|
Trận “bão” vàng sáng nay tại thị trường vàng trong nước khiến nhiều người nhớ lại trận “sốt” giá kim loại quý này diễn ra cách đây đúng một năm. |
Trận “bão” vàng sáng 9-11 tại thị trường vàng trong nước khiến nhiều người nhớ lại trận “sốt” giá kim loại quý này diễn ra cách đây đúng một năm.
Vào ngày 11-11-2009, giá vàng đã tăng trên 2 triệu đồng/lượng trong vòng khoảng 4 giờ đồng hồ, nhảy từ 27 triệu đồng/lượng qua ngưỡng 29 triệu đồng/lượng. Khi đạt đỉnh vào ngày hôm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 3,6 triệu đồng mỗi lượng.
Còn sáng nay, ngày 9-11, giá vàng trong nước cũng gây sốc khi lần lượt nhảy qua hai ngưỡng 37 và 38 triệu đồng/lượng trong vòng 2 giờ đồng hồ. So với đầu giờ sáng qua, tức là cách đây mới chỉ hơn một ngày, giá vàng tính tới gần 10h sáng nay đã tăng thêm gần 3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới quy đổi (theo giá USD tự do 21.250 đồng, chưa cộng thêm thuế và các chi phí khác), tương đương xấp xỉ 36,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, ở mức đỉnh 38,2 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng.
Vào ngày 9-11-2009, giá vàng thế giới đã đạt kỷ lục trên 1.110 USD/oz. Tương tự, trong phiên giao dịch đêm qua (8/11/2010), giá vàng thế giới đã thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trên mức 1.410 USD/oz.
Một điểm tương đồng giữa cơn sốt vàng sáng nay và cách đây một năm là lực mua vàng của người dân tăng mạnh, trong khi nguồn cung vàng được giới kinh doanh kim hoàn cho biết là bị thắt chặt, tạo nên sự chênh lệch lớn giữa lực cung và lực cầu.
Đầu giờ sáng nay, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng tạm ngưng giao dịch vì lo ngại những diễn biến bất thường về giá có thể gây ra những rủi ro lớn. “Khách hàng chờ mua thì đông, trong khi chúng tôi không tìm được nguồn hàng để cân đối trạng thái. Nếu chúng tôi bán ra mà sau đó giá tăng mạnh thì cầm chắc lỗ nặng”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Trưởng phòng kinh doanh vàng miếng của một doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội cho hay, tình trạng khách hàng mua ròng vàng đã diễn ra trong 4-5 ngày trở lại đây, nhiều khách đã mua với khối lượng lớn từ ngày hôm qua. “Người dân mua vàng bất chấp giá cao, vì thấy cứ mua hôm trước hôm sau là đã có lãi”, vị này nói.
Tuy nhiên, tới sáng nay, số lượng khách mua vẫn tăng vọt, dẫn tới tình trạng phải xếp hàng để đảm bảo trật tự trên các tiệm vàng lớn thuộc khu vực Trần Nhân Tông. Một số đơn vị đã phải áp dụng phương thức bán hàng bằng ticket cho những khách mua với khối lượng lớn mà công ty chưa tìm được nguồn hàng để đáp ứng ngay.
“Chúng tôi phải xoay mọi cách để cân đối giữa mua và bán. Hầu như trong sáng nay, hoạt động mua bán trên thị trường bán sỉ vàng đã tê liệt vì các doanh nghiệp không chịu bán đối ứng cho nhau”, một đại diện cho hay.
Tại thị trường Tp.HCM, tình trạng mất cân đối cung-cầu vàng trong sáng nay cũng được các doanh nghiệp cho biết là căng thẳng. Tới khoảng 10h, SJC đã bán ra 5.000 lượng vàng tại cửa hàng trụ sở công ty, tăng gần gấp đôi so với khối lượng bán của cả ngày hôm qua, trong khi chỉ mua vào được 3.000 lượng.
“Chúng tôi đã bị rơi vào trạng thái âm. Tuy nhiên, chủ trương của công ty là vẫn bán vàng ra, đáp ứng nhu cầu của khách, để tình hình thị trường bớt căng thẳng”, ông Nguyễn Công Tường, Phó giám đốc kinh doanh của SJC nói. Cũng theo ông Tường, SJC gặp khó khăn trong việc tìm nguồn hàng đối ứng, vì hầu như các doanh nghiệp vàng khác không bán vàng cho nhau.
Trở lại thời điểm trận bão giá vàng ngày 11-11-2009, để bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố cho nhập khẩu vàng để hạ nhiệt thị trường, khiến giá vàng sụt giảm chóng mặt ngay vào buổi chiều cùng ngày.
Tuy nhiên, khi xảy ra trận sốt vàng 2009, ngoài việc Ngân hàng Nhà nước đã không cấp phép cho nhập khẩu vàng trong khoảng một năm rưỡi (tính từ tháng 5-2008), các doanh nghiệp vẫn có thể tìm được nguồn hàng đối ứng thông qua giao dịch vàng qua tài khoản ở nước ngoài, sàn vàng, hoặc vay vàng từ các ngân hàng thương mại.
Còn ở thời điểm hiện nay, theo nhận định của các nhà kinh doanh vàng, hầu hết mọi nguồn cung vàng đều đã bị thắt lại.
Về nguồn cung từ phía người dân, giá vàng liên tục tăng trong thời gian qua khiến nhiều người đang nắm vàng không muốn bán ra nữa. Việc vay vàng từ ngân hàng để bán cũng đã không còn kể từ sau khi Thông tư 22 được ban hành. Hoạt động nhập khẩu vàng từ đầu năm tới nay diễn ra hết sức hạn chế, trong khi lượng vàng xuất khẩu đi là tương đối lớn.
Thêm vào đó, hiện nay, các doanh nghiệp cũng không thể cân đối trạng thái vàng bằng giao dịch trên tài khoản ở nước ngoài, đồng thời cũng không được vay vàng từ ngân hàng nữa.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng phía Nam cho rằng, để hạ cơn sốt vàng hiện nay, đưa giá vàng trong nước về ngang bằng với giá thế giới, giải pháp hàng đầu là cho nhập vàng, giải “cơn khát” vàng trong nước. Tuy nhiên, điều này có thể gây sức ép lên cán cân thương mại và tỷ giá.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng tại Hà Nội cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo ra sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước vàng thế giới. “Nhiều quốc gia có được sự liên thông này bằng cách cho phép nhập vàng như những hàng hóa bình thường khác. Một khi có sự liên thông, thì tâm lý găm giữ vàng cũng sẽ được giải quyết”, vị này nhận định.
Còn theo ông Tường, Phó Giám đốc kinh doanh SJC, trong bối cảnh các nguồn cung bị hạn chế, để hỗ trợ bình ổn thị trường, giải pháp gần nhất là các doanh nghiệp phải có sự hợp tác, cùng tung hàng ra thị trường.
Điểm khác biệt giữa cơn sốt vàng hiện nay và cơn sốt năm ngoái là trong năm nay, tỷ giá USD tự do tăng nóng, góp phần đẩy giá vàng lên bên cạnh các yếu tố nguồn cung thắt chặt và giá thế giới leo thang. Giá USD tự do tại Hà Nội lúc gần 10h sáng 9-11 đã lên 21.250 đồng, đắt hơn so với cuối ngày 8-11 280 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tự do cùng kỳ năm ngoái chỉ vào khoảng 19.000 đồng.
Theo Vneconomy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.