Nghe đài, báo mấy tháng gần đây liên tục đưa tin xăng giảm giá, bà Nguyễn Thị Hải (xã Vĩnh An, huyện Lý Sơn) không khỏi xót xa. "Gặp những hôm biển động dài ngày, giá xăng có khi phải lên tới 27.000 đồng một lít. Trong khi tôi biết ở Quảng Ngãi, xăng đã xuống dưới 20.000 từ đầu tháng", bà Hải kể.
Theo quyết định của Liên bộ Tài chính - Công Thương, từ ngày 22/12, các doanh nghiệp đã giảm giá bán lẻ tại khu vực một xuống còn 17.880 đồng một lít xăng RON 92, trong khi khu vực hai (xa cảng biển, trung tâm) còn 18.230 đồng.
Sáng 29/12, một số cửa hàng xăng ở huyện đảo Lý Sơn bắt đầu giảm giá nhưng mỗi lít xăng RON 92 vẫn ở mức 21.200 đồng, cao hơn đất liền trên 3.000 đồng. Ảnh: H.Danh.
Mức chênh nêu trên xảy ra khi việc kinh doanh xăng dầu trên đảo còn do một đơn vị tư nhân giữ độc quyền. Đến nay, thống kê cả huyện có 6 cửa hàng bán xăng do 2 doanh nghiệp tư nhân phân phối, cùng hàng chục điểm bán lẻ dọc các tuyến đường. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn chủ yếu từ 2 doanh nghiệp nêu trên - những người có tàu vận chuyển nhiên liệu ra đảo từ cảng Sa Kỳ (huyện Bình Châu), sau khi mua lại từ Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi.
Trao đổi với pv, ông Mai Giang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lý Sơn cũng xác nhận việc giá xăng trên đảo thường chênh với đất liền khoảng 4.000-7.000 đồng một lít, trong khi dầu diesel cũng khoảng 2.000-3.000 đồng. "Con số này thực ra đã giảm so với mức 7.000-10.000 đồng cách đây vài năm", ông Giang nói.
Lý giải chuyện giá cao, các doanh nghiệp tư nhân này cho rằng họ phải chi phí thuê xe bồn chở xăng dầu từ nhà máy Dung Quất, vượt hơn 30 km về cảng Sa Kỳ, tốn khoảng 150 lít dầu mỗi lần. "Cứ 10.000 lít xăng mang về bán trên đảo thì bay hơi khoảng 200 lít do san sớt, vận chuyển... Giá bán xăng, dầu lệch so với đất liền là tất yếu", Giám đốc một doanh nghiệp kể.
Tháng 9/2012, xăng RON 92 từng được bán tại Lý Sơn với giá 25.700 đồng một lít. Cùng thời điểm, mức cho phép áp dụng bán lẻ xăng dầu tại Vùng 2 là 24.120 đồng. Ảnh: Nhật Minh
"Công ty cũng trích hoa hồng, áp dụng giá bán lẻ nhiên liệu cho vùng 1 - hiện là 18.480 đồng với xăng, 16.940 đồng với diesel. Tùy theo thời điểm, 2 doanh nghiệp này hưởng hoa hồng 530-1.000 đồng cho mỗi lít", ông Phương nói thêm. Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi khẳng định đơn vị này đã ký hợp đồng chở xe bồn giao hàng tận cảng Sa Kỳ cho 2 doanh nghiệp nêu trên, chứ không để họ phải chịu chi phí thuê xe.
Vị này cũng cho biết, theo quy định Nhà nước, 2 doanh nghiệp vận chuyển xăng dầu về đảo Lý Sơn được niêm yết giá vùng 2 bù vào tiền vận chuyển, tức là tăng tối đa 2% so với vùng 1 (tương đương khoảng 360 đồng mỗi lít xăng). "Nếu doanh nghiệp tư nhân và các hộ dân bán lẻ xăng, dầu ở Lý Sơn bán giá quá cao là trái quy định", ông Phương khẳng định.
Theo người dân tại Lý Sơn, viêc giá nhiên liệu quá cao đã kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm, dịch vụ vận tải trên đảo đắt đỏ, khiến họ phải chi phí lớn cho sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản. "Mỗi chuyến biển ra ngư trường Hoàng Sa, chúng tôi nạp 5.000 lít dầu. Một năm đi 8 chuyến thì thiệt hại do chênh lệch lên đến cả trăm triệu đồng. Khi nào bị ép giá bán thì coi như trắng tay", thuyền trưởng Lê Khởi (xã An Hải) nói.
Giá xăng dầu đắt đỏ khiến người dân Lý Sơn phải chi phí cao cho sản xuất. Ảnh: Trí Tín.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và Phát triển nông thôn huyện, địa phương đang tiếp tục đề nghị Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi lập đoàn công tác, chấn chỉnh tình trạng trên. "Huyện cũng đang áp dụng chính sách ưu đãi mời gọi các doanh nghiệp đầu tư cửa hàng, kho dự trữ nhằm tạo sức cạnh tranh, bình ổn giá", ông Lê nói thêm. Sau nhiều phản ánh của người dân, ông Mai Giang cho biết huyện đã lập đoàn kiểm tra. Nhiều đại lý thấy vậy bắt đầu điều chỉnh giá bán lẻ từ sáng 29/12 song mức chênh vẫn trên 3.000 đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.