Phạm Minh Hiếu Tiếng hát Hà Nội 2023 : “Người ta bảo tôi hiền lành thể hiện rõ qua cách hát”
Phạm Minh Hiếu Tiếng hát Hà Nội 2023 : “Người ta bảo tôi hiền lành thể hiện rõ qua cách hát”
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 18/12/2023 19:00 PM (GMT+7)
"Tính tôi vốn hiền, mộc mạc… nên luôn tìm thấy ở âm nhạc dân gian sự gần gũi. Nhiều người bảo, cái sự hiền lành trong tính cách của tôi thể hiện rõ qua cách hát", Phạm Minh Hiếu chia sẻ.
Trong Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2023, Phạm Minh Hiếu – chàng trai đến từ Nghệ An, đang là sinh viên năm 2 hệ Đại học, khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tranh tài ở dòng nhạc dân gian. Giọng ca trẻ đã chinh phục khán giả với hai tác phẩm "Câu hò bên bờ Hiền Lương" và "Thăng Long Việt Nam bay lên". Kết quả, Phạm Minh Hiếu đoạt giải Ba dòng nhạc dân gian cùng Ninh Trịnh Quang Minh và Bùi Phương Khánh Thy.
Sau khi kết thúc cuộc thi, Phạm Minh Hiếu trở lại với việc học tập và ấp ủ dự định âm nhạc mới. Điều quan trọng hơn cả là anh đã tự tin để theo đuổi giấc mơ âm nhạc "dân gian thuần", không theo đuổi dòng nhạc nào khác. Phạm Minh Hiếu đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về sự đổi thay sau khi đoạt giải Ba Tiếng hát Hà Nội 2023.
Chúng ta bắt đầu bằng việc muốn trở thành một ca sĩ dòng nhạc dân gian. Với bạn, âm nhạc dân gian có "ma lực" gì mà khiến bạn quyết tâm theo đuổi đến cùng?
- Ngay từ bé, bố mẹ đã thích tôi theo nghệ thuật. Tôi được "tưới tắm" trong âm nhạc dân gian từ khi còn rất nhỏ. Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ - cái nôi của dân ca Ví Giặm, di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh nên thường xuyên được nghe thể loại âm nhạc này. Chính dân ca Ví Giặm đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và giúp tôi lớn khôn. Và cũng chính từ khi có chút hiểu biết về âm nhạc, tôi đã luôn mơ ước trở thành ca sĩ có tên tuổi trong làng nhạc.
Trong các thể loại âm nhạc mà tôi tiếp cận, tôi thấy âm nhạc dân gian gần gũi với mình hơn cả. Tính tôi vốn hiền, mộc mạc… nên luôn tìm thấy ở âm nhạc dân gian sự gần gũi. Nhiều người bảo, cái sự hiền lành trong tính cách của tôi thể hiện rõ qua cách hát. Và nếu tôi theo đuổi dòng nhạc này sẽ có nhiều thuận lợi để thể hiện bản thân hơn.
Sau khi đoạt giải Ba dòng nhạc dân gian Tiếng hát Hà Nội 2023, tôi lại càng thấy việc mình kiên định với chí hướng trở thành một ca sĩ của dòng nhạc dân gian là đúng đắn. Tôi biết, trước giờ, rất ít ca sĩ chịu theo đuổi dòng nhạc dân gian thuần và những người theo đuổi cũng rất khó để thành công nhưng không vì thế mà tôi sẽ bỏ cuộc.
Đúng như bạn đã nói, ca sĩ nam theo đuổi dòng nhạc dân gian hiện nay không nhiều. Cũng chính vì thế, việc theo đuổi dòng nhạc dân gian sẽ đặt ra cho bạn rất nhiều trở ngại và khó khăn trên con đường khẳng định tên tuổi. Bạn có nghĩ là mình đã hơi mại hiểm?
- Đúng là để đạt được thành công nhất định khi theo đuổi dòng nhạc dân gian, ca sĩ nam thường gặp nhiều khó khăn hơn ca sĩ nữ. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan rằng, mình sẽ làm được, sẽ có những bài hát được khán giả yêu mến và được khán giả nhắc tên nhiều hơn. Điều khó khăn lớn nhất của tôi hiện nay là mới theo học thanh nhạc được 2 năm, tuổi đời vẫn còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm nên mọi thứ vẫn còn non…
Trong khi đó, âm nhạc dân gian đòi hỏi rất nhiều về cảm xúc lẫn kỹ thuật. Muốn có được cảm xúc, người ca sĩ phải có độ chín nhất định mà tôi lại đang bị thiếu về cái đó. Nhưng đó là câu chuyện của thời gian. Việc của tôi bây giờ là cố gắng học tập để trau dồi kiến thức và nỗ lực sáng tạo để cho ra những sản phẩm âm nhạc tốt nhất. Việc hoàn thiện bản thân hay giọng hát và cảm xúc đều phải có một quá trình, tôi không quá vội về điều đó.
Hẳn là trước khi quyết định gắn bó với âm nhạc dân gian, bạn cũng từng thử sức mình ở một số dòng nhạc khác?
- Thú thật là trước khi theo học hệ Đại học ngành Thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi đã có 4 năm học hệ Trung cấp ở Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Lúc ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng có những suy nghĩ về sở trường, về dòng nhạc mình theo đuổi. Lúc đó, tôi vẫn phân vân không biết nên theo thính phòng, dân gian hay nhạc nhẹ vì cũng có nhiều người khuyên tôi theo mỗi cách khác nhau. Trong thời gian này, tôi có đi biểu diễn nhiều nơi nhưng chủ yếu là hát nhạc trữ tình và thính phòng. Đây là quãng thời gian tôi nhận ra, mình hợp với dân gian hơn cả.
Và trước khi bước vào Chung kết Tiếng hát Hà Nội 2023, tôi đã quyết tâm hướng tới một hình tượng ca sĩ dân gian thuần túy, tức không lấn sân sang những dòng khác nữa. Dĩ nhiên, tôi là người "sinh sau đẻ muộn" nên để có thể chinh phục được khán giả và khẳng định tên tuổi của mình, tôi sẽ phải có những tìm tòi, sáng tạo để mang âm nhạc dân gian đến gần hơn với giới.
Thầy giáo và gia đình nói gì về giải Ba mà bạn đã đạt được tại Tiếng hát Hà Nội 2023?
- Gia đình rất tự hào về tôi vì đây là lần đầu tiên tôi "bơi ra biển lớn". Trước đó, bố mẹ vẫn nghĩ tôi hiền lành và nhút nhát như thế chắc sẽ không dám tham gia cuộc thi nào. Nhưng khi thấy tôi qua vòng Bán kết, bước vào Chung kết Tiếng hát Hà Nội 2023 thì bố mẹ mừng lắm. Bố mẹ gọi điện động viên: "Đêm Chung kết xếp hạng, bố mẹ sẽ đi từ Nghệ An ra Hà Nội để cổ vũ cho con". Giải thưởng lần này là một món quà rất lớn đối với bố mẹ tôi.
Riêng thầy Quang Tú – thầy giáo đang giảng dạy tôi trực tiếp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì luôn động viên, quan tâm, hỏi han. Thầy nói đùa rằng: "Bây giờ đi học không dám mắng mày nữa, chỉ dám động viên thôi". Thầy cũng chỉ bảo cho tôi rất nhiều điều để biến bước ngoặt này thành một dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Bạn cảm thấy thế nào khi bản thân muốn theo đuổi dòng nhạc dân gian thuần nhưng thầy giáo dạy lại theo dòng nhạc cổ điển?
- Ngay từ khi bước vào trường Học viện Âm nhạc Việt Nam, tôi cũng không biết là trường đào tạo về âm nhạc cổ điển và thầy giáo của tôi cũng là người theo dòng nhạc cổ điển. Tôi cũng có bày tỏ với thầy giáo là muốn học hành thật nghiêm túc để có kỹ thuật thanh nhạc bài bản, từ đó có thể đi theo dòng nhạc dân gian một cách ổn định và bền vững. Tôi mong muốn khi tốt nghiệp đại học về thanh nhạc, tôi có thể áp dụng được những kiến thức mình học vào làm mới dòng nhạc dân gian mình muốn theo đuổi. Tôi không ngại việc mình học cổ điển mà sau này mình ra trường lại theo đuổi dân gian bởi tôi biết mình làm được những gì và có thể vận dụng những gì trong kỹ thuật thanh nhạc để đưa vào cách hát dân gian.
Việc theo học thầy giáo khác dòng nhạc như thế mang đến cho bạn những sự mới mẻ như thế nào?
- Tôi thấy có rất nhiều sự mới mẻ. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam không đào tạo riêng về nhạc trẻ, nhạc bolero hay nhạc dân gian mà đào tạo kỹ thuật thanh nhạc chung theo trường phái cổ điển. Vì thế, khi theo học từ thầy Quang Tú tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ. Chẳng hạn, khi thể hiện các tác phẩm âm nhạc dân gian đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức về kỹ thuật thanh nhạc, nhất là dân gian đương đại, nếu mình có kiến thức thanh nhạc của thính phòng – cổ điện thì xử lý tác phẩm sẽ không bị khô cứng, thiếu cảm xúc.
Vận dụng kỹ thuật của thanh nhạc thính phòng – cổ điển để thể hiện tác phẩm âm nhạc dân gian, bạn gặp những khó khăn gì?
- Nói đến khó khăn thì có rất nhiều khó khăn. Trong 2 tháng tham gia Tiếng hát Hà Nội tôi đã phải tập luyện rất nhiều, làm sao để khi mình hát những nốt cao phải vừa sáng, vừa đẹp, vừa đúng kỹ thuật. Cái này rất khó đối với tôi. Thính phòng thì các câu chữ đi vào thẳng nốt, còn dân gian thì luyến láy rất nhiều. Đó là những trở ngại đối với tôi và tôi đang trên con đường học tập.
Đã bao giờ bạn thiết lập quan hệ với các đàn anh, đàn chị theo đuổi dòng dân gian để nhờ họ chỉ dạy thêm cho mình?
- Tôi có. Có NSƯT Tố Nga là HLV của chương trình Tiếng hát Hà Nội 2023. Tuy nhiên, ngoài những giờ chỉ dạy của cô thì tôi cũng có liên lạc riêng với cô để nhờ cô chỉ dạy thêm những luyến láy để hát dân gian được tốt hơn. Ngoài cuộc sống thì tôi cũng được ca sĩ Huyền Trang và Thanh Tài cũng chỉ dạy cho tôi rất nhiều. Thêm nữa, thầy của tôi là ca sĩ Đăng Thuật từng dạy tôi khi tôi học hệ Trung cấp Thanh nhạc bên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.