Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải lao đao: Quỹ bình ổn giá hoạt động có hiệu quả không?

Thế Anh Thứ năm, ngày 03/03/2022 11:29 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp vận tải "lao đao", Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị cần xem lại quỹ bình ổn giá hoạt động có hiệu quả hay không? Kể từ khi thành lập đã thu và chi bao nhiêu cho việc giữ bình ổn giá một cách công khai, minh bạch.
Bình luận 0

Giá xăng dầu tác động tới hoạt động kinh tế

Sau kỳ điều chỉnh giá xăng vào ngày 1/3, mỗi lít xăng E5 RON 92 có giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng), giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng.

Trong đó, dầu hoả là 19.970 đồng một lít, tăng 470 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 510 đồng. Dầu madut là 18.460 đồng một kg, tăng 530 đồng. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tác động rất lớn tới nền kinh tế, kéo theo đó là giá các mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, thực phẩm, đồ gia dụng.. tăng theo. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, trong đó có hoạt động vận tải hành khách, quyền lợi của khách hàng và tài xế của các hãng taxi, taxi công nghệ.

Giá xăng dầu tăng cao doanh nghiệp đề nghị xem lại quỹ bình ổn giá có hiệu quả? - Ảnh 1.

Anh Vũ Hoan, tài xế taxi công nghệ. Ảnh: Thế Anh

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Vũ Hoan, tài xế taxi công nghệ cho biết: "Giá xăng tăng cao khiến cho tài xế tốn thêm một khoản tiền, so với thời điểm giá xăng chưa tăng thì bây giờ khi đổ xăng tài xế phải bỏ thêm khoảng hơn 100.000đ mới đổ đầy bình. Như vậy, chúng tôi tốn thêm khoảng hơn 100.000 đồng cho chi phí xăng dầu, nhiên liệu".

"Nếu thời gian trước các tài xế còn có thể chạy xe "chay" đi lòng vòng trên các tuyến phố để đón khách dọc đường thì bây giờ, các xe đều phải tìm điểm đỗ để tiết kiệm tiền xăng, vì nếu chạy lòng vòng vừa tốn xăng mà tìm được khách cũng khó", anh Hoan nói.

Theo anh Hoan, hầu hết các tài xế đều có chung nguyện vọng Nhà nước có những biện pháp hỗ trợ để xăng dầu giảm giúp các doanh nghiệp vận tải duy trì hoạt động ổn định và đưa các mặt hàng thiết yếu giảm giá để người lao động xa quê bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt.

Trước những khó khăn của ngành taxi khi giá xăng dầu tăng cao, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: "Giá xăng dầu liên tục tăng cao kỷ lục trong mấy ngày khiến cho các doanh nghiệp taxi gặp nhiều khó khăn. Xăng dầu có vai trò rất quan trọng trong kinh doanh vận tải, khi giá xăng dầu tăng tác động tới chi phí hoạt động vận tải taxi".

Ông Hùng cho hay: "Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra bản thân các doanh nghiệp taxi đã bị ảnh hưởng nặng nề do thời gian giãn cách xã hội quá dài nên đứt gẫy chuỗi lao động, các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng".

Giá xăng dầu tăng cao doanh nghiệp đề nghị xem lại quỹ bình ổn giá có hiệu quả? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp taxi gặp khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: Ngọc Ánh

Đề nghị giảm thuế, phí xăng dầu

"Thực tế cho thấy nghành vận tải hành khách đường bộ bị tê liệt suốt 2 năm vừa qua và tới thời điểm này vận tải hành khách tuyến cố định và taxi vẫn phục vụ 50% số chỗ ngồi đặc biệt là người dân vẫn e ngại chưa sử dụng dịch vụ vận tải hành nên số xe chỉ chạy 60%. Giá xăng liên tục tăng cao đã "dáng" thêm một "đòn" vào ngành vận tải", ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, xăng dầu là huyết mạch của vận tải và muốn khôi phục thì phải đồng lòng như nghành vận tải các doanh nghiệp càng khó khăn hay càng đến mùa lễ, tết thì phải bình ổn giá, không được tăng giá. Tuy nhiên, xăng dầu mặc dù có quỹ bình ổn giá nhưng vẫn tăng liên tục làm đứt gẫy các mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ để khôi phục sản xuất.

Chính phủ, Quốc hội đang tập trung ban hành các gói cứu trợ khôi phục sản xuất đồng thời triển khai tiêm phủ vắc-xin đồng loạt với mục tiêu bình thường hoá để khôi phục sản xuất. Điển hình là gói 320.000 tỷ và hỗ trợ Lao động 3 tháng tiền thuê nhà.

Giá xăng dầu tăng cao doanh nghiệp đề nghị xem lại quỹ bình ổn giá có hiệu quả? - Ảnh 3.

Giá xăng dầu tăng cao có thể khiến các doanh nghiệp vận tải tăng giá cước. Ảnh: Hồng Phúc

Để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, ông Hùng kiến nghị cần xem lại quỹ bình ổn giá hoạt động có hiệu quả hay không? Kể từ khi thành lập đã thu và chi bao nhiêu cho việc giữ bình ổn giá một cách công khai, minh bạch.

Tiếp đó là đề nghị giảm thuế, phí và đặc biệt là giảm hoặc tạm dừng thu 4000đ/lít xăng E5 và 3.800đ/lít xăng ron 92 để giảm giá xăng dầu thì sẽ ổn định. Bởi cả hai loại xăng đều là xăng nhiên liệu sạch, có tầm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh tế.

Theo đại diện một hãng taxi cũng ngao ngán cho biết, cứ vài hôm giá xăng dầu lại tăng khiến cho doanh nghiệp chẳng kịp xoay sở. Doanh nghiệp làm nghề dịch vụ taxi giá xăng dầu tác động rất lớn tới hoạt động chở khách của tài xế".

Khi được hỏi, vị này cho hay, tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp đang khiến doanh nghiệp đau đầu nhiều ngày nay. Nếu tăng ít sẽ không bõ công làm các thủ tục để tăng giá cước. Còn nếu tăng cao quá sẽ không có khách.

Doanh nghiệp vừa hoạt động cầm cự vừa ngóng chờ vào giá xăng dầu có xuống hay không. Nếu tiếp tục tăng, doanh nghiệp buộc phải tìm cách tác động vào giá cước. Khó khăn nhất là các lái xe khoán, giá xăng dầu cao chắc chắn họ càng chạy càng lỗ. Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho họ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem