Bị “thôi miên” cướp tài sản giữa ban ngày?
Không chỉ ở các tỉnh phía Bắc, thời gian qua, tại các tỉnh phía Nam
và TP.HCM lại xuất hiện thông tin trình báo của người dân về việc bị một
số nhóm người dùng thủ thuật thôi miên để chiếm đoạt tài sản.
Ba đối tượng người nước ngoài dùng thủ đoạn “lanh tay, lẹ mắt” chiếm đoạt tài sản bị bắt tại Việt Nam
Mới đây nhất, một ngày giữa tháng 11.2013, chị N.T.T (SN 1986, ngụ
Bình Phước) đang điều khiển xe máy trên quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) về
quận Tân Bình. Khi vừa đổ dốc cầu Bình Triệu, chị bị 4 đối tượng đi trên
2 xe gắn máy tiếp cận hỏi “có quen ai để hợp tác bỏ mối bột ngọt
không?”. Theo chị T, nhóm này “đeo bám” đến gần bến xe Miền Đông (quận
Bình Thạnh), chặn đầu xe sau đó nói lảm nhảm mấy câu gì đó làm chị mất
cảnh giác. Sau khi “hồi tỉnh”, chị T. phát hiện bị mất chiếc laptop cùng
800.000 đồng. Chị T cho rằng mình bị nhóm người này “thôi miên”, sự
việc lại xảy ra vào buổi trưa vắng người nên không ai can thiệp được.
Cách đây không lâu, bà N.T.V (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) hớt hải
đến Công an huyện Bình Chánh trình báo, bà bị hai đối tượng nam nữ “thôi
miên” chiếm đoạt số tiền hơn 1 triệu đồng, ĐTDĐ rồi bỏ đi. Theo bà V,
vào buổi trưa hôm đó, bà vừa dừng xe máy tạt vào lề đường tránh nắng thì
hai đối tượng lạ mặt tiếp cận hỏi chuyện. Khoảng ít phút sau, bà cảm
thấy mình như người mất hồn, khi tỉnh lại mới biết tài sản bị mất cắp…
Theo tường trình của một số nạn nhân khác là chủ cửa hàng, một số đối
tượng người nước ngoài khi đến mua hàng đều trả bằng số tiền có mệnh
giá lớn. Khi chủ cửa hàng thối lại tiền, những đối tượng này đều tỏ thái
độ khó chịu, hay những cử chỉ (bằng tiếng nước ngoài) xin đổi lại số
tiền thối rồi “thôi miên” lấy hết tiền bỏ đi…
Vậy, câu chuyện các nạn nhân bị thôi miên, chiếm đoạt tài sản thực hư thế nào?
Khó có chuyện “thôi miên” chiếm đoạt tài sản
PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội
Việt Nam - cho biết, việc hiểu đúng về thuật ngữ "thôi miên" cũng như
người thực sự sử dụng nó không phải đơn giản như thế. Khi bị thôi miên,
con người ở trạng thái không có ý thức cũng như không thể kiểm soát mình
và phụ thuộc vào một kích thích hay một tác động chủ đích nào đó. Việc
mất mất tài sản như những trường hợp trên là những hành vi thiếu cảnh
giác xuất phát từ nhiều trường hợp khác nhau.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: “Khi bị thôi miên, con người ở trạng thái không có ý thức cũng như không thể kiểm soát mình và phụ thuộc vào một kích thích hay một tác động chủ đích nào đó…”.
Cụ thể, theo PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, có thể người được mệnh
danh thôi miên sử dụng thủ thuật đánh thuốc mê bằng các dạng nước,
hương, chất lỏng hay bột một cách tài tình theo ảnh hưởng tạm thời hoặc
người mất cắp bị khuyến dụ bởi lòng tham, sự hấp dẫn bởi câu chuyện và
bị lừa ngoạn mục theo kiểu nhanh tay, lẹ mắt…
Chia sẻ quan điểm cá nhân, trung tá Nguyễn Thanh Huyền (Đội trưởng
Đội phòng chống tội phạm lừa đảo, trộm cắp Phòng Cảnh sát hình sự, Công
an TP.HCM) nhận định khó có chuyện “thôi miên” chiếm đoạt tài sản. Theo
trung tá Huyền, nhiều khả năng vì một lý do nào đó nạn nhân không khai
thật chuyện mất tiền, và nghĩ ra chuyện “thôi miên” để “đối phó” với
người thân...
Cùng quan điểm trên, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà
Nội (PC45) khẳng định, từ trước đến nay chưa hề ghi nhận một vụ thôi
miên chiếm đoạt tài sản nào trên địa bàn. Đại diện PC45 TP.Hà Nội cho
biết, cơ quan này từng phá một số vụ án liên quan đến trò dùng thủ thuật
đánh tráo tiền để chiếm đoạt tài sản. Nhưng số lượng vụ án loại này
không nhiều. Thậm chí từ đầu năm đến nay, PC45 TP.Hà Nội chưa tiếp nhận
vụ nào. Báo cáo từ các địa bàn cũng không cho thấy có vụ án nào đối
tượng sử dụng thuật thôi miên để chiếm đoạt tiền.
Có lần, trước thông tin dư luận, PC45 TP.Hà Nội đã phải liên hệ với
tòa soạn báo để hỏi phóng viên về vụ thôi miên mà báo đã đăng tải. Nhưng
khi hỏi rõ thì hóa ra vụ việc không có thật. Một cảnh sát hình sự còn
cho biết, từng có người dân đến nói rằng bị thôi miên. Nhưng khi công an
vào cuộc điều tra mới vỡ lẽ là "hoang báo"…
Lời khuyên của tiến sĩ tâm lý
-Tránh giao tiếp thân tình với người lạ hay thiếu độ an toàn trong cảm giác.
-Luôn cảnh giác cao độ trước người lạ, thiết lập mối quan hệ an toàn, đảm bảo hoạt động nhóm.
-Kiểm soát cuộc giao tiếp của chính mình và tránh bị phân tán chú ý quá mức bởi chủ thể giao tiếp khác.
-Tỉnh táo và sống chân thành, công bằng và tích cực cũng như đừng để cái lợi trước mắt làm mờ lương tri để thiếu cảnh giác.
-Sống đúng với phương châm: không có thuận lợi hòa toàn mà cũng
chẳng có khó khăn chồng chất… Mọi thứ đều có cái này và cái khác. Không
có việc quá nhẹ nhàng mà lương cao hay thưởng hậu…
PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn
|
Khám phá (Theo Khám phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.