Giá rét đe dọa “đập vỡ nồi cơm Tết” của bà con Tây Bắc

Nhóm PV Tây Bắc Thứ năm, ngày 11/01/2018 11:24 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường liên tục khiến nhiệt độ ở các tỉnh miền núi phía Bắc giảm mạnh. Nhiều nơi đã xuất hiện rét đậm, rét hạị, sương muối, băng giá, làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn.
Bình luận 0

Cả vùng cao đang gồng mình chống chọi với giá lạnh trong những ngôi nhà gỗ, tường tre, vách nứa hay bên bếp củi lửa qua mùa đông.

Trong hành trình lên Tây Bắc trong đợt giá rét này, điều mà mỗi người cảm nhận rõ nhất chính là cái lạnh cắt da, cắt thịt, lạnh đến thấu xương... Vào mùa đông, thời tiết ở các tỉnh Tây Bắc thường lạnh hơn hẳn những khu vực khác do độ cao, một phần do ảnh hưởng trực tiếp của những trận gió mùa đông bắc tràn về khiến cho cái lạnh bao trùm lên các bản, mường vùng cao.

img

Nông dân xã Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) phủ chăn và đốt lửa sưởi ấm cho đàn bò.
  Sùng Ảnh:  Thiên Long

Tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một số nơi nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C, tại các điểm cao đã xuất hiện băng giá, sương muối. Đợt rét này ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của bà con. Do thời tiết lạnh giá nên hầu hết bà con đều ít lên nương, ra đồng sản xuất. Một số nơi đã có sương muối, mưa phùn khiến cho cái lạnh càng buốt hơn.

Còn tại huyện Mường La, dưới cái lạnh cắt da, cắt thịt, nhiều bà con dân tộc Mông, Thái… đã lùa đàn gia súc về nhà để quây kín chuồng trại, nuôi nhốt. Các hộ dân đã sử dụng củi đốt lửa sưởi ấm cho gia súc trong chuồng, cũng như đun nước ấm cho trâu, bò, dê, ngựa... uống trong ngày đông giá.

Cũng trong đợt rét này, một số trường học ở xã Co Mạ (huyện Thuận Châu, Sơn La), Pha Đin (Tuần Giáo, Điện Biên)…, giáo viên đã phải cho học sinh nghỉ học, vì lo giá lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Tại huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), nhiều học sinh phải mang theo chăn ấm lên lớp, trùm vào người để ngồi học bài. Việc học của các em gặp rất nhiều khó khăn.

img

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, nhiều em học sinh ở xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đến lớp ngồi học đã phải mang theo chăn ấm cuốn lên người.  Ảnh:  Vì Văn Định

Theo ông Cầm Bun Păn -Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La - cho biết: Trong đợt rét vừa qua, ngay tại huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã có 7 con trâu, bò bị chết rét. Số liệu thiệt hại đến hôm nay tuy chưa tăng lên nhưng với nền nhiệt độ giảm mạnh như thế này, tất yếu sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp.

Với những hộ làm rau sạch, hoa tươi tại các địa bàn: Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La)… thì đợt rét này đang đe dọa “đập vỡ nồi cơm tết”. Anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ 3ha hoa hồng tại xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La) nhăn nhó: “Tôi đã tính và bấm hoa cho lứa tết trên tất cả diện tích vườn hoa của gia đình. Làm hoa tết tức là chấp nhận 2 tháng không có thu nhập thường xuyên. Nhưng đợt này rét quá và kéo dài dai dẳng nên nhiều khả năng hoa hồng của tôi phải tới rằm tháng Giêng mới nở. Lúc ấy ai mua hoa nữa…”.

img

Còn với các hộ làm rau xanh ở xã Mường Bon (Mai Sơn, Sơn La) thì đợt sương lạnh này làm họ khốn đốn. “Để rau chống rét tốt, chúng tôi phải bón nhiều phân hơn cho cây rau khỏe. Sáng ngày ra, trong cái lạnh cắt thịt, mọi người co ro trong chăn chống rét thì chúng tôi phải đi bơm nước tưới cho rau để phòng sương muối. Vậy mà rau vẫn héo rũ ra…” - bà Loan (chủ hộ rau xanh ở đầu bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon) bảo vậy.

Làm hoa tết tức là chấp nhận 2 tháng không có thu nhập thường xuyên. Nhưng đợt này rét quá và kéo dài dai dẳng nên nhiều khả năng hoa hồng của tôi phải tới rằm tháng Giêng mới nở. Lúc ấy ai mua hoa nữa…”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ 3ha hoa hồng tại xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La)

Đã 3 ngày hôm nay, anh Lò Văn Nghĩ - chủ hộ chăn nuôi hơn chục con trâu, bò ở bản Xẳng (TP.Sơn La) suốt ngày loay hoay quanh khu chuồng bò để chăm sóc đám “đầu cơ nghiệp”. Anh Nghĩ tâm sự: “Ngay từ đầu đợt rét, tôi đã phải đầu tư hơn chục triệu đồng để tu sửa chuồng trại và mua củi, thức ăn tinh cho 12 con bò này. Mấy hôm vừa rồi lạnh quá, tôi phải lùa hết bò vào chuồng, nuôi nhốt. Hằng ngày phải thái chuối, cỏ voi, trộn cám cho bò ăn no. Tôi đốt lửa sưởi cho bò 24/24 giờ và đun nước ấm cho bò uống để phòng các bệnh cước chân, viêm phổi… Bản Xẳng quê tôi luôn là nơi cái lạnh đến sớm, lạnh sâu nhất và dài ngày nhất so với các vùng lân cận…”.

Cũng theo anh Nghĩ, so với nông dân làm nghề trồng trọt, người làm nghề chăn nuôi có thể phòng chống thiệt hại do giá rét gây ra cho vật nuôi tốt hơn nếu chuẩn bị chu đáo. “7 năm nay, tôi phải dành đất ra để có chuồng trại nuôi nhốt gia súc mỗi khi giá lạnh tới; phải đầu tư bạt, củi, thức ăn và vợ chồng tôi phải thay nhau trực đốt sưởi, theo dõi sức khỏe trâu, bò. Cứ mỗi mùa đông về, nông dân chúng tôi khốn khổ lắm. Mấy năm trước từng có đợt lạnh giá, trâu, bò, gà, lợn… lăn ra chết hàng loạt vào đúng Tết Nguyên đán. Nhiều hộ đi gọi người ăn thịt gia súc giúp nhau còn khó, nói gì tới chuyện bán thịt để gỡ gạc. Vì thế, dù tốn kém thì cũng phải đầu tư cho việc phòng, chống rét thật cẩn thận”.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành NNPTNT Sơn La và các tỉnh Tây Bắc đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống với rét. Đặc biệt là trong sản xuất, nhắc nhở các hộ chăn nuôi không nên chăn thả trên rừng, phải lùa trâu, bò về nhốt tại chuồng, củng cố chuồng trại, che chắn, giữ ấm cho đàn vật nuôi. Đồng thời, vận động nhân dân phòng chống rét cho cây cối, hoa màu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem