Vào lúc 15h ngày 29/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh “giảm sâu”. Cụ thể, xăng RON 95 - III giảm 4.252 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 4.100 đồng/lít. Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và 12.560 đồng/lít với xăng RON 95.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá các loại dầu đều được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.776 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.705 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.048 đồng/kg. Sau khi giảm, giá tối đa với mặt hàng dầu diesel là 11.259 đồng/lít; dầu hỏa là 9.141 đồng/lít và dầu mazut là 9.453 đồng/kg.
Trước diễn biến trên, trao đổi với Dân Việt, ông Đông phân tích, việc giá xăng giảm mạnh có lợi cho người dân và một phần cho DN sản xuất kinh doanh dịch vụ. Nhưng với một số DN xăng dầu, giá xăng giảm lại rơi vào cảnh "chết dở sống dở" khi sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 40% so với bình thường.
DN xăng dầu gặp khó khăn khi phải "mua đắt, bán rẻ"
Ngoài ra, ông Đông cho biết thêm, hiện tại, giá dầu thế giới ở mức khoảng hơn 20 USD/thùng, tuy nhiên, đối với các DN xăng dầu việc nhập hàng đã phải thực hiện từ cách đây nhiều tháng. Khi đó, giá dầu thế giới ở mức từ 40 đến khoảng 50 USD/thùng. Bên cạnh đó, ngoài việc phục vụ nhu cầu sử dụng của thị trường trong nước, các DN xăng dầu còn có trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
"Lượng tồn kho xăng dầu khá lớn do đã nhập trước đó ở mức giá cao đang tạo ra áp lực tài chính lên DN. Nhiều DN xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ vì lỗ nhiều lắm. Do đó, trong điều hành giá vừa phải đảm bảo lợi ích chung cho người tiêu dùng nhưng cũng tính toán để đảm bảo hoạt động cho các DN kinh doanh...", ông Đông nói.
Ngoài ra, ông Đông cho biết thêm, hiện tại, nguồn cung xăng dầu thế giới đang tăng nhanh, điều này có thể đẩy dầu mỏ thế giới bước vào cuộc chiến giá. Khi nguồn cung tăng, nhu cầu lại giảm mạnh (như Trung Quốc thông báo cắt giảm 20-25% nhu cầu) giá sẽ càng bị đẩy xuống thấp.
Đồng quan điểm trên, GS, TS.Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích thêm, việc giá xăng giảm theo đà của giá thế giới giúp người dân được hưởng lợi trong bối cảnh thu nhập của nhiều người lao động bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cũng theo GS, TS Đạt, khi giá xăng dầu giảm sẽ có tác dụng quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát (lạm phát 2 tháng đầu năm đã ở mức 5,91%, cao hơn nhiều so với một vài năm trước). Đồng thời, diễn biến này có thể sẽ “trung hòa” phần nào áp lực đối với lạm phát cơ bản do việc nới lỏng tiền tệ thông qua việc giảm đồng loạt các mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vừa áp dụng.
Về phía DN, theo đại diện một số đơn vị phân phối xăng dầu như Công ty CP xăng dầu Tự Lực I, Công ty TNHH thương mại Kk Petro,… cho hay, giá xăng dầu trong nước dự kiến sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các DN phân phối đã tung đủ “chiêu” như tăng mức chiết khấu, đã chủ động cắt giảm sản lượng nhập,… Tuy nhiên, với việc nhu cầu thị trường ngày càng giảm sâu, các DN xăng dầu vẫn như “ngồi trên đống lửa” khi không thể đẩy hàng tồn, bán cắt lỗ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.