Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày qua, thông tin hàng ngàn công nhân tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP.HCM) bị ảnh hưởng công việc đúng vào những tháng cuối cùng của năm 2022 khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó không lâu, Công ty TNHH Tỷ Hùng cũng thông báo cắt giảm gần 1.200 lao động vì không có đơn hàng.
Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, các công ty nêu trên đang thực hiện đúng quy định của pháp luật, xây dựng phương án và thông báo trước cho lao động. Đối với việc yêu cầu người lao động tạm dừng công việc (vẫn duy trì hợp đồng lao động), công ty phải có hỗ trợ cho công nhân, nhưng cũng tùy thuộc vào việc thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Khi đối mặt với cảnh nằm chờ việc, nhưng không biết chờ đến bao giờ, nhiều công nhân tỏ ra băn khoăn, lo ngại. Bởi theo họ, cuộc sống công nhân vốn dĩ rất khó khăn, có việc làm mới có tiền để trang trải. Sau một năm điêu đứng vì đại dịch Covid-19, ai cũng mong năm nay sẽ thay đổi, sẽ khởi sắc và kỳ vọng vào những tháng cuối năm.
"Tôi cũng như nhiều người đang rối bời, không biết phải làm thế nào giữa hoàn cảnh này. Nói thật, đi thì rất "dở", bởi vì đã gắn bó nhiều năm với công ty, thu nhập cũng có thâm niên nên đỡ hơn là bắt đầu ở một nơi khác. Hơn nữa, nếu đi ở thời điểm này thì các khoản hỗ trợ, lương thưởng gì coi như không có. Nhưng ở lại chờ đợi càng khó, với tình hình này không biết chờ đến khi nào. Rồi tiền đâu trang trải...", một nữ công nhân tại Củ Chi cho biết.
Hơn 6h tối, sau khi kết thúc ngày làm việc, anh Đoàn Minh Phương (37 tuổi, quê Vĩnh Long) trở về căn phòng nhỏ nhắn tại Khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Vừa về đến nhà, con trai anh Phương – cu Bo (tên thân mật) hớn hở ôm chầm lấy ba, hỏi đủ thứ trên đời. Sau xong "thủ tục" với Bo, anh quay sang phụ vợ chuẩn bị bữa tối. Bữa cơm đơn sơ của hai vợ chồng chỉ có bầu, đậu bắp luộc chấm chao, một nồi canh tạp tàng và khoanh cá nhỏ.
Anh Phương cho biết, năm ngoái dịch bệnh phức tạp, công nhân phải nghỉ làm dài ngày. Thời điểm khó khăn đó hầu như ai cũng rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, nợ nần. Khi dịch bệnh đã được khống chế, công nhân lao động trở lại thành phố với hy vọng sẽ khôi phục lại kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, điều may mắn ấy đã không đến kịp trong năm nay.
"Sau thời gian nghỉ dịch Covid-19, tôi đi làm trở lại nhưng công ty bị ảnh hưởng nên không có đơn hàng. Công nhân không những không được tăng ca để có thêm thu nhập, mà còn bị giảm giờ làm. Một tuần chỉ làm 3 ngày, nghỉ 4 ngày. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc, chuyển qua làm tài xế công nghệ để có tiền lo cho gia đình", anh Phương kể.
Theo anh Phương, công việc tài xế khá cực nhọc. Mỗi ngày anh đều đi làm từ 5h30 sáng tới 6h tối, ngày "đắt show" thì được 3 - 400 ngàn đồng, ngày ế ẩm thì vài chục đến hơn một trăm ngàn. Thu nhập của anh cộng với lương công nhân của vợ (khoảng 5 triệu đồng) chỉ vừa đủ trang trải chi phí ăn ở, ăn học cho con. Vợ anh Phương đang mang thai bé thứ hai nên có thêm chi phí thăm khám, bồi dưỡng...
Vợ anh Phương chia sẻ, sau đợt dịch Covid-19, công ty chị làm cũng bị ảnh hưởng. Hàng hóa không nhiều như trước nên hầu như công nhân chỉ làm đủ 8 tiếng trong ngày. Đối với công nhân, chỉ có tăng ca mới có thêm thu nhập, nếu không tăng ca thì chỉ được nhận mức lương cơ bản rất thấp.
"Vì kinh tế khó khăn nên chi tiêu trong gia đình cũng phải cân đối, tính toán lại. Năm ngoái phải thắt lưng buộc bụng, năm nay có đỡ hơn nhưng vẫn cơ bản vẫn vậy. Gia đình chúng tôi sắp đón thêm thành viên mới nên càng phải dè xẻn, tích cóp để có thể chăm sóc tốt nhất cho con", vợ anh Phương cho biết.
Nhắc đến Tết nguyên đán sắp tới, anh Phương khá ngậm ngùi. Năm nay là năm đầu tiên gia đình anh chị quyết định ở lại TP.HCM ăn tết. Phần vì vợ sinh con nhỏ, phần vì kinh tế eo hẹp nên không đủ điều kiện để về quê. "Nghĩa đến việc không được đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình trong những ngày tết là thấy chạnh lòng, nhưng khó khăn quá thì đành chịu thôi, biết làm sao được…", anh Phương rơm rớm nước mắt.
Về tương lai, anh Phương cho biết, hai vợ chồng quyết định sẽ về Vĩnh Long sinh sống. Bởi theo anh, hiện nay các doanh nghiệp mở công ty ở các tỉnh miền Tây khá nhiều nên có thể dễ dàng xin việc. Hơn nữa, nếu ở quê rơi vào tình cảnh khó khăn thì vẫn còn gia đình để nương tựa, giảm bớt các chi phí thuê mướn. Còn bám trụ lại TP.HCM, công việc không ổn định, thu nhập không đủ, cuộc sống sẽ rơi vào cảnh khó khăn tứ bề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.