Thầy cô cố, bố mẹ cố, anh chị em cũng cố, rồi kiệt sức, không ít người đành gạt nước mắt chia tay bục giảng về với ruộng nương...
Người thầy đầu tiên
Sinh năm 1985, Phùng Văn Khình là con út của gia đình người Nùng có 5 con ở bản Cốc Thốc, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Những anh chị của Khình không được đi học, đến Khình thì nhà đã khá hơn, lớp học cắm bản lại mở ngay giáp nhà. Cứ rảnh một chút là cậu bé Khình lại nhảy rào sang lớp, lén nhìn qua vách nứa của cái lớp tạm ấy.
|
Anh cựu giáo khổ Phùng Văn Khình đã quen dần với việc nhà, việc đồng. |
Thấy anh chị học đã là "oai", nhưng oai nhất phải là thầy giáo. Thầy giáo mặc áo trắng gài trong quần, đứng giảng bài trang nghiêm. Khình lại thấy thầy đứng nói chuyện với các cụ già trong bản, thầy còn trẻ nhưng ai cũng kính trọng. Rồi Khình được đi học, thầy giáo bảo cố học thì sau cũng được làm thầy giáo. Cậu bé nghèo học một lèo hết tiểu học, rồi cơm đùm, cơm nắm về xã học THCS.
Một cái đùng. Ngày Khình được vào THPT, học tận huyện, cả nhà mừng, bố mẹ nở mặt với mọi người. Khình là người đầu tiên của bản học hết lớp 12, các anh chị dạy con: "Cố học để giống như chú Khình". Khình được tuyển đi học sư phạm, nhận giấy báo nhập học của con, không đọc được mà ông bố cứ cầm giơ lên xem mãi. Rồi ông mổ lợn liên hoan, cả xóm vui, Cốc Thốc có người được làm thầy giáo.
Tốt nghiệp trường sư phạm, thầy giáo trẻ Phùng Văn Khình đã thực hiện được ước mơ từ tấm bé, bố mẹ cũng đã già và yếu. Tấm bằng loại khá của thầy Khình không đưa thầy lọt vào làm giáo viên chính thức, đành bằng lòng với bản hợp đồng "trắng", trường tận xã Khánh Xuân, cách nhà 60km đường núi. Mỗi tuần về nhà, thầy vẫn phải xin bố mẹ thêm 200-300 nghìn đồng nuôi cái nghề làm thầy.
Rồi bố ngã bệnh và mất, mẹ yếu. Các anh chị xúm cam kết chia sẻ… miếng ăn của các cháu, giúp đỡ cậu em… làm thầy. Mất mấy đêm thức trắng, người thầy đầu tiên của bản Cốc Thốc quyết định chia tay với nghề giáo để về làm ruộng, thực hiện đạo làm con với mẹ già.
Chúng tôi gặp thầy Khình ở Cốc Thốc với cương vị mới là Bí thư chi bộ thôn. Anh Bí thư trẻ nói chuyện vẫn cứ như… nhà giáo. Hỏi anh có bao giờ nghĩ đến việc quay lại làm nghề, mắt anh nhìn lên trần nhà, đỏ hoe mãi rồi cũng nói: "Muốn cũng đâu có được, khó như bắc thang lên trời".
Đêm mơ… soạn giáo án
Giữ kỷ lục bám nghề lâu nhất ở hạng mục giáo viên hợp đồng trắng là thầy Lương Văn Thiên. Thầy Thiên có bố cũng là giáo viên. Ông làm giáo viên ở Bảo Lạc từ những năm 80 thế kỷ trước. Ngày ấy con đường độc đạo từ Cao Bằng đi Bảo Lạc 120km phải mất cả ngày trời, còn về các xã chỉ có cách đi ngựa hay đi bộ.
Năm 2004, thầy Thiên tốt nghiệp trường sư phạm, được nhận vào làm (dù chỉ là hợp đồng) cũng khiến cả nhà mừng. Ngày đi nhận lớp ở bản Cốc Thốc, đến nay thầy Thiên vẫn nhớ như in: Ngày 27.9.2004. Điểm trường chỉ có 2 giáo viên, lớp học, phòng ở đều chỉ bằng vách nứa che tạm. Làm giáo viên cắm bản, cuối tuần lại đi bộ về nhà xin gạo ăn.
Chặng đường làm giáo viên 8 năm, thầy Thiên qua 7 điểm trường ở 5 xã, đều là những điểm khó khăn, đường phần lớn là đi bộ. Năm nào cũng cố, năm nào cũng hy vọng. Năm 2009 bố thầy Thiên ốm nặng, ốm mãi. Gia đình bắt đầu kiệt, còn thầy thấm thoắt cũng đã "tam thập". Giữa năm 2011, thầy Thiên quyết định nghỉ dạy.
Ông Trương Minh So - Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) nói: "Bất công quá đi chứ, tôi cũng có mấy đứa cháu bị như thế… Chúng tốt nghiệp sư phạm loại trung bình, trung bình khá, không được tuyển cứ khóc. Họp HĐND tỉnh, tôi cũng kiến nghị nhiều lần là phải thành lập hội đồng thi tuyển.
Chặng đường bôn ba khắp núi rừng dạy học 8 năm trời chỉ cho thầy một gia tài là "cái tuổi hơi lơn lớn", về nhà làm ngô, làm lúa "ngượng ngượng tay". Khổ nhất là đêm, đã 1 năm rồi mà ngủ vẫn mơ thấy đang soạn bài, choàng dậy, ngồi đến sáng, nhớ đồng nghiệp, nhớ lớp, nhớ học trò... Trò chuyện với chúng tôi, anh chỉ mong cái nghiệp đưa đò "bớt ám ảnh để yên thân lấy vợ, làm ruộng".
Không hiểu ngành giáo dục Cao Bằng có biết rằng họ nợ những thầy Khình, thầy Thiên... khi những giáo viên ấy chỉ nhận được mức lương bằng 1/3-1/4 so với những đồng nghiệp khác. Còn tuổi xuân và tương lai mất đi của họ nữa. Nếu "nợ", bao giờ ngành giáo dục sẽ "trả" và trả bằng cách gì?
Chia tay thầy Thiên, chúng tôi nhận thêm thông tin không vui: Giữa tháng 4.2012, một cô giáo mầm non hợp đồng "trắng" ở xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc cũng vừa chia tay lũ trẻ, bỏ nghề về quê ở huyện Hòa An (Cao Bằng). Lý do không có gì mới: Lương thấp, mẹ ốm.
Xuân Trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.