt 220-230.000 tấn/tháng. 11 tháng năm 2010 cả nước mới nhập khoảng 2,6 triệu tấn phân bón, trị giá gần 800 triệu USD, chỉ xấp xỉ bằng 2/3 khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Để ổn định thị trường phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón VN cho rằng, VN không còn cách nào khác là phải nhanh chóng gia tăng sản xuất, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu phân từ Trung Quốc. Trước mắt, phải đưa mặt hàng phân bón vào diện nhóm hàng cần được ưu tiên bố trí ngoại tệ để nhập khẩu, và chủ trương này phải thực sự đi vào cuộc sống chứ không phải cứ "hô hào" mãi như hiện nay.
Mai Nguyễn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.