Huyền Anh
Thứ tư, ngày 02/03/2022 15:14 PM (GMT+7)
Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, để "kìm" đà tăng phi mã của giá xăng dầu trong nước, giảm thuế phí xăng dầu là giải pháp tốt nhất hiện nay, mặc dù biện pháp này có thể gây khó khăn nhất định cho ngân sách.
Ngày 1/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp. Theo đó, mỗi lít xăng E5RON92 hiện có giá 26.070 đồng, xăng RON95 là 26.830 đồng. Như vậy, tính từ thời điểm cuối tháng 12/2021 đến nay, xăng RON95 đã tăng 4.030 đồng/lít, xăng E5RON92 tăng 3.990 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng "phi" mã, đe dọa quá trình phục hồi kinh tế
Lý giải về nguyên nhân, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Giảng viên Học viện Tài Chính) cho biết, việc giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng cao do giá dầu thế giới leo thang, khi căng thẳng giữa Nga – Ukraine ngày càng leo thang, bởi Nga hiện đang cung cấp 12% xăng dầu thế giới.
Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ khiến chỉ số giá cả hàng hóa tăng trở lại, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, tác động không tích cực tới quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
"Giá xăng dầu tăng cao chắc chắn ảnh hưởng tới tăng trưởng, vì xăng dầu là đầu vào cho giao thông vận tải cho tới các ngành sản xuất. Chúng tôi đã từng có những tính toán trước đây cho thấy, khi giá xăng dầu tăng 1% sẽ ảnh hưởng tới 0,02% tăng trưởng kinh tế. Không phải chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng bị ảnh hưởng", TS Cường nói.
Đồng tình, Giáo sư Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, nếu không cẩn trọng để cho giá xăng dầu tăng cao thì gần như mục tiêu phục hồi kinh tế đặt ra cho kinh tế 2022 không đạt được. Trong đó, việc giảm thuế VAT 2% nhằm khuyến khích tiêu dùng, gần như không còn ý nghĩa.
"Chúng ta đang cố gắng hỗ trợ để mở rộng sản xuất thì nay giá tăng, hiệu quả không cao nguy cơ hạn chế đầu tư của các doanh nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu thì đà phục hồi kinh tế Việt Nam khó có thể đạt được kỳ vọng 6%-7%.", ông Cường dự báo.
Chuyên gia hiến kế bình ổn giá xăng dầu
Nói về giải pháp "hạ nhiệt" đà tăng giá xăng dầu trong nước, TS Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm, giảm thuế phí xăng dầu sẽ là giải pháp tốt nhất hiện nay, mặc dù biện pháp này có thể gây khó khăn nhất định cho ngân sách.
Theo các quy định hiện hành, xăng dầu bán lẻ phải chịu thuế bảo vệ môi trường với xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, E5RON92 là 3.800 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít. Nếu mức thuế này giảm 50% thì mỗi lít xăng RON95 có thể giảm được 2.000 đồng, xăng E5RON92 giảm 1.900 đồng/lít.
Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài việc giảm VAT 2%, Chính phủ có thể xem xét cắt giảm các loại phí, không phải phí liên quan đến dầu thô mà các loại phí liên quan đến hoạt động vận chuyển.
"Có thể xem xét giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, hoặc giãn hoãn thuế cho các đối tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic, từ đó sẽ làm giảm áp lực tăng giá. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ giải quyết được một phần, trước hay sau gì chi phí cũng sẽ phản ánh vào giá", ông Cường nói.
Nhắc đến vai trò của Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, theo ông Cường, Lọc Hóa Nghi Sơn hay Dung Quất đều không có tác dụng gì trong điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
"Việt Nam là quốc gia nhập dầu ròng, giá xăng dầu chịu tác động, điều tiết của giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, tôi khẳng định luôn Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn không có tác dụng gì trong điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước. Nhà máy này chỉ có tác dụng giúp chúng ta chủ động về nguồn cung trong nước, trong trường hợp biến động lớn như chiến tranh chẳng hạn Việt Nam vẫn chủ động được khi bị cắt đứt nguồn nhập khẩu", vị này phân tích.
Về nguyên tắc, các quốc gia như Mỹ và các nước Phương tây đều không muốn giá dầu tăng, bởi nếu giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, quá trình phục hồi kinh tế của các quốc gia này. Vì vậy, họ sẽ tìm mọi cách để cho giá dầu ở mức giá chấp nhận được.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường
Dưới góc nhìn của mình, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường lại cho rằng, để ứng phó với giá xăng dầu tăng cao, điều đầu tiên là phải tăng cung thông qua các nhà máy lọc dầu trong nước - hiện đang chiếm tỷ trọng cung khá cao.
Tuy nhiên vừa qua các nhà máy gặp khó khăn cắt giảm sản xuất, ngừng nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào, từ đó làm khan hiếm dầu trong nước. Vì vậy, theo ông Cường cần phải giải quyết khó khăn cho các nhà máy trong nước để thúc đẩy tăng sản xuất, cung ứng trong nước.
Hai là, tăng nguồn cung nhập khẩu.
Ba là, phải có biện pháp hành chính không để các nhà phân phối cố tình om hàng, không cung cấp xăng ra thị trường.
Về điều hành giá, phải có biện pháp để chi phí đầu vào cho xăng dầu giảm - theo ông Cường.
"Ví dụ như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện nay áp mức khá cao, có thể điều hành để mức thuế này giảm xuống hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu cần thiết có thể điều chỉnh giảm xuống. Khi điều hành các chính sách thuế, giảm các mức thuế này có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng giữ được giá xăng dầu ổn định hợp lý sẽ thúc đẩy được phát triển kinh tế, từ đó có được nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước", ông Cường nói.
Về lâu dài, theo ông Hoàng Văn Cường, phải tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà phân phối xăng dầu cạnh tranh và tự tìm được nguồn cung cấp tốt nhất.
Ngoài ra, nguồn dự trữ quốc gia cũng phải tăng nguồn lực để tăng nguồn dữ trữ xăng dầu trong nước như một số nước dữ trữ xăng dầu cho khoảng 5-6 tháng để bảo đảm bình ổn.
Được biết, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.