Giá vé CK AFF Cup 2018 chợ đen "nhảy múa" gấp 10-20 lần trên MXH

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 14/12/2018 14:22 PM (GMT+7)
Hôm nay (14.12), chỉ còn 1 ngày nữa là đến trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Hiện tại, "thị trường" mua bán vé xem trận Việt Nam - Malaysia đang rất sôi động, đặc biệt là giá vé online qua các trang mạng xã hội liên tục “nhảy múa” cao gấp 10-15 lần, thậm chí là 20 lần giá bán AFF niêm yết.
Bình luận 0

Câu chuyện vé bóng đá vẫn đang "sôi sùng sục", đây là thời điểm mọi người săn đón, chào mua và "nhượng" lại vé kịch tính không khác gì trận chung kết lượt đi, đặc biệt, là tình trạng mua bán, chuyển nhượng trên mạng xã hội.

Giá vé cao gấp 10-20 lần

Chỉ cần gõ lên thanh công cụ tiềm kiếm của Facebook hoặc Zalo "vé chung kết aff cup 2018" là hàng loạt địa chỉ thông tin về vé hiện ra như "Vé Chung kết AFF 2018", "Chợ Vé Bóng Đá Việt Nam", "Sang nhượng vé bóng đá"..., thậm chí có cả trang "Hội phe vé Bóng đá Việt Nam" được lập và có hàng nghìn người tham gia.

img

Đủ các khán đài trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 được chào mời trên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của PV, việc mua bán trên các trang mạng này rất sôi nổi, cập nhật từng giây, từng phút. Giá vé cũng "nhảy múa", song biên độ chênh lệch giá khá cao, cùng một mệnh giá vé nhưng 2 người khác nhau có thể chào bán chênh nhau tới vài triệu đồng.

Cụ thể, tài khoản Facebook T.N chào bán nhiều loại vé ở tất cả các khán đài. Theo đó, khán đài mệnh C, D được VFF bán 200.000-350.000 đồng được chào giá với giá 9 triệu đồng; giá khán đài A, B trên cao có giá 12 triệu đồng trong khi giá AFF bán chỉ 500.000-600.000 đồng; khán đài A, B bên dưới có giá tới 14 triệu đồng.

Liên hệ với T.N theo số điện thoại 0345xxxxxx thì được biết T.N chỉ là người "phân phối" vé. T.N nói: "Anh để em check xem còn không rồi em sẽ báo lại". Sau đó, T.N gọi điện lại và cho biết còn vé và nói: "Anh chuyển khoản trước cho em 3 triệu, em ship vé đến cho anh...".

PV tiếp tục liên hệ với số điện thoại 03339xxx978 và được người này thông báo "đã hết vé". Trước đó, người này đăng tải trên Facebook có 8 cặp vé A, B mệnh giá 8xxx/cặp và C, D 6xxx/cặp, đồng thời không quên kèm theo lời chào hấp dẫn "view đẹp nhé", "không ai bán dưới 9 triệu như em đâu".

Đặc biệt, một tài khoản tên T đã chào bán nhiều loại vé ở tất cả vị trí trên các khán đài. Trong đó, một cặp khán đài A (VIP) được T chào bán 25 triệu đồng; các khán đài còn lại với mệnh giá 200.000 đồng được chào bán với giá 8 triệu/cặp, vé có mệnh giá 350.000 đồng được chào bán giá 12 triệu/cặp, còn vé có mệnh giá 500.000 đồng được chào bán giá 15 triệu/cặp, vé 600.000 đồng được chào bán 18 triệu/cặp.

Cảnh giác với giá vé giả

Phương thức bán hàng phổ biến được ghi nhận đến thời điểm này là người bán nhận là "người của VFF" hoặc "có người thân làm ở VFF", "người thân của những người nổi tiếng" nên được tặng vé mời hoặc ưu tiên được mua với số lượng vé lớn, đủ các mệnh giá. Thậm chí nhiều người cho rằng: "Mình mua được cặp vé... cần nhượng hoặc share với ai có nhu cầu", "Đúng hôm bận đi công tác nên cần bán gấp"..., tất cả đều đưa ra mức giá hấp dẫn.

"Mình vừa được bưu điện chuyển đến 1 cặp vé trận chung kết aff cup 2018 sau khi đặt thành công trên mạng, do mình bận nên chuyển lại cho bạn, nếu bạn cần, giá rẻ thôi, cặp 500k (500 nghìn đồng) giá 10 triệu 900 nghìn. Nếu bạn đồng ý chuyển khoản trước cho mình 2 triệu coi như "đặt gạch", sau đó bạn đến nhà mình theo địa chỉ... mình nhận đủ tiền bạn sẽ có vé", tài khoản tên Q.A cho biết. Trước thắc mắc liệu có bị lừa, Q.A thậm chí còn cho cả địa chỉ nhà và nhiều "bằng chứng" khác để chúng tôi đến xác nhận.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, nhiều tài khoản Facebook cá nhân mới - vừa được lập cách đây ít giờ chỉ dùng để đăng và "quăng" lên các hội nhóm cộng đồng trao đổi vé trận chung kết lượt về giữa Việt Nam và Malaysia với thông tin giá vé hấp dẫn.

Mới đây, chị D.P (trú tại phố Đào Tấn, Hà Nội), người chia sẻ lên mạng xã hội clip về 2 thanh niên bán vé giả cho biết, sau khi ban tổ chức chính thức bán vé trận Chung kết lượt về giải AFF Cup 2018 (ngày 10.12), gia đình chị đã đặt mua trên mạng 13 cặp vé (26 chiếc) với giá bán là 7 triệu đồng/cặp ở khán đài VIP B. Tổng số tiền phải trả cho 13 cặp vé là 91 triệu đồng.

img

Số vé giả sau khi chị D.P mua qua mạng xã hội. Ảnh. NVCC

Sau khi chuyển khoản xong, chị D.P có yêu cầu người bán phải chuyển vé ngay trong ngày. Tuy nhiên, tài khoản Dung Vũ (người bán) liên tục trễ hẹn, thậm chí gọi điện không nghe máy. "Mình biết là đã bị lừa, nên tối hôm 12.12, mình có nhắn tin cho người bán, yêu cầu giao đủ số vé đã cam kết để nhận nốt số tiền còn lại. Sau đó, có 2 thanh niên đến chỗ hẹn giao cho mình đúng 13 cặp vé", chị D.P cho hay.

Sau khi cầm được 13 cặp vé trên tay, chị D.P kiểm tra và phát hiện toàn bộ 13 cặp vé hoàn toàn là giả. Đồng thời, hai thanh niên thành khẩn nhận lỗi, thừa nhận tài khoản Trang Vũ là tài khoản ảo và trả lại toàn bộ số tiền mà chị D.P đã chuyển khoản trước.

Được biết, trước đó, ở đợt bán vé trận bán kết giữa Việt Nam - Philippines, cũng xuất hiện vé giả. Các đối tượng in vé giả giống hệt vé thật rồi chào bán trên mạng.

5 cách phân biệt vé thật - giả

N.Q - một người hỗ trợ soát vé và kiểm tra vé thật vé giả tại VFF - chia sẻ trên trang các nhân của mình rằng có tới 5 cách phân biệt vé AFF Suzuki Cup 2018 thật - giả.

Theo anh Q, về cơ bản, vé giả được làm ra bằng cách in - photo từ vé thật. Đa số là vé photo của các khán đài A, B, C ,D. Riêng vé VIP (vé mời) Complimentary không photo nhiều được vì vé đó VFF không bán. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ có vé Complimentary giả, đa số là vé từ những năm trước, từ những trận trước hoặc đơn giản là vé mẫu sẽ có sẵn.

Để phân biệt vé thật giả, người hâm mộ cần chú ý những thông tin trên cả mặt trước và mặt sau của vé.

Cách thứ nhất, chữ FINAL ROUNDS đổi màu khi chúng ta nghiêng theo nhiều hướng và vé giả vì là in nên không thể làm cho dòng chữ đó có màu.

Cách phân biệt thứ hai là tem nhũ bạc chống giả được in liền mạch, dán chắc chắn, dọc theo vết đứt để xé cuống vé (trên đó nhìn kĩ sẽ thấy logo AFF), còn với vé giả sẽ in hình trái tim được dán hời hợt dễ bong tróc, dán bằng các hình linh tinh.

Cách thứ 3 là đường vạch màu - Pattern màu đây là hai dải màu có logo AFF được in rất tinh tế và sắc nét, còn với vé giả sẽ là hình photo nhạt nhòa và không rõ ràng.

Cách thứ tư để phân biệt vé giả tại mặt trước của vé đó là logo chìm, người hâm mộ phải giơ tấm vé lên ánh sáng mới có thấy được, vé giả thì không có.

Cách thứ năm là chỉ cần soi đèn tím lên mặt sau tấm vé sẽ thấy các vạch ngắn phát sáng nằm ngoằn nghèo trên vé (vạch này mắt thường sẽ chỉ thấy các vạch màu), nếu là vé giả sẽ không thể phát sáng được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem