Giá xăng giảm, doanh nghiệp vẫn xây xẩm mặt mày vì các loại chi phí thi nhau "đội giá"

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 27/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng “khó khăn kép”. Từ chiều 26/8, giá xăng đã ghi nhận mức giảm cao nhất tới hơn 600 đồng/lít, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ mối lo ngại.
Bình luận 0

Hiện tại, TP. Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều DN đã gặp khó khăn do các loại chi phí như xăng, dầu, điện, nước,… liên tục "leo thang" trong khi doanh thu giảm.

Theo chị Nguyễn Trang, chủ một hệ thống phân phối thực phẩm cho biết, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp để DN có thể duy trì hoạt động là rất khó khăn. Tuy nhiên, với tình trạng vật giá liên tục tăng khiến giá các mặt hàng, khâu trung gian liên tục tăng gây áp lực đè nặng lên DN.

Khi giá xăng dầu tăng, ngay lập tức giá các mặt hàng, nguyên vật liệu, vận chuyển tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm, giá các loại hàng hóa, dịch vụ nói trên vẫn được giữ "bình ổn" khiến nhiều DN cảm thấy bức xúc.  

Xóa bỏ độc quyền nhập khẩu xăng dầu, sẽ không còn cảnh giá hàng hóa “té nước theo mưa”? - Ảnh 1.

DN bán lẻ đang gặp "khó khăn kép" vì dịch Covid-19 và vật giá leo thang. (Ảnh: Thanh Phong)

"Điện, nước, nhân viên,… là những chi phí vận hành hệ thống cơ bản mà DN nào cũng phải chi trả. Trong thời gian này, để vận hành được bộ máy, các chi phí này không thay đổi, thậm chí còn tăng lên trong khi doanh thu chắc chắn giảm. Do đó, cả DN lẫn người tiêu dùng đều phải chịu thiệt hại.

Ví dụ, trong thời kỳ dịch bệnh thời gian trước, giá xăng trong khoảng 15.000 đồng đến 16.000 đồng/lít, giá các mặt hàng giảm, nhiều khâu trung gian, vận chuyển,… cũng ở mức dễ chịu. Hiện tại, giá xăng dù có giảm nhưng vẫn ở mức như trước khi có dịch, giá các khâu liên tục tăng. Nếu DN điều chỉnh giá bán thì người dân sẽ phải "gánh" nhưng không điều chỉnh, DN sẽ thiệt hại lớn có thể dẫn tới phá sản", chị Trang cho hay.

Cùng chung hoàn cảnh trên, anh Điệp, chủ hệ thống thực phẩm tại Hải Phòng dự báo, trong thời gian tới, có thể các chi phí sẽ còn tiếp tục "đội" lên.

"Trong thời gian tới, nếu tình trạng dịch bệnh chưa được kiểm soát và phải thực hiện giãn cách xã hội, các chi phí điện, nước của của DN sẽ tiếp tục tăng. Có cửa hàng do dùng điện sinh hoạt nên sẽ còn chịu giá điện bậc thang, lũy tiến rất cao. 

Trong khi đó, lợi nhuận của DN rất thấp, thậm chí không có lãi. Nguyên nhân vì chúng tôi luôn đảm bảo bán hàng bình ổn giá, nhưng nhiều khâu khác liên quan thì chỉ cần giá xăng vài trăm đồng là lập tức "té nước theo mưa". Nhưng khi giá xăng giảm thì các khâu này không giảm theo, thậm chí còn tăng. Do đó, hiện tại, chúng tôi mong chờ có các chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Điệp chia sẻ.

Nhận định về tình trạng trên, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, nguy cơ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo giá xăng dầu theo kiểu "té nước theo mưa" như dư luận nêu là có bởi chi phí đầu vào của sản xuất bán lẻ tăng lên.

Tuy nhiên, hiện nay nhà nước chỉ cầm trịch giá cả của những mặt hàng thiết yếu như: Vé máy bay, vận tải đường sắt, bưu điện, điện, than, nước sạch… còn lại giá cả do thị trường quyết định, trong đó yếu tố cung - cầu là quan trọng nhất.

Thông ông Phú phân tích, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xăng dầu nhập khẩu (kể cả dầu thô để chế biến). Chính vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới tăng lên thì giá xăng dầu bán lẻ trong nước cũng phải tăng theo, mặc dù Việt Nam đã tự lọc hóa dầu để đảm bảo đến 70 - 80% lượng tiêu thụ trong nước.

"Liên Bộ Công Thương - Tài Chính phải cầm trịch và kiểm soát được sự tăng giảm thường xuyên của các tập đoàn bán lẻ xăng dầu trong nước. Về lâu dài, cần xóa bỏ độc quyền nhập khẩu xăng dầu để tạo sự cạnh tranh giữa các DN với nhiều mức giá nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng'', Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Theo thông tin từ liên Bộ Tài chính – Công Thương, từ 15h ngày 26/8, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) giá xăng dầu các loại giảm mạnh so với kỳ trước.

Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 19.891 đồng/lít (giảm 607 đồng/lít), xăng RON95-III không cao hơn 21.131 đồng/lít (giảm 550 đồng/lít), dầu diesel 0.05S không cao hơn 15.667 đồng/lít (giảm 506 đồng/lít), dầu hỏa không cao hơn 14.762 đồng/lít (giảm 417 đồng/lít), dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.055 đồng/kg (giảm 350 đồng/kg).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem