Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, tìm nguyên liệu nội thay hàng ngoại

Hải Đăng - Trang Phương Thứ sáu, ngày 03/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Để giải bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cần tối đa hóa nguồn nguyên vật liệu trong nước, dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu để giảm giá thành và tận dụng tốt nguồn cung ứng từ địa phương.
Bình luận 0

Việt Nam cần khoảng 28 - 30 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đánh giá, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5 - 6%/năm. 

Trong đó, ngành gia cầm có sự tăng trưởng nhanh nhất, đạt bình quân 7 - 8%/năm về đầu con và 11 - 12% về sản lượng thịt, trứng. 

Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở Việt Nam cũng bứt phá ngoạn mục, đạt bình quân 13 - 15%/năm. 

Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng TĂCN công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Sơn lại tỏ ra rất lo ngại khi ngành TĂCN công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu TĂCN trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Năm 2020 giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 3,75% và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng là 36,6% (số sơ bộ) so với cùng kỳ năm trước. 

Nguyên nhân chính được đưa ra của việc tăng giá TĂCN thời gian qua là do nguồn cung nguyên TĂCN trên thế giới giảm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm.

gop/ Giải bài toán nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Nguyên liệu nội thay hàng ngoại - Ảnh 1.

Nhờ tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn đã giúp cho Công ty TNHH Anh Nguyên ở Bắc Hà (Lào Cai) giảm giá thành chăn nuôi. Ảnh: Hải Đăng

Bộ NNPTNT đang xây dựng dự thảo chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng phát huy lợi thế vùng miền, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.

Theo dự báo của VIPA, nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sẽ cần khoảng 28 - 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12 - 13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 -12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu TĂCN (14,5 - 15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

Cần áp dụng công nghệ vào sản xuất thức ăn chăn nuôi

Hiến kế giúp giảm chi phí nhập khẩu TĂCN, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Việt Nam nên thực hiện bằng các biện pháp phát triển cảng biển nước sâu, hệ thống logistics... 

Đồng thời, tăng cường sản xuất TĂCN ở trong nước; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như bột cá, bã bia, rơm rạ... để làm thức ăn chăn nuôi.

gop/ Giải bài toán nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Nguyên liệu nội thay hàng ngoại - Ảnh 3.

Cùng quan điểm đó, Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn góp ý các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước cần tối đa hóa nguồn nguyên vật liệu trong nước, dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu để giảm giá thành và tận dụng tốt nguồn cung ứng từ địa phương. 

Bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước.

Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm nguyên liệu TĂCN có năng suất và sản lượng cao nhằm bổ sung thêm nguồn cung nguyên liệu TĂCN để đáp ứng được nhu cầu, đồng thời hạ giá thành sản xuất trong nước.

Ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Hiện tại, năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn, do đó, việc đưa vào sản xuất các giống ngô biến đổi gen (BĐG) với năng suất cao và khả năng chống chịu tốt hơn đồng thời mở rộng diện tích canh tác ngô sẽ là các giải pháp cơ bản để tăng sản lượng ngô.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, việc canh tác ngô BĐG đã giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống.

Như vậy nếu mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô này, tiềm năng bổ sung thêm nguồn cung ngô hạt trong chuỗi TĂCN càng lớn. Bên cạnh đó, ngô BĐG cũng đang giúp nâng cao thu nhập ở cấp độ nông hộ từ 3.75 - 6.65 triệu đồng/ha.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem