Nghịch lý: Bán một con gà chỉ mua được... 2kg thức ăn chăn nuôi

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 12/08/2021 15:52 PM (GMT+7)
Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 9 lần kể từ cuối năm 2020 đến nay. Tìm giải pháp giảm phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng tốt nguồn nguyên liệu trong nước là bài toán đặt ra lúc này.
Bình luận 0

Giá thức ăn chăn nuôi tăng... 9 lần

Những ngày này, anh Hà Quang Đạo ở xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) như đang ngồi trên đống lửa vì việc tiêu thụ gà thịt đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 lại cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

"Có công ty đã tăng tới 9 lần kể từ cuối năm 2020 đến nay, với giá gà lông trắng như hiện nay ở các tỉnh phía Nam chỉ khoảng 10.000 đồng/kg thì bán 1 con gà mới mua được 2 kg thức ăn chăn nuôi vì giá thức ăn chăn nuôi có loại đã lên đến 12.000 - 13.000 đồng/kg" - anh Đạo than thở.

Với giá gà lông màu chỉ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay, trong khi giá thức ăn chăn nuôi cứ tiếp tục tăng, anh Đạo cho biết, cứ 1.000 con gà xuất chuồng, anh thua lỗ vài chục triệu đồng.

Tại Hội thảo Giải pháp bổ sung nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam do Văn phòng Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức CropLife Châu Á (CLA) đồng phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức sáng 12/8 bằng hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu một nghịch lý, mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài.

Nếu như năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là 6,862 tỷ USD thì trong năm 2020 đã tăng lên 7,162 tỷ USD, với lượng trên 20 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã là 3,903 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái" - ông Sơn nêu một con số đáng suy ngẫm. 

Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến lượng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta lớn như vậy và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5 -5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 26-27 triệu tấn các loại. 

"Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gia tăng, thì giá thành sản xuất và giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm lập tức tăng theo. Từ đó dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại" - ông Sơn nói. 

Hiện, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 9 lần, người chăn nuôi gặp khó. Trong ảnh: Nông dân Nam Định chăm sóc heo tại trang trại. Ảnh: Mai Chiến.

Trong khi đó, theo bà Đinh Thị Thúy Phương – Phó Vụ trưởng, Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, năm 2020 giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 3,75%.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng là 36,6% (số sơ bộ) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được đưa ra của việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm.

Bổ sung thêm nguồn nguyên liệu, giảm giá thức ăn chăn nuôi

Có thể thấy, nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. 

Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần khoảng 28- 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15,0 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm. 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng... 9 lần, bán một con gà mua được 2kg cám - Ảnh 2.

Các diễn giả tham gia Hội thảo Giải pháp bổ sung nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam do Văn phòng Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức CropLife Châu Á (CLA) đồng phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức. Ảnh: CLA.

Trước tình trạng đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. 

Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao nhằm bổ sung thêm nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để đáp ứng được nhu cầu và hạ giá thành sản xuất trong nước.

Tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm các ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước, như: ngành thủy hải sản, ngành công nghiệp chế biến… 

Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cần tối đa hóa nguồn phụ phẩm nông nghiệp, nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Đại diện Hội đồng Ngũ cốc Mỹ cho rằng, những nước đang cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi trên thế giới bao gồm năng lượng (ngô) và protein (đậu tương) cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng biến đổi gen. 

Trên thị trường thế giới, không phân biệt đó là ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống biến đổi gen, nếu được phân loại cùng phẩm cấp (thường dựa vào nước sản xuất, độ ẩm, tỷ trọng của hạt) thì sẽ được xem là như nhau trong quá trình vận chuyển, thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 Hiện tại, ngô biến đổi gen đang chiếm tỷ lệ lớn và đóng góp khoảng 75% nguồn cung trên toàn cầu.  

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhận định, hiện tại năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn, do đó, việc đưa vào sản xuất các giống ngô biến đổi gen với năng suất cao và khả năng chống chịu tốt hơn đồng thời mở rộng diện tích canh tác ngô sẽ là các giải pháp cơ bản để tăng sản lượng ngô sản xuất trong nước. 

"Thống kê cho thấy ngô biến đổi gen đã giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống. Như vậy nếu mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô này, tiềm năng bổ sung thêm nguồn cung ngô hạt trong chuỗi thức ăn chăn nuôi càng lớn", ông Định nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem