Giá phân bón tăng chóng mặt: Người dân miền Tây kiếm đồng tiền lời từ việc trồng lúa bằng cách nào?

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 21/10/2021 14:51 PM (GMT+7)
Trước tình trạng giá phân bón tăng liên tục trong thời gian qua, người dân ở ĐBSCL đã và đang tìm mọi cách để kiếm đồng tiền lời từ việc trồng lúa.
Bình luận 0

Giá phân bón đang tăng "chóng mặt"

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, giá phân bón hôm nay 21/10 tại các cửa hàng vật nông nghiệp vùng ĐBSCL như sau: phân Urê (đạm) 820.000-860.000 đồng/bao (50kg), kali 800.000-830.000 đồng/bao, DAP từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/bao.

So với 10 ngày trước, giá phân bón hôm nay tăng từ 80.000 - 100.000 đồng/bao, nếu so với cách đây 3 tháng, mức giá trên tăng từ 280.000-330.000 đồng/bao. So với cùng kỳ năm trước, giá phân bón tăng hơn gấp đôi.

Liên quan đến giá phân bón tăng liên tục nhiều tháng qua, sáng nay 21/10, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đinh Thành Nam - nông dân ở ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, qua theo dõi, ông được biết, nguyên nhân giá phân bón tăng là do tác động từ nguồn cung ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, còn bên châu Âu thì các nhà máy gặp bão lụt.

Giá phân bón tăng chóng mặt: Người dân miền Tây kiếm đồng tiền lời từ việc trồng lúa bằng cách nào? - Ảnh 1.

Trước tình trạng giá phân bón tăng liên tục trong thời gian qua, người dân ở ĐBSCL đã và đang tìm mọi cách để kiếm đồng tiền lời từ việc trồng lúa. Trong ảnh, một cửa hàng bán phân bón ở TP Cần Thơ (Ảnh: CTV)

Giá phân bón tăng, nông dân kiến nghị giải pháp "nóng"

Để trồng lúa có được lợi nhuận trước tình trạng giá phân bón tăng cao, ông Nam cho biết, đã nhiều lần kiến nghị với ngành chức năng qua các cuộc họp dân. Trong đó, ông kiến nghị có giải pháp giảm thuế nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, không phụ thuộc vào một thị trường nào, trong đó có Trung Quốc.

Hiện ông Nam đang chuẩn bị gieo sạ cho 90ha lúa đông xuân và đang lo lắng về lợi nhuận cho vụ này. Vụ lúa này, ông Nam sẽ dùng biện pháp sạ hàng (sạ thưa) và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác để giảm lượng phân bón đầu vào từ 20-25%.

"Để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân tới, từ vụ lúa trước tôi đã mua trữ 300 tấn phân bón nên đã giảm bớt một ít chi phí. Khi vào vụ sản xuất, tôi cũng sẽ nghiên cứu giảm bớt việc bón phân đạm" - ông Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, khác với các hộ dân trồng lúa 3 vụ trong năm, hiện 90ha lúa của ông đều làm 2 vụ nên lượng phân cũng không cần bón nhiều, cây lúa cũng phát triển tương đối tốt.

Ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang cho biết, giá phân bón tăng liên tục nhiều tháng qua. Theo ông, giữa vụ lúa hè thu vừa qua, phân Urê hơn 9.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã lên đến 16.000 đồng/kg, phân DAP cũng tăng từ 12.000 đồng/kg lên đến hơn 22.000 đồng/kg.

Trước tình trạng giá phân bón tăng, cũng như ông Nam, từ giữa vụ lúa hè thu trước đó, ông Thích đã chủ động mua trữ 200 tấn phân bón. Để có lời trong vụ lúa tới đây, HTX của ông Nam sẽ sản xuất theo hướng bán hữu cơ, trong đó chỉ bón phân hóa học từ 30-35%, còn lại sẽ bón phân hữu cơ (giá thành thấp, ổn định giá).

Theo ông Thích, với mô hình này, HTX với hơn 60ha của ông sẽ giảm lượng lớn phân bón hóa học nhưng hiệu quả mang lại vẫn đảm bảo.

Ông Thích cũng cho biết, đã kiến nghị các cấp chính quyền ý kiến giảm thuế hoặc cách nào đó giảm giá phân bón cho người dân gieo sạ vụ lúa đông xuân tới. Ông Thích nhận định, giá phân bón hiện nay có thể khiến cho người dân trồng lúa theo cách truyền thống bỏ ruộng, không dám đầu tư.

Theo ông Ngô Thọ Hòa - nông dân ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, giá phân bón tăng quá cao. Do đó, người dân trồng lúa ở địa phương ông đều có dự định sạ hàng trong vụ đông xuân tới. Với cách làm này, người dân hy vọng sẽ giảm khoảng 30% lượng phân bón.

"Giá phân bón này mà trồng lúa theo cách truyền thống, tức sạ tay, trồng dày thì không có lời. Đối với người dân nào thuê đất trồng lúa thì lỗ" - ông Hòa nhận định.

Còn ông Phan Thiện Khanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thì cho hay, vụ lúa đông xuân tới đây là vụ lúa quan trọng trong năm nên người dân sẽ cố gắng sản xuất dù giá phân bón tăng.

Tuy nhiên, nếu giá phân bón tăng tiếp tục trong thời gian tới, có thể sau vụ đông xuân, người dân ở địa phương sẽ bỏ 1 vụ lúa, chỉ trồng 2 vụ trong năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem