Đây là những nội dung của chương trình truyền hình “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ”, phát sóng trực tiếp lúc 20 giờ ngày 3.4 trên Kênh Truyền hình Nông nghiệp nông thôn 3NTV - VTC16.
Bà Kha Thoa - Giám đốc Kênh 3NTV - VTC16 cho biết, những mô hình thành công nhất sẽ xuất hiện trong chương trình truyền hình nhìn lại 3 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là những mô hình thành công điển hình của Đề án 1956 đã từng được giới thiệu trên kênh này. Nhiều người trong số họ trở nên nổi tiếng, được nhiều nông dân ở các vùng miền khác nhau muốn tìm gặp và học hỏi kinh nghiệm.
|
MC Xuân Bắc (trái) và khách mời của chương trình trực tiếp “Hãy hỏi để biết” (VTC 16)trả lời mọi thắc mắc của nông dân, trong đó có học nghề. |
Ngoài giới thiệu những gương điển hình, chương trình cũng nhìn nhận, tổng kết một số vướng mắc, bất cập của việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn. Ở một số nơi, nông dân học nghề xong không có việc làm, hoặc sản phẩm làm ra không bán được... Nông dân được huy động đi học nghề, nhưng nghề đó lại không dùng được. Thế là họ không còn cơ hội để học nghề khác (vì theo quy định, mỗi người chỉ được học 1 lần).
Trong khi đó, không ít lớp dạy nghề vẫn được mở ra mà mục tiêu chỉ là để hoàn thành chỉ tiêu. Ở An Giang, có những lớp dạy nghề mở cửa vào nửa đêm chỉ vì thời gian triển khai không còn nhiều, phải học cả ban đêm thì mới đảm bảo kế hoạch. Có nơi, nội dung đào tạo chỉ cần 2 tuần, nhưng lớp dạy nghề lại kéo dài đến tận 2 tháng... Những câu chuyện này sẽ được kể lại trong chương trình. Đây cũng chính là nội dung chất vấn sẽ được gửi tới các vị lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ LĐTBXH, Bộ NNPTNT...
Chương trình này sẽ được phát trực tiếp trên kênh VTC16 và tiếp sóng trên các kênh VTC1, VTC2, VTC5 và một số đài địa phương trên cả nước.
Năm 2012, ngành NNPTNT đã tiếp nhận việc đào tạo những nghề nông nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng của các lớp đào tạo nghề này. Ngành cũng đã làm thí điểm việc cấp thẻ học nghề cho nông dân. Với những tấm thẻ này, nông dân có thể học nghề mà họ muốn, ở bất kỳ cơ sở đào tạo nghề nào thuộc Đề án 1956. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo, ràng buộc trách nhiệm của các địa phương với hiệu quả của chương trình đào tạo nghề.
Những biện pháp này mới được triển khai và đang được kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến mới trong dạy nghề cho lao động nông thôn. Tất cả những vấn đề trong triển khai Đề án 1956 sẽ được đề cập trong chương trình truyền hình tối 3.4. Đại diện các bộ, ngành sẽ trả lời về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại. Theo bà Kha Thoa, khán giả có thể kỳ vọng rằng, sẽ không có chuyện trách nhiệm bị đùn đẩy từ ngành này sang ngành khác, vì trong chương trình có mặt đầy đủ đại diện các bộ ngành liên quan và những ý kiến của họ sẽ được đối chiếu với nhau.
Công An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.