Giá xăng dầu giảm... nhỏ giọt

Thứ năm, ngày 10/05/2012 06:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 22 giờ tối qua (9.5), giá bán lẻ xăng A92 đã giảm 500 đồng xuống còn 23.300 đồng/lít, dầu diesel cũng giảm 300 đồng. Thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 0% lên 3%. Nhiều chuyên gia cho rằng, như vậy là chưa thoả đáng, giảm nhỏ giọt...
Bình luận 0

Song hành cả tăng thuế, giảm giá

Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp chiều 9.5 giữa liên Bộ Tài chính - Công Thương với thường trực Chính phủ về một số nội dung liên quan đến giá xăng dầu. Tại cuộc họp này, liên Bộ đã trình ra 3 phương án.

Phương án thứ nhất là đưa thuế tăng trở lại, vì thuế nhập khẩu cả 4 mặt hàng xăng dầu đề đã đồng loạt hạ về 0% từ hôm 8.3. Phương án thứ hai là chỉ tập trung lãi để giảm mạnh giá bán lẻ đồng loạt cả 4 mặt hàng. Phương án thứ ba trung dung hơn, vừa tăng thuế nhập khẩu, vừa giảm giá bán lẻ. Và cuối cùng, phương án thứ 3 đã được chọn.

img
Các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn nên mức giảm 300-500 đồng/lít là chưa thỏa đáng (ảnh minh họa).

Như vậy, đây là lần giảm giá xăng dầu đầu tiên trong năm 2012 sau 2 lần tăng giá (ngày 7.3 và 20.4) với mức tăng lên tới 3.000 đồng/lít. Với việc đồng thời cả giảm giá và tăng thuế này, theo quan điểm của liên Bộ là để xử lý hài hòa lợi ích các bên, cả người tiêu dùng và nhà nước.

Còn theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính, quan điểm điều hành giá xăng dầu của Bộ tại thời điểm này là góp phần hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Giảm 1 nhưng tăng 3

Trước khi giá bán lẻ xăng dầu được giảm kể từ 22 giờ đêm qua 9.5 theo phân tích của giới chuyên môn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lãi 1.200 đồng - 1.300 đồng/lít. Cụ thể, nếu tính giá nhập khẩu và các khoản thuế, phí, chi phí kinh doanh, giá đầu vào của mặt hàng xăng A92 khoảng 22.200 đồng/lít. Như vậy, so với giá bán lẻ 23.800 đồng/lít, giá đầu vào thấp hơn khoảng 1.600 đồng/lít.

Chính vì vậy, trước thông tin giá xăng giảm 500 đồng/lít, giá dầu giảm 300 đồng dư luận tỏ ra bất bình vì mức giảm nhỏ giọt, thậm chí càng củng cố thêm nhận xét lâu nay của người tiêu dùng "giảm 1 phần tăng tới 3 phần" của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng đầu vào của hơn 80 loại hàng hóa. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn do giá đầu vào liên tục tăng cao trong khi hàng hóa tồn kho hầu như không bán được vì sức mua sụt giảm nghiêm trọng thì dư luận và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng nhiều hơn vào con số giảm "mà như không giảm" này.

“Quyết định giảm giá xăng dầu lần này gần như là "thắng lợi" từ sức ép của dư luận và người tiêu dùng sau khi đã tăng giá 900 đồng vào ngày 20.4 trong khi doanh nghiệp chỉ lỗ 500 đồng/lít và liên tục thời gian gần đây câu chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn là mối quan tâm rất lớn của dư luận”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Quyết định giảm giá xăng dầu này gần như là "thắng lợi" từ sức ép của dư luận và người tiêu dùng sau khi đã tăng giá 900 đồng vào ngày 20.4 trong khi doanh nghiệp chỉ lỗ 500 đồng/lít và liên tục thời gian gần đây câu chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn là mối quan tâm rất lớn của dư luận.

Bình luận việc giảm giá thời điểm này dù ít cũng là rất tốt, tuy nhiên, ông Phong cho rằng các cơ quan quản lý nên ưu tiên hơn đến quyền lợi người tiêu dùng. Giảm thu NSNN nhưng tăng niềm tin cho thị trường là điều cần làm hơn trong bối cảnh hiện nay.

Chính vì vậy, theo ông Phong nên lựa chọn phương án ưu tiên giảm giá nhiều hơn cho người tiêu dùng. Bởi thực tế cho thấy, doanh nghiệp sản xuất đang khốn đốn với 1 số giá mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng trong khi đó đầu ra lại không tăng được do sức mua "đóng băng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem