Trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh, vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn lúc 09 giờ 49 mua vào 37,35 triệu đồng/lượng, bán ra 37,42 triệu đồng/lượng. Vàng miếng hiệu SBJ của hệ thống Sacombank cũng được điều chỉnh tăng lên 37,35 – 37,41 triệu đồng/lượng.
|
Vàng thế giới liên tiếp phá đỉnh cũ để lập mức cao mới |
Tại Hà Nội, vàng miếng hiệu rồng Thăng Long của công ty Bảo Tín Minh Châu và vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý lúc 10 giờ niêm yết cùng mức giá: mua vào 37,34 triệu đồng/lượng, bán ra 37,44 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày hôm qua, giá vàng trong nước hiện tăng khoảng 70.000 đồng/lượng.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (20.4) là 20,728, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20,915 – 20,935 (mua vào – bán ra).
Giá vàng thế giới đêm qua đã chạm mức 1.500 USD/Oz lần đầu tiên trong lịch sử, trong bối cảnh tình trạng khủng hoảng nợ công của các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu ngày càng diễn biến phức tạp và lạm phát đang trở thành mối đe dọa của thị trường tài chính toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch đêm 19.4 tại Mỹ, giá vàng giao sau tháng 6 tăng 4,3USD lên 1.497,2 USD/Oz, trước đó, giá này từng chạm mức kỷ lục mới: 1.500,5 USD/Oz. Giá vàng giao ngay tăng 1 USD lên 1.497,5 USD/Oz.
Thị trường kim loại quý tiếp tục “nóng” chỉ một ngày sau khi chính phủ Mỹ bị hạ hạn mức tín dụng do thâm hụt ngân sách khổng lồ, dự đoán lên tới 1,5 nghìn tỷ USD trong năm nay. Châu Âu cũng đang chìm trong khủng hoảng nợ, còn Trung Quốc lần lượt nâng lãi suất cho vay và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Sau phiên phục hồi ngắn ngủi ngày 18.4, đồng USD cũng giảm trở lại. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với sáu loại tiền tệ khác đã giảm từ 75,504 xuống 75,078. Xét trên các yếu tố kỹ thuật lẫn cơ bản hiện tại, sự suy yếu của đồng bạc xanh đã mang tính hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng.
Thúy Yên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.