Gia tăng nạn bạo hành trẻ em

Chủ nhật, ngày 26/09/2010 10:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm vụ giết trẻ em, hàng nghìn vụ xâm hại tình dục, bắt cóc buôn bán trẻ em mỗi năm... Đó là những con số hãi hùng được đưa ra tại "Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em" diễn ra ngày 24-9, tại Hà Nội.
Bình luận 0
img
Bé Hào Anh (Cà Mau) bị vợ chồng chủ đầm tôm hành hạ dã man

Người thân vô cảm

Con số thống kê của Bộ Công an về những vụ trẻ em bị xâm hại, đánh đập mỗi năm một nhiều, trong đó gia tăng những trường hợp trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ chăm sóc lại có hành vi bạo lực, xâm hại. Riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành làm dư luận phẫn nộ.

Vụ cháu Hồng Anh mới 4 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị "cha hờ" đánh đập dã man; vụ cháu Hào Anh 14 tuổi bị vợ chồng chủ trại nuôi tôm Minh Đức ở Cà Mau hành hạ bằng các hình thức thời trung cổ: Dùng kìm bấm vào môi, bẻ răng, dùng bàn là nóng dí lên da thịt; vụ bắt cóc tống tiền không thành dẫn đến sát hại 2 trẻ ở Đăk Lăk và gần đây nhất là vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý mới 9 tháng tuổi (ở Lai Vung, Đồng Tháp) bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ, đánh đập dã man.

Theo điều tra của Bộ GD-ĐT, cứ 5.260 học sinh lại xảy ra một vụ đánh nhau; cứ 9 trường có 1 vụ đánh nhau; cứ 10.000 học sinh có 1 học sinh bị kỷ luật khiển trách về lỗi này và cứ 11.111 học sinh thì có 1 học sinh bị thôi học.

Ngoài ra, con số trẻ em bị xâm hại tình dục trong 1 năm đã bị cảnh báo lên tới 900 trẻ (năm 2010). Theo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH, vùng ĐBSCL có số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều nhất; địa phương có nhiều em bị xâm hại nhất là Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai, Đăk Lăk, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Đối tượng phạm tội là người gần gũi với nạn nhân chiếm 56,1% (trong đó, bố đẻ xâm hại con gái chiếm 0,6%, bố dượng với con riêng 1%).

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết: "Những dẫn chứng này là những hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy đồi đạo đức; là nỗi kinh hoàng và gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng khi nền kinh tế thị trường của nước ta càng phát triển, vì vậy cần sớm phải có hướng điều chỉnh".

Cần chiến lược dài hơi...

Một thực tế khác được các chuyên gia cảnh báo như những "quả bom tấn" trong các trường học, đó là bạo lực học đường. Tình trạng này trong thời gian gần đây đã bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng, gây thương tích nặng thậm chí tử vong, đối tượng đánh nhau có cả nam và nữ. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau. Các trường đã phải xử lý kỷ luật buộc thôi học có thời hạn 735 học sinh.

Tước quyền nuôi là giải pháp cuối cùng

 

img Vụ bé Như Ý bị chính mẹ đẻ hành hạ đang gây nhiều bức xúc. Có lẽ đây là lần hiếm hoi VN thực hiện việc tước quyền làm mẹ vì hành hạ con. Ở các nước đã có những quy định nếu cha mẹ cố tình có những hành vi ngược đãi gây nguy hiểm đối với trẻ, theo quy định thì sẽ bị tước quyền cha mẹ trong một thời gian ngắn hoặc là lâu dài tuỳ vào mức độ nghiêm trọng và sự hợp tác của cha mẹ. Tuy nhiên, đó là biện pháp cuối cùng… img

 Bà Lê Hồng Loan

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT biết: "Tình trạng này phần nhiều bắt nguồn từ những trang web đen, game, bạo lực không thể lường trước được. Nhiều gia đình tan nát, nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra. Trò chơi điện tử là một thế giới ảo, ở đó người chơi có thể làm tất cả những điều mình thích mà không bị trừng phạt. Nhưng khi cuộc chiến ở thế giới ảo trở thành cuộc chiến thật ngoài đời thì bi kịch lại là những kết thúc không lường trước".

Tuy nhiên, bàn về giải pháp để giảm bớt dẫn đến ngăn chặn triệt để tình trạng bạo lực học đường và xâm hại, bạo hành trẻ em, đại biểu từ các bộ ngành vẫn chưa đưa ra được biện pháp mang tính chất cụ thể, lâu dài và bền vững.

Bà Lê Thị Hồng Loan cho rằng: "Không nên quá chú trọng vào những dự án mang tính chất ngành dọc như về trẻ em lang thang, lao động trẻ em hay bạo lực gia đình, bạo lực học đường mà cần có những nỗ lực mang tính chất đồng bộ, xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em mang tính chất liên ngành. Nên có những chiến lược dài hơi kêu gọi được các ban ngành, các tổ chức xã hội, các tổ chức dân sự, gia đình, cộng đồng cùng tham gia vì bảo vệ trẻ em không phải trách nhiệm riêng của bất cứ bộ ngành nào".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem