Chị dâu do Khương Ngọc đạo diễn, kể về bà Nhị - con dâu cả của gia đình quyết định nhân dịp đám giỗ của mẹ chồng, tụ họp các chị em gái trong nhà lại để thông báo chuyện sẽ tự bỏ tiền túi ra sửa sang căn nhà từ đường cũ kỹ trước khi bão về. Vấn đề này khiến cho nội bộ gia đình bắt đầu có những lục đục, chị dâu và các em chồng cũng xảy ra mâu thuẫn, bất hoà.
Chia sẻ với PV. Dân Việt, Khương Ngọc cho biết: "Nội dung Chị dâu không chỉ là chuyện của 5 chị em mà còn là những vấn đề, trăn trở trong mỗi gia đình, nghĩa tình chòm xóm, tương quan giữa người với người...
Những điều này cũng là chủ đề rất hợp cho không khí gia đình mùa Giáng sinh. Chị dâu có cười, có khóc với những tình huống hài hước lẫn bi kịch mà mỗi thân phận nữ trong phim đang phải gánh chịu.
Hiện tại, doanh thu của Chị dâu là hơn 59 tỷ đồng, đứng nhất Bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Việt theo thống kê của Box Office Vietnam.
Chị dâu nhận được nhiều phản hồi tốt của khán giả lẫn giới chuyên môn. Ở góc độ nhà làm phim, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp (phim Biệt đội rất ổn) bày tỏ khâm phục cách thể hiện của Chị dâu: "Phim rất tốt, mọi khía cạnh đều khiến tôi khâm phục. Lâu rồi mới có một phim Việt chạm sâu đến vậy. Gia đình Việt hầu hết đều có những đứt gãy như vậy với nhau.
Bộ phim khéo léo bóc tách từng nhân vật một, khiến khán giả thương họ rồi ngồi cùng họ sau cơn bão, chia nhau hơi ấm ngọn đèn dầu, nhấp một hớp bia, ăn miếng cá thu chiên… Khán giả đã hoàn toàn nhập cuộc".
Đạo diễn Victor Vũ cũng gửi lời khen ngợi tới đạo diễn Khương Ngọc, anh cho rằng diễn xuất của dàn nhân vật nữ là một trong những điểm tốt nhất của Chị dâu.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng bày tỏ ý kiến tương tự: "Giữa một thị trường điện ảnh đang khởi sắc nhưng phim ảnh chưa thực sự chất lượng thì sự xuất hiện của Chị dâu thật đáng vui. Tôi xem mà như đang xem một bộ phim indie (độc lập) của Mỹ vậy, họ làm motif về cuộc tụ họp tình thân kiểu này rất hay".
Blogger phim ảnh Luscas Luân Nguyễn cũng dành lời khen cho bộ phim: "Chị dâu chinh phục tôi ở rất nhiều điểm, nhưng điều tuyệt vời nhất là tính nữ quyền kết hợp với tính bản địa của kịch bản đã mang đến một câu chuyện rất đáng được kể về những người phụ nữ Việt Nam.
Mượn hình ảnh nhà từ đường và nghĩa vụ chăm sóc, bảo quản căn nhà đặt nặng lên vai 4 chị em ruột và một chị dâu trưởng trong một gia đình không có bóng dáng của những người đàn ông, Chị dâu khai thác những nhức nhối điển hình của một gia đình mất chức năng. Mở đầu với những gợi mở về cuộc sống cá nhân của từng người trong số họ và vẽ nên bức chân dung hoàn chỉnh thông qua những hành vi và câu thoại được xây dựng chuẩn chỉnh, phim "giải phẫu" hình ảnh người phụ nữ khi bị trói buộc trong những lề thói xưa cũ của xã hội để rồi tự chuốc lấy những bi kịch nhất định cho cuộc đời mình".
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt có chung nhận định: "So về thị trường điện ảnh của năm 2024, tôi nghĩ Chị dâu nằm trong top 3 của những phim xuất sắc nhất. Và với người Việt nói chung, mọi chi tiết trong bộ phim này đều có thể tìm thấy đâu đó trong những câu chuyện trong chính gia đình của mình. Một bộ phim mà sau khi xem xong, chúng ta muốn về đưa bà, đưa mẹ, đưa dì, đưa mợ, đưa thím… những người phụ nữ trong gia đình đến rạp để xem cùng nhau".
Chia sẻ với PV. Dân Việt, ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Box Office Vietnam cho biết: "Nếu đạt được mốc 100 tỷ đồng có thể được coi là một thành công lớn đối với một phim indie như Chị dâu. Để có được doanh thu vài trăm triệu như Mai hay Lật mặt thì Chị dâu chưa đạt được bởi 2 bộ phim trên đã có thương hiệu. Tuy nhiên thành công của Chị dâu cho thấy khán giả Việt đón nhận những tác phẩm điện ảnh được làm tốt, nội dung có chất lượng. Hy vọng đây sẽ là hướng đi của các nhà làm phim Việt".
Lý do Chị dâu không cần PR rầm rộ nhưng vẫn hút khách
Chị dâu được cho là có cách thức quảng bá không mấy rầm rộ, showcase của bộ phim diễn ra vào tháng 11 nhưng không mấy nhận được sự chú ý của truyền thông. Thực tế cho thấy, một bộ phim có chất lượng kịch bản tốt thường sẽ có sẵn sức hút riêng của nó. Nhiều bộ phim được đầu tư tốt về khâu quảng bá, nhưng vì kịch bản kém chất lượng, dẫn tới thất bại nặng nề về doanh thu.
Chia sẻ về hiện tượng phim Chị dâu, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nêu quan điểm:
Phim Chị dâu tạo nên hiện tượng đột phá ở phòng vé là do những người làm phim đã tìm được "điểm chạm" với khán giả đại chúng. Từ câu chuyện của biên kịch cho đến cách kể của đạo diễn, dĩ nhiên là cùng với vai trò to lớn của dàn cast có khí chất tương đồng.
Trong một phương diện khác cũng đáng lưu tâm không kém, tôi muốn thử nhìn riêng về người kể chuyện phim này trên bình diện chung của điện ảnh Việt giai đoạn hiện tại và sắp tới.
Cụ thể là với đạo diễn Khương Ngọc, người có xuất thân là diễn viên, khi bước chân sang vai trò đạo diễn anh từng có mấy dự án liên tục thất bại. Chỉ đến dự án này đạo diễn Khương Ngọc mới thực sự bùng phát. Nghĩa là cần có một quá trình đeo đuổi bền bỉ dài lâu khi Khương Ngọc quyết định "lấn sân", trong mắt giới làm nghề cùng truyền thông chung.
Nếu nhìn vào hiện trạng của phim Việt hiện nay thì thấy rõ là đã và đang có khá nhiều dự án phim được hình thành và "chào sân" đầy ấn tượng về chất lượng chuyên ngành lẫn doanh thu phòng vé, từ nhiều vị trí tưởng chừng phi - đạo - diễn. Như với trường hợp các phim của diễn viên - đạo diễn Trấn Thành. Trước đó là các phim của diễn viên - đạo diễn Ngô Thanh Vân. Gần đây thì có đạo diễn xuất thân từ dựng phim, như Lưu Thành Luân với Quỷ cẩu; đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương của phim Domino: Lối thoát cuối cùng có xuất thân từ quay phim; sắp tới sẽ là đạo diễn Diệp Thế Vinh cũng có xuất thân từ quay phim với phim Việt mùa Tết có Yêu nhầm bạn thân; và diễn viên - đạo diễn Thu Trang với Nụ hôn bạc tỷ. Hoặc đạo diễn xuất thân từ kiến trúc sư, như với Phạm Ngọc Lân của phim Cu li không bao giờ khóc. Thú vị hơn, còn có đạo diễn phim điện ảnh Việt có xuất thân từ YouTuber là đạo diễn Hoàng Nam, với dự án Đèn âm hồn sẽ trình chiếu sau Tết.
Những nhân tố như thế ắt hẳn sẽ góp phần đa dạng hóa "hình hài" của phim Việt mùa mới, từ nhiều góc nhìn đa cực với các trải nghiệm khác biệt nhau trong hành trình làm phim của giới làm nghề trong nước. Đó mới chính là tín hiệu đáng phấn khích nhất cho cả nền chung của điện ảnh Việt, chứ không chỉ với riêng một hiện tượng phòng vé từ một phim Việt bất kỳ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.