Giá tiêu liên tục giằng co, rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu rất cao, ẩn số từ thị trường Trung Quốc

Nguyễn Phương Thứ bảy, ngày 15/06/2024 18:00 PM (GMT+7)
Giá tiêu cao như hiện nay có lợi cho nông dân nhưng rất khó cho DN thu mua vì người dân chủ động găm hàng,, còn nhà nhập khẩu chưa chấp nhận điều chỉnh giá hợp đồng nhiều. Điều này tạo ra sự giằng co trên thị trường và rủi ro rất cao cho các DN xuất khẩu tiêu khi thị trường Trung Quốc vẫn là một ẩn số.
Bình luận 0

Tiêu lại giảm 'sốc', điều gì đang xảy ra với thị trường?

Thị trường giá tiêu trong nước hôm nay 15/6 lại giảm mạnh từ 9.000 - 11.000 đồng/kg tại các vùng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Giá tiêu trong nước-được cập nhật mới nhất-trung bình hiện nay ở quanh mốc 156.400 đồng/kg, giá mua cao nhất tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai là 157.000 đồng/kg.

Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát)Giá thu mua (Đơn vị: VNĐ/kg)Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: VNĐ/kg)
Đắk Lắk157,000-11,000
Gia Lai155,000-10,000
Đắk Nông157,000-11,000
Bà Rịa - Vũng Tàu157,000-9,000
Bình Phước156,000-11,000
Đồng Nai157,000-9,000

Theo đó, giá tiêu Đắk Lắk thu mua ở mức 157.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg, Chư Sê (Gia Lai) được thu mua ở mức 155.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với ngày hôm qua, giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức giá cao nhất 157.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam bộ giá tiêu hôm nay giảm 9.000 - 11.000 đồng/kg. Theo đó, tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu giá tiêu giảm 9.000 đồng/kg xuống mức 157.000 đồng/kg, Đồng Nai giảm 9.000 đồng/kg lên mức 157.000 đồng/kg và khu vực Bình Phước ở mức 156.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.

Giá tiêu liên tục giằng co, rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu rất cao, ẩn số từ thị trường Trung Quốc- Ảnh 1.

Thị trường giá tiêu trong nước hôm nay 15/6 lại giảm mạnh từ 9.000 - 11.000 đồng/kg tại các vùng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua.

Cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), thời điểm này, giá tiêu Indonesia giữ ổn định so với ngày hôm qua; giá tiêu Brazil cũng không thay đổi, trong khi đó, tiêu Malaysia tiếp tục chững giá. Giá tiêu Việt Nam niêm yết hôm nay ổn định sau khi tăng rất mạnh trước đó.

Giá tiêu đen Lampung tại Indonesia ở mức 6.418 USD/tấn.

Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.900 USD/tấn.

Giá tiêu đen Kuching tại Malaysia ASTA ổn định ở mức 4.900 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok Indonesia loanh quanh ở mức 8.377 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.

Giá tiêu Việt Nam niêm yết hôm nay ổn định sau khi đã tăng rất mạnh. Trong đó, giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l hôm nay được giao dịch ở mức 7.800 USD/tấn; với loại 550 g/l giao dịch ở mức 8.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA giao dịch ở mức 12.000 USD/tấn.

Như vậy, giá tiêu của Việt Nam trên thị trường quốc tế đạt mức cao kỷ lục nhiều năm.

Chỉ trong vài ngày trở lại đây, giá tiêu trong nước đã liên tục giảm và tăng mạnh đột ngột. Đây là hệ quả từ tình trạng đầu cơ “quá nóng”. Đồng thời, việc giá tiêu tăng cao có thể kích hoạt một bộ phận người trồng tiêu, đại lý xả bán tiêu tồn trữ từ các niên vụ khác ra thị trường.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai), cho biết giá tiêu tăng rất nhanh gần đây là kết quả của yếu tố đầu cơ. Hiện tại, với sự tăng giá trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu nội địa vẫn thấp hơn, do đó nhiều đại lý nhỏ lẻ đang tận dụng cơ hội này để găm giữ hàng và đẩy giá tiêu lên.

Sự khan hiếm về nguồn cung cùng với nhu cầu thị trường gia tăng đã thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trở lại. Một số đại lý và người dân trồng tiêu cho rằng việc Trung Quốc tái xuất hiện trên thị trường mua hàng cũng là một yếu tố đẩy giá tiêu tăng mạnh mẽ.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu sang Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5 với 3.137 tấn, tăng 381,9% so với tháng 4, nhưng giảm 69,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc chỉ đạt 4.871 tấn, giảm 89,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VPSA, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong những tháng đầu năm vẫn ở mức thấp do tồn kho từ năm trước vẫn còn. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tham gia mạnh vào thị trường, bắt đầu bằng việc nhập khẩu tiêu trắng và sau đó là tiêu đen thời gian này và tới đây.

Mặc dù vậy bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA lưu ý rằng thị trường Trung Quốc vẫn mới chỉ bắt đầu tham gia lại và chưa mua hàng một cách ồ ạt. Khả năng cao là cả người dân trồng tiêu cũng tham gia vào đầu cơ nhân cơ hội Trung Quốc để ý mua tiêu nhiều hơn.

Doanh nghiệp đối mặt với rủi ro về uy tín và đơn hàng...

Trước đó, trong cả tháng 4 giá tiêu đã tăng 3 – 6% so với tháng 3. Đà tăng giá tiêu tiếp tục kéo dài sang tháng 5 và thiết lập các mức đỉnh mới ở tháng 6 này.

Một trong những nguyên chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua được cho là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới. Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng.

Thời điểm hiện tại, điều kiện thời tiết ở khu vực Tây Nguyên vẫn rất đáng lo ngại với nhiệt độ cao kết hợp với hạn hán. Tác động này không chỉ đối với vụ mùa hiện tại nhưng còn ảnh hưởng đến các vụ mùa tiêu trong tương lai. Giống như cà phê, cây tiêu cần nhiều nước và không phải là cây chịu hạn tốt. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đã quay trở lại mua hàng như đã phân tích ở trên cũng tác động tích cực đến thị trường, dù số lượng giao dịch chưa nhiều. Trong khi đó, lượng nguyên liệu bán ra trên thị trường vẫn ở mức thấp do người trồng tiêu kỳ vọng giá sẽ còn tăng tiếp.

Giá tiêu liên tục giằng co, rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu rất cao, ẩn số từ thị trường Trung Quốc- Ảnh 2.

Năm nay, mới trải qua 5 tháng đầu năm nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 493,1 triệu USD.

Năm nay, mới trải qua 5 tháng đầu năm nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 493,1 triệu USD. Với việc giá được dự báo sẽ tiếp tục tăng, ngành hàng gia vị này được kỳ vọng sẽ cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Dù Trung Quốc giảm mua mạnh, nhưng nhờ nguồn cung thấp và đa dạng thị trường xuất khẩu giúp hồ tiêu Việt sáng cửa đạt được mục tiêu trên. 

Hiện nguồn cung lớn từ Việt Nam và Brazil đều giảm vì ảnh hưởng bởi El Nino khiến giá tiêu tăng cao. Thị trường tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng đang có những điều chỉnh lớn, xuất hiện các thị trường mới, trong đó nổi lên là Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường hồ tiêu thế giới đã xuất hiện tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm 2024. Ngoài nhu cầu tiêu thụ tăng thì việc giá hạt tiêu duy trì ở mức cao cũng sẽ tác động tích cực lên ngành hạt tiêu nước ta. Cục Xuất nhập khẩu dự báo các tháng còn lại quý II và III/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu tăng trở lại từ các thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ.

Theo VPSA, Olam Việt Nam là doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với khối lượng đạt 8.359 tấn, so cùng kỳ tăng 55,1% và chiếm 10,1% thị phần xuất khẩu. Tiếp theo là các doanh nghiệp Nedspice Việt Nam: 7.091 tấn, tăng 25,7%; Trân Châu: 6.085 tấn, giảm 15,1%; Liên Thành: 5.321 tấn, tăng76,1% và Haprosimex JSC: 5.318 tấn, tăng 24,0%.

Khối các doanh nghiệp trong VPSA chiếm 89,3% tổng khối lượng xuất khẩu và tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội xuất khẩu giảm mạnh 80,1%. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu trong 4 tháng đầu năm bao gồm: Nedspice Việt Nam: 1.564 tấn, Olam Việt Nam: 1.383 tấn, Phúc Sinh: 766 tấn, Liên Thành: 676 tấn và Trân Châu: 582 tấn.

Giá tiêu trong nước hiện đã tăng lên mức 157.000 đồng/kg nhưng nhiều người vẫn chưa chịu bán. Theo đại diện của một doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, năm nay, người trồng tiêu không ồ ạt bán ra như những năm trước do có sự hỗ trợ giá của một số loại nông sản khác như sầu riêng, cà phê tăng cao. 

Nhiều người sẵn sàng trữ đến 2 – 3 năm vì có nguồn thu nhập khác. Thậm chí có người nói rằng nếu giá tiêu xuống thấp thì sẽ không trồng nữa mà trồng các loại cây khác như sầu riêng, cà phê để có giá cao hơn. Chính vì vậy doanh nghiệp hiện nay thu mua hồ tiêu rất khó khăn, nên DN tạm thời chưa dám ký nhiều hợp đồng mới.

Về phía Hiệp hội, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết: “Giá tiêu cao như hiện nay rất có lợi bà con nông dân nhưng cũng rất khó khăn cho DN thu mua vì người dân chủ động găm hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng trên thế giới cũng chưa chấp nhận việc tăng giá quá nhanh nên vẫn không đồng ý điều chỉnh giá hợp đồng nhiều. Chính vì vậy tạo nên sự giằng co trên thị trường và rủi ro rất cao cho các DN xuất khẩu tiêu”.

Theo bà Liên, bối cảnh hiện nay, với các doanh nghiệp, việc điều chỉnh giá nhập vào và giá bán ra là cực kỳ quan trọng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá hồ tiêu nội địa tăng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá xuất khẩu tương ứng. Nếu không, DN sẽ phải đối mặt với rủi ro về uy tín và đơn hàng.

Do đó, các chuyên gia ngành hàng đánh giá việc giá tiêu điều chỉnh giảm là điều cần thiết để “cân bằng” lại thị trường. Tuy nhiên, mặt bằng giá khó có thể giảm sâu khi giá tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới trong bối cảnh nguồn cung tiêu trên toàn cầu xuống thấp nhưng nhu cầu đang tăng trở lại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem