Giải mã “cơn điên” của vàng

Thứ tư, ngày 10/11/2010 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Nguyên nhân làm cho giá vàng tăng là nhiều người vẫn tìm đến kim loại vàng và USD vì nghĩ đó là cách tiết kiệm an toàn.
Bình luận 0
img
Giá vàng chiều 9 - 11 đã giảm hơn 1 triệu đồng/lượng. Ảnh chụp tại một cửa hàng kinh doanh vàng ở Hà Nội.

Sáng 9-11, giá vàng tăng hơn 2 triệu đồng so với ngày trước đó. Vào đầu giờ chiều, giá vàng đã “bốc hơi” hơn 1 triệu đồng, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định cho phép nhập khẩu vàng.

Giá vàng “điên loạn”

Sáng 9-11, cả đoạn phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã tắc nghẽn do dòng người từ khắp nơi đổ về các tiệm kinh doanh vàng lớn của Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu. Ngay sau khi mở cửa sáng 9-11, giá vàng đã liên tiếp được thay đổi theo hướng đi lên, từ 37,6 triệu đồng/lượng lúc 9 giờ lên 37,9 triệu đồng/lượng lúc 10 giờ 30 và tăng lên đỉnh điểm 38,2 triệu đồng lúc 11 giờ.

Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, giá vàng đã được thay đổi tới 9 lần theo hướng tăng lên, nếu so với giá cuối ngày 8-11, giá vàng trong nước đã tăng thêm hơn 2 triệu đồng/lượng. Tại mức giá lập đỉnh, nếu quy đổi giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới gần 2 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí). Tính đến thời điểm 16 giờ 50 ngày 9-11, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.410 USD/ounce.

Dù giá vàng tăng cao, nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua vàng khiến cho thị trường vàng càng thêm nóng. Tuy nhiên, lượng vàng bán ra của các cửa hàng kinh doanh trong buổi sáng lại rất hạn chế, thậm chí nhiều cửa hàng đã phải ngừng giao dịch vì hết vàng.

“Cơn điên” của vàng trong buổi sáng 9-11 đã khiến nhiều người nhớ lại thời điểm năm 2009 khi giá vàng “điên loạn” tăng thêm 2 triệu đồng/ngày. Cách đây 1 năm, ngày 11-11-2009, giá vàng cũng tăng vọt từ 27 triệu đồng/lượng lên 29,15 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng thế giới tới gần 4 triệu đồng (1.117,4 USD/ ounce).

Vào đầu giờ chiều 9-11, ngay sau khi NHNN quyết định cho phép nhập khẩu vàng, giá vàng trong nước đã quay đầu giảm hơn 1 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vàng SJC của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,50 -37,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Vàng rồng Thăng Long của Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết ở mức 36,40-37,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Sau đó, do lượng người mua nhiều nên giá vàng đã tăng nhẹ lên 37,50 triệu đồng/lượng.

Giải mã “cơn điên” của vàng

Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Nguyên nhân làm cho giá vàng tăng là nhiều người vẫn tìm đến kim loại vàng và USD vì nghĩ đó là cách tiết kiệm an toàn. Ngoài ra, giá USD vẫn tăng sẽ tác động làm giá vàng cũng tăng theo, đó là cái vòng luẩn quẩn rất khó gỡ”. Giá USD trên thị trường tự do ngày 9-11 có chỗ đã bán ở mức kỷ lục 22.000 đồng/USD.

Theo ông Thành để tạo lòng tin cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ găm giữ USD và tìm đến yếu tố an toàn là kim loại vàng, về lâu dài, Nhà nước cần có những chính sách hỗn hợp, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp hăng hái sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh nội lực của nền kinh tế lên…từ đó mới có đủ sức để kiểm soát chặt thị trường vàng và USD.

Cùng chung nhận định trên, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) cho rằng: Chúng ta phải đặt vấn đề một cách mềm dẻo theo nghĩa ngăn chặn tối đa những vụ đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, yếu tố nhận thức không đúng, định kiến với thị trường vàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem